Lúc còn nhỏ, em có quyền nhìn sự vật với trí tưởng tượng đủ chiều của mình. Tưởng tượng đàn bướm bay tới tận trời xanh hay tưởng tượng đôi cánh thiên thần đáp xuống giấc mơ! Tưởng tượng ông già Noel cưỡi tuần lộc băng ngang đồi tuyết. Giáo dục phải biết bảo vệ quyền tự do tưởng tượng cho trẻ thơ. Dạy ép trẻ thơ học chữ trước khi vào lớp một không được cho phép tại các quốc gia phương Tây, bởi nó ép trẻ sớm vào khuôn khổ người lớn và cắt đi đôi cánh tưởng tượng bay bổng của các em.
Lớn hơn một chút, em sẽ hiểu rằng trong xã hội em không có quyền làm những điều xâm phạm vào quyền lợi hay tự do của người khác. Em biết mình có quyền mùa xuân dạo miền cỏ thắm, mùa hè ngắm hồ sen xanh… vì đó là quyền tự do tích cực của em, nhưng không có quyền xéo cỏ, vặt hoa, giết bướm, ném rác xuống ao… vì làm như thế là xâm phạm quyền tự do thụ động của người khác, nghĩa là cái quyền của họ được hưởng môi trường sống hoa cỏ tốt tươi, chim bay bướm lượn, ao hồ xanh sạch. Chính giáo dục chỉ cho em biết về hai khái niệm tự do đó cùng với cách ứng xử phù hợp chuẩn mực xã hội. Những điều đó giúp em sống vừa tự do, vừa yên vui giữa cộng đồng. Em đang trở thành một thiếu niên hiểu biết hơn về tự do, do đó biết cách hành xử và hạnh phúc với quyền tự do.
Lớn hơn nữa, em cũng sẽ dần thấy mình không thể sống giữa xã hội với các bản năng và cá tính của một đứa trẻ lên ba. Các thô ráp, góc cạnh không thích hợp cần làm tinh tế, uyển chuyển, mềm mại hơn… Giáo dục giúp em điều đó. Trước hết giúp em nhận ra chính mình. So với chung quanh, mình nóng nảy hơn hay trầm tĩnh hơn? Hướng ngoại hơn hay hướng nội hơn? Tham vọng nhiều hay ít hơn? Biết được các điều này, em tự tin hơn, dễ hòa đồng vào đám đông hơn… để sống một cách tự do, chủ động và mạnh mẽ hơn.
Giáo dục cũng dạy em những cảm xúc cao thượng. Biết trân quý vẻ đẹp thiên nhiên; xúc động trước nỗi đau đồng loại; ngưỡng mộ và cám ơn tấm lòng, hành động vì cộng đồng. Biết hy sinh. Do đó những cảm xúc của em được bộc lộ thích hợp trong những hoàn cảnh khác nhau, có giá trị khuyến khích, cổ vũ, khuyên can… Tâm hồn an vui, thanh thản hơn, hạnh phúc cũng từ đó mà bền chặt hơn! Em đang tiến tới một người trưởng thành.
Giáo dục cũng dạy em tâm lý xã hội, đám đông. Dạy em biết cách kiềm chế các cảm xúc của mình, kiềm chế thói quen, tư tưởng… trong những hoàn cảnh khác nhau. Biết tự lập chương trình làm việc thích hợp nhất với áp lực từ cuộc sống chung quanh và phù hợp nhất với khả năng chịu đựng của mình. Biết cách đặt mục tiêu thích hợp với nguồn lực và ý muốn, tính cách của riêng mình.
Người thanh niên vừa lớn là em cần biết hơn về xã hội chung quanh. Tâm lý, cách sống của mỗi nhóm người, tầng lớp trong xã hội. Quy chuẩn sống, văn hóa của các chủng tộc, vùng miền ảnh hưởng thế nào tới hành vi của họ… Tầm mắt của người thanh niên càng mở rộng, hiểu biết càng nhiều nền văn hóa thì anh càng thích nghi rộng rãi hơn, bao dung hơn, mạnh mẽ hơn, các giải pháp anh đề ra dễ thuyết phục hơn, do đó xác suất thành công của anh càng cao hơn. Anh có thể sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của gia đình, trường học, tập thể, xã hội. Anh có thể chọn nghề thích hợp, tìm việc làm ổn định, trở thành trụ cột gia đình…
Anh cũng phải thiết lập và duy trì các mối quan hệ bền vững, đôi bên cùng có lợi. Có thể anh phải thương thuyết hợp đồng, dự án… Các yếu tố của năng lực giao tiếp cá nhân như lắng nghe, diễn tả, thuyết phục trở nên rất cần thiết. Anh trở thành người lao động cao cấp hay nhà quản lý của một công ty, hay trở thành một nhà khởi nghiệp đầy tiềm năng…
Với tầm hoạt động như vậy, tinh thần trách nhiệm cộng đồng là không thể thiếu. Các quyết định của anh phải mang tính trách nhiệm đối với cá nhân và với tập thể, xã hội. Trước hết chúng phải an toàn, cho chính anh và cho những người chung quanh. Kế đó chúng phải không đi ngược quyền lợi và đạo đức của xã hội, của chủng tộc.
