V.Dũng / Kinh Tế Sài Gòn Online
Hầu hết các doanh nghiệp đã một lần gồng mình chịu đựng cơn “bão giá” nguyên liệu hồi tháng 2 để kích cầu và hy vọng vào các biện pháp kỹ thuật nhằm hạ giá xăng của cơ quan điều hành. Dù vậy, các biện pháp kỹ thuật như giảm 50% thuế bảo vệ môi trường chỉ như liều “giảm đau” tức thời với ba phiên điều chỉnh nhẹ và sau đó bật tăng liên tục từ cuối tháng 4 đến nay. Điều này như “giọt nước tràn ly” khiến không ít doanh nghiệp phải đưa ra quyết định tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ để tồn tại.
Sóng tăng giá đã nổi lên
Trong đợt tăng giá cuối tháng 2 vừa qua, khi nói đến vấn đề tăng giá bán sản phẩm nhiều doanh nghiệp vẫn còn tỏ ra ngần ngại. Tuy nhiên sau chuỗi ngày tăng giá nhiên liệu gần đây thì dường như ngưỡng chịu đựng của họ đã đến giới hạn và không ít trong đó đã thẳng thắn hơn với việc tăng giá bán.
Trong lĩnh vực F&B, việc tăng giá sản phẩm thường ảnh hưởng lớn đến việc giữ chân khách hàng. Tuy nhiên mới đây, chuỗi Pizza 4P’s thông báo điều chỉnh giá bán vì chi phí nguyên vật liệu tăng cao hơn so với dự trù của doanh nghiệp. “Chúng tôi đã phải đi đến quyết định này nhằm đảm bảo mang đến món ăn và dịch vụ tốt nhất”, chuỗi nhà hàng pizza này lý giải.
Hay như Công ty Saigon Food cho hay họ vừa tăng giá bán nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến từ 5-15%. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào tăng liên tục, trong đó nhà cung cấp bao bì như giấy, vỏ nhôm… đã 2-3 lần điều chỉnh tăng giá từ cuối năm 2021 đến nay.
Tương tự, đại diện Công ty Vissan cũng cho biết đang điều chỉnh tăng giá bán một số sản phẩm chế biến do các nhà cung cấp nguyên vật liệu và bao bì đã nhiều lần tăng giá bán.
Hầu hết các doanh nghiệp thực phẩm đều chia sẻ về chi phí đầu vào tăng trong đó giá bao bì sản phẩm tăng liên tục. Tuy nhiên ngay tại các doanh nghiệp cung ứng bao bì thì họ cũng phải chịu áp lực lớn từ nguyên liệu, chi phí vận chuyển và chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Theo ông Phạm Văn Chính, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bao bì Toàn Cầu (Glopaco), nguyên vật liệu để sản xuất các loại bao bì của doanh nghiệp nhập vào từ đầu năm đến nay đã tăng 10%. Bên cạnh đó là các chi phí phát sinh khác đang ăn dần vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.
“Mặc dù tăng trưởng về doanh số năm 2021 tốt và năm 2022 có nhiều triển vọng khi số lượng bao bì cung ứng ra có thể tăng 20%, nhưng do giá cả nguyên liệu đầu vào, cước vận chuyển, công nợ của khách hàng… nên tình hình sản xuất cũng có những khó khăn nhất định. Gồng mình chống đỡ song doanh nghiệp chỉ có thể tăng giá sản phẩm ở mức đủ bù đắp chi phí vì khách hàng chưa dễ dàng chấp nhận”, ông Chính cho biết.
Tác động của “bão giá” đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong báo cáo tài chính quí 1 của phần lớn doanh nghiệp và có thể kéo dài sang quí 2 nếu chi phí đầu vào tiếp tục leo thang. Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn mà ngay cả các doanh nghiệp có vốn hóa lớn cũng thừa nhận lao đao với diễn biến giá.
Báo cáo tại đại hội cổ đông năm nay, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết lợi nhuận sau thuế quí 1 của doanh nghiệp đạt hơn 2.280 tỉ đồng, giảm hơn 12% so với cùng kỳ. Công ty phải đối mặt nhiều khó khăn và thách thức liên quan tới tình trạng khan hiếm nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào, giá cả hàng hóa thức ăn chăn nuôi leo thang, giá cước vận tải tăng cao…
Ban lãnh đạo Vinamilk cho biết giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục duy trì ở mức cao do thiếu nguồn cung và ảnh hưởng từ khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Thêm vào đó, việc giá dầu thô tăng cao đã làm đội thêm chi phí vận chuyển, đẩy giá vốn bán hàng và nhiều chi phí đầu vào tăng theo.
