Trần Quí Thanh
—–
Kính chào anh Trần Quí Thanh.
Tôi chỉ là một doanh nhân đã lỗi thời, “nghỉ chơi” từ lâu rồi. Tôi đọc blog của anh cả năm nay thấy anh rất có lòng với lớp trẻ khởi nghiệp. Rất quí.
Anh đã nói nhiều những nguyên nhân để một startup thành công nhưng chưa thấy anh nói về những nguyên nhân để một startup thất bại. Rất mong anh hồi đáp vấn đề này. Tụi nhỏ vẫn hay hỏi tôi nhưng rất khó trả lời vì tôi chỉ là doanh nhân của DNNN chưa hề tự mình làm Doanh nghiệp tư nhân.
Chúc anh và Tân Hiệp Phát một năm mới an khang thịnh vượng.
Lê Minh Hiếu (Đà Nẵng: hieu_onggia17@gmail.com)
—–
Anh Lê Minh Hiếu mến!
Trước hết, mời anh đọc bản tin của vnexpress ngày 8.11.2018
“Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kê hoạch Đầu tư, cả nước có gần 110.000 doanh nghiệp thành lập trong mười tháng đầu năm, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số lượng ngừng hoạt động không đăng ký, chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể lại tăng gấp đôi lên hơn 67.000. Như vậy, bình quân mỗi tháng có gần 7.000 doanh nghiệp đang hoặc đã bị xóa sổ”.
Thực tế này cho thấy, tỉ lệ người làm doanh nghiệp thất bại luôn rất cao, không phải ai bước chân ra làm kinh doanh là cũng thành công. Nếu vậy thì cả thế giới chỉ toàn doanh nhân.
Trong số những người trụ lại được, thì đa số là đủ nuôi doanh nghiệp, trả lương người lao động, khá hơn thì tích lũy được để mở rộng sản xuất. Còn số thành công đúng nghĩa là doanh nhân thành đạt rất ít.
Vì sao vậy? Vì kinh doanh không dễ như người ta tưởng. Nhiều người không biết gì về lĩnh vực này, hoặc ảo tưởng là mình biết, nên khi lao vào là ngã ngựa.
Có nhiều người sinh ra trong gia đình giàu có, được ăn học tử tế, cả đời sống trong nhung lụa nên cứ tưởng cuộc đời đẹp như mơ. Lấy tiền cha mẹ, mở doanh nghiệp và đem mớ lý thuyết trường lớp và nhung lụa đó ra. Những người này chỉ thích thiên hạ gọi mình là CEO, là giám đốc, là khởi nghiệp. Họ không biết rằng chẳng ai thừa nhận thứ hư danh đó. Chết không kịp ngáp.
Có những người muốn mình nổi tiếng, nghe thiên hạ startup thì mình cũng nhảy vào cho nó có ấn tượng. Nhưng thương trường không phải là sân khấu tấu hài hay ca nhạc quần chúng để chơi cho nó vui.
Bạn phải biết mình là ai trong cuộc chơi thương trường, đã chuẩn bị được hành trang nào để tham gia vào cuộc đời của một doanh nhân. Đó là một cuộc hành trình dài và gian khổ, đòi hỏi phải học hỏi không ngừng.
Sai lầm dẫn đến thất bại là do người đứng đầu tưởng mình biết hết, chỉ mình mới tài giỏi, quyết định hết, từ đó sinh ra độc tài.
Đừng quên rằng, không ai giỏi tất cả, muốn dựng nghiệp phải tìm hiền tài để mời về bên cạnh, có người “bấm chân rỉ tai”. Người xưa nói “tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư” (trong ba người cùng đi, chắc chắn có người là thầy ta).
Vì thế, tự cao tự đại, tưởng mình có tiền, làm ông chủ là “nhà thông thái”. Nghĩ vậy thì chết vì tự cao tự đại. “Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại” (điều răn của nhà Phật).
Cám ơn anh đã tương tác.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)