Với tất cả các năng lực và kỹ năng nói trên, đứa bé lẫm đẫm ngắm hoa đuổi bướm ngày xưa giờ đã thành nhân chi mỹ, truyền năng lượng mới, góp phần làm đất nước trẻ trung, hiệu quả, thương yêu nhau hơn, xã hội càng phát triển cao, càng hạnh phúc nhiều và ổn định dài lâu!
Nhiệm vụ của chính quyền đối với dân tộc là đào tạo nên những công dân như vậy. Biết rằng điều này cần sự tham gia của tất cả các mặt hoạt động của chính quyền, ngành giáo dục vẫn phải là ngành chịu trách nhiệm chính.
Tìm hiểu tầm nhìn, sứ mạng, giá trị cốt lõi của các nền giáo dục phương Tây (Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Úc…), chúng ta dễ thấy có những điểm chung là:
Tầm nhìn: người tốt nghiệp có đủ phẩm chất thích nghi với môi trường thế giới đang ngày càng phẳng, càng liên kết, phụ thuộc lẫn nhau và đa văn hóa. Đó là phẩm chất một công dân toàn cầu, tự tin, đủ kiến thức tìm việc làm, giàu có về cảm xúc và văn hóa.
Sứ mạng: Phát triển chương trình giảng dạy được thế giới chấp nhận và đánh giá cao; tạo môi trường học đa văn hóa, giúp đỡ và thúc đẩy nhau…
Giá trị cốt lõi: Thiện lành (năng lực vượt trên chính mình, tiếp xúc, thông hiểu người khác); trung thực (ý thức làm điều đúng, dù đang chỉ có một mình mình); tôn trọng người khác (tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc, nhân phẩm người khác; tế nhị và chăm sóc người chung quanh); tinh thần trách nhiệm (nhận trách nhiệm và làm hết sức hoàn thành lời hứa hay cam kết); tinh thần vượt qua nghịch cảnh (chấp nhận một cách can đảm trước thách thức, đứng dậy sau thất bại).
Một nền giáo dục có chiến lược như vậy, tất nhiên sẽ xây dựng môi trường chăm sóc, thương yêu, chan hòa tình tương trợ. Sẽ bảo vệ và tôn vinh lòng trung thực, tôn trọng nhau: thầy cô tôn trọng các em, các em tôn trọng thầy cô và tôn trọng nhau. Sẽ xiển dương tinh thần trách nhiệm, tinh thần tự trọng, sẽ un đúc tính cứng cỏi, chấp nhận thử thách của các em… Mục tiêu của nền giáo dục đó là đào tạo công dân toàn cầu, người có kiến thức rộng và chắc về các nền văn hóa, các khuynh hướng tư tưởng, cách tổ chức xã hội các vùng đất khác nhau… cho nên môi trường giáo dục phải đa chiều, nếu không, nó chỉ đào tạo nên những người thui chột lẩn quẩn đáy giếng!
Và trên hết, nó phải có một đội ngũ thầy cô đủ phẩm chất để đào tạo những học trò phẩm chất!
Chỉ bằng trực giác, chúng ta cũng dễ thấy một nền giáo dục như thế sẽ đào tạo những thành viên xã hội có phẩm chất toàn cầu. Thể lực dồi dào, kiến thức uyên bác, biết sống bao dung hài hòa với xã hội, hăng hái thăng tiến cao xa với ước mơ và hoài bão phụng sự, biết hy sinh, giữ gìn đạo đức và các giềng mối của xã hội văn minh, ổn định. Mùa xuân của những trẻ em thiên thần, tự do và hạnh phúc năm xưa trở thành mùa xuân phát triển bình yên và lâu dài cho Tổ quốc.
Chừng nào nền giáo dục nước nhà mang tới mùa xuân đó?