Cũng trong mùa đại hội cổ đông vừa qua, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng như Hà Tiên, Hoàng Mai, Bỉm Sơn cho biết chi phí đầu vào bào mòn lợi nhuận trong quí 1 nên họ phải tăng giá bán để bù đắp. Theo đó các doanh nghiệp trong ngành này nhìn nhau tăng thêm từ 50.000 – 80.000 đồng/tấn.
Những thống kê trên chưa thể khái quát hết mức độ ảnh hưởng của các cơn bão giá lần này đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ở nhiều lĩnh vực như phân bón, điện tử, vật liệu xây dựng, dịch vụ… giá cả đã rục rịch tăng lên khiến cho doanh nghiệp, người tiêu dùng đứng trước áp lực của mặt bằng giá mới trên diện rộng.
Đà phục hồi bị cản lại
Sức cầu nội địa được ghi nhận tăng trở lại sau thời gian giảm sâu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây là điều kiện lý tưởng để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nắm bắt cơ hội mới. Tuy vậy, thách thức từ mặt bằng giá cả leo thang, hay biến động có thể cản đà phục hồi của doanh nghiệp.
Ông Đoàn Văn Nam, Phó giám đốc Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec), đánh giá chi phí logistics và nguyên liệu đầu vào tăng cao đang là thách thức lớn nhất của hầu hết doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hiện nay.
“Doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong bối cảnh chuẩn bị ký các hợp đồng năm 2023. Một số nguyên liệu nhập khẩu tăng cao nhưng các sản phẩm của đơn vị chủ yếu là xuất khẩu nên vẫn chưa thể tăng giá bán mà chỉ có thể điều chỉnh một số yếu tố như cước tàu biển…”, ông Nam chia sẻ.
Trong báo cáo mới đây, bên cạnh đánh giá thị trường tiêu dùng nội địa phục hồi, Bộ Công Thương cũng đặt ra lo ngại nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Bởi phần lớn doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp và ở mặt bằng giá cao, đã đẩy giá các hàng hóa này tại thị trường trong nước tăng.
“Trong tháng 4 vừa qua, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn về cung cầu, tuy nhiên do ảnh hưởng của xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới nên giá một số mặt hàng trong nước tăng so với tháng trước”, Bộ Công Thương đánh giá.
Nhiều doanh nghiệp đã buộc tăng giá bán sản phẩm khi đã quá ngưỡng chịu đựng. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tức thời để duy trì kinh doanh còn việc cân đối kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 là vấn đề rất khó. Nhất là trong bối cảnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ vẫn có độ trễ, trong khi đó sức ép từ các biến động của kinh tế thế giới ngày một lớn hơn.
Nhìn nhận từ góc độ phân tích dữ liệu, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup, cho biết, các báo cáo của quí 1-2022 đưa ra số liệu và khi nhận định về các nhóm ngành sản xuất đều nói tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước là chưa hợp lý và không phản ánh đúng bản chất. Chúng ta so với cùng kỳ năm trước là năm nền kinh tế đang chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gần như đóng băng. Để so sánh và nhận định chính xác xem doanh nghiệp đã lấy được đà phục hồi và trở lại bình thường hay chưa, phải so với cùng kỳ của năm 2019 là thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra”.
“Một số ngành vẫn cần được “kích hoạt” cho hồi phục mạnh hơn nữa nếu không sẽ bị cản lại bởi các yếu tố biến động giá. Chẳng hạn một số ngành có sự hồi phục rất chậm như hàng không và du lịch quốc tế, xây dựng và vật liệu. Khắc phục tình trạng này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhất là trong bối cảnh môi trường lãi suất đang tăng và lạm phát có thể gia tăng vượt kỳ vọng”, ông Thuân cho hay.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng để lấy lại đà phục hồi sản xuất thì một trong những biện pháp cần làm ngay đó là phải nhanh chóng giảm độ trễ của chính sách. Và phải khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần có những giải pháp để ổn định giá nhiên liệu, để giảm bớt áp lực về các chi phí.
T.S Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng Việt Nam cần phải có giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt là dự trữ xăng dầu. Dự trữ tốt sẽ giúp kinh tế Việt Nam không bị động trước diễn biến khó lường từ giá xăng dầu. Dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ khoảng 5-7 ngày là con số quá ít và tác động tiêu cực tới tăng trưởng và lạm phát.
Vì vậy, Việt Nam cần phải đẩy mạnh dự trữ xăng dầu bằng hàng thay vì bằng tiền. Nếu làm tốt sẽ là giải pháp giúp nền kinh tế không bị tổn thương quá lớn và đà phục hồi của doanh nghiệp không bị cản lại.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/bao-gia-lan-hai-ap-den-don-doanh-nghiep-vao-the-kho/