Báo chí thời ‘cái gì cũng biết’

Trí Quân/ Báo Tiền Phong

Nguồn hình: Internet
—–
Với nền tảng công nghệ số siêu hạng và mạng xã hội chằng chịt phủ kín hiện nay, có thể nói mọi thông tin trên thế giới này đã đến lúc gần như không có gì là không thể biết.

Vậy thì nhà báo giờ đây là gì và cần gì? Độc giả là ai? Khái niệm “độc giả đích” giờ còn không?

Báo chí truyền thông hiện đại, tôi cho rằng đến lúc cuộc chạy đua công nghệ không còn là vấn đề quan trọng nhất. Vấn đề là nhận thức về thông tin, là có được nói, có nên nói và nói như thế nào về những thứ thông tin “luôn được biết” ấy. Nhà báo, nghề báo rõ ràng đang đòi hỏi nhiều tố chất khác hơn ngoài việc dựa trên nền tảng kỹ thuật và những thủ pháp tác nghiệp đơn thuần.

Như nhiều đồng nghiệp thâm niên với nghề, tôi cũng được mời tham gia thỉnh giảng báo chí tại một vài “lò” đào tạo. Nhận thấy lứa sinh viên báo chí sau này nhanh nhẹn, có thao tác nghề bài bản hơn hẳn những lớp anh chị trước đó. Những phàn nàn rằng chỉ được học “lý thuyết suông” cũng lắng dần. Nhưng kỹ năng nhận thức, phân tích, ứng xử với thông tin và nguồn thông tin của những nhà báo tương lai mà tôi được tiếp xúc phần lớn không theo kịp những kỹ năng thao tác về thể loại, loại hình đơn thuần mà các em vẫn được học. Ngay như những mối tiềm ẩn gây khủng hoảng thông tin, hay kỹ năng cơ bản nhận thức và xử lý khủng hoảng truyền thông sinh viên báo chí dường như cũng chưa hoặc ít được chạm đến.

Nói cách khác, đó chính là sự khuyết thiếu về nhận chân xã hội và con người giữa thời đại vạn vật bùng nổ này. Một xã hội và mỗi cá nhân không đơn thuần theo tư duy cũ, mà được đặt trên nền tảng những mắt xích chằng chéo toàn cầu, trước mọi thứ lăng kính và thấu kính trong suốt xuyên biên giới không thể che giấu. Cũng là khuyết thiếu của chính không ít những nhà báo chuyên nghiệp.

Đến lúc, trên thế giới này thông tin hầu như không còn phụ thuộc vào kỹ năng điều tra, khám phá mang tính “độc quyền” của nhà báo/tòa báo nào. Mà vấn đề ở chỗ thông tin ấy được cung cấp và điều tiết ra sao. Báo chí hiện đại trên thế giới người ta đang bàn về “tính chính trị” của thông tin/nguồn tin, phụ thuộc vào lợi ích của mỗi quốc gia, đảng phái, cộng đồng, nhóm người,… Và tất nhiên, cái đích cuối cùng vẫn là đem lại sự bình ổn xã hội, phát triển mỗi quốc gia dựa trên nền tảng trật tự cơ bản của thế giới hiện tại.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện không chỉ của nguồn cung cấp thông tin, mà quan trọng hơn cả là trách nhiệm của đội ngũ nhà báo, và cả công chúng/độc giả là đối tượng tiếp nhận thông tin. Khi phân tích, phản biện không chỉ là công cụ của nhà báo, mà còn là tương tác thường trực của bạn đọc, dư luận. Đòi hỏi công chúng tiếp nhận thông tin hiện nay nhiều tố chất cần thiết khác ngoài sự tỉnh táo hay thông thái.

Để nhận ra rằng cuối cùng, loài người giữa bộ máy và cơ chế truyền thông khổng lồ đang trùm lấp lên mọi giác quan đến từng giây này cũng phải quay về với nguồn cội nguyên thủy của mình, đó là Nhân tính. Ít ra đó vẫn là sự thông thái và vòng đai bảo hiểm bền bỉ nhất.

NGUỒN:  Theo Báo Tiền Phong

Link bài: Báo Chí...

https://tienphong.vn/bao-chi-thoi-cai-gi-cung-biet-post1347613.tpo

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *