Trần Quí Thanh
Nguồn: Internet
Tui vừa có bài viết trả lời bạn Lê Hân Hoan về hiện tượng nghề giáo bị xã hội quay lưng thông qua bảng điểm tuyển sinh sinh đầu vào của ngành sư phạm, hôm nay đọc bài "Xin hiến kế cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ" trên Báo Lao Động ngày 12.8, thấy rất tâm đắc trước ý kiến rất thẳng thắn của tác giả, nên cũng xin bàn thêm đôi lời.
Tác giả trích dẫn lời vủa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, muốn nâng cao chất lượng đầu vào ngành sư phạm, phải học tập công an, quân đội. Tui cũng hơi ngạc nhiên tự hỏi, không biết ngành sư phạm phải học tập cái gì? Và còn nữa, nếu có cái cần phải học, thì người cần học nhất chính là người đứng đầu ngành giáo dục, vì khi người đứng đầu hiểu thì mọi quyết định sẽ nhanh hơn. Theo tui, ý học tập công an, quân đội rất tối nghĩa.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ – Nguồn: Báo Tiền Phong
Điều có nghĩa nhất chính để nâng cao chất lượng đầu vào ngành sư phạm chính là nâng cao chất lượng đời sống của giáo viên trong xã hội. Mà làm sao để nâng cao chất lượng cuộc sống của giáo viên thì ai cũng biết, đó là lương giáo viên phải đủ sống đàng hoàng tử tế. Theo báo Lao Động, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để trả lương cao cho giáo viên, hãy đọc thông tin của tác giả cung cấp:
"Chi tiêu cho giáo dục ở VN năm 2005 chiếm 8,3% GDP, vượt cả Mỹ chỉ có 7,2% (dân các nước phát triển cao chi trả 20%, còn ở Việt Nam dân chi trả tới 40%). Dựa vào chi phí cho giáo dục ở Việt Nam và dựa vào tỷ lệ 62,3% chi phí thường xuyên cho giáo dục là để trả lương (theo tỷ lệ ở Việt Nam), ông Vũ Quang Việt khẳng định rằng, đáng lẽ thu nhập của giáo viên bình quân phải là 38 triệu đồng nếu như hệ thống giáo dục được tổ chức và điều hành qui củ và hợp lý".
Và tác giả đặt vấn đề: "Vì sao lương giáo viên thấp, trong khi chi phí giáo dục cao hàng đầu thế giới, thưa Bộ trưởng, đáng lẽ phải là một bài toán cần gấp đáp số".
Tui giật mình trước con số trên, và nghĩ có lẽ ngành giáo dục đã chi phí cho nhiều đề án giáo dục với tổng số đầu tư cả chục ngàn tỉ đồng, bộ máy quản lý giáo dục cồng kềnh, chiếm quỹ lương của ngành quá lớn, thì sẽ không còn để tăng lương cho giáo viên.
Báo chí đã từng phản biện các đề án đổi mới sách giáo khoa, các con số khổng lồ về cho tiêu cho các dự án thiết bị trường học, nhưng khi cung cấp cho cơ sở, các thiết bị đó chỉ bỏ trong kho.
Giải quyết được những tồn tại đó thì sẽ có lối ra cho ngành sư phạm mà không cần phải học ai cả.
Nước mình còn nghèo, phải thắt lưng buộc bụng, nếu ngành nào cũng níu vào hầu bao nhà nước thì lấy đâu ra cho đủ. Nhưng nếu quản lý tốt, không để thất thoát vào những dự án tiền tấn, thì sẽ có đủ tiền cho người làm việc thực sự được hưởng lương cao.
Từ lâu tui vẫn luôn quan tâm tới sự học của đất nước, cho nên khi có những vấn đề liên quan đến ngành giáo dục, buộc tui phải suy nghĩ và lên tiếng. Tui xem sự lên tiếng của mình là sự thể hiện trách nhiệm công dân, nếu có chi chưa đúng, mong mọi người góp ý.
Sài Gòn 13/8/2017
TQT
Link bài: Xin hiến kế cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