Bạo lực, sống ảo và công sự gia đình

Lê Thanh Phong/ Báo Lao động
Nguồn hình: Internet
—–
Đọc các tin tức liên quan đến bạo lực học đường, giang hồ mạng mấy ngày qua, tui suy nghĩ về trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái.


Nhiều người cứ thấy học sinh hư là chỉ trích thầy cô, nhà trường, ngành giáo dục, đổ lỗi cho đoàn thể, thậm chí cho cả xã hội.

Nhưng họ đã quên một điều căn bản, đó là vai trò của cha mẹ trong việc dạy dỗ con cái. “Dưỡng dục” có nghĩa là cha mẹ sinh con thì đương nhiên có trách nhiệm nuôi nấng, nhưng không chỉ nuôi mà còn phải dạy. Gia đình có nền tảng giáo dục tốt, con cái không thể hư hỏng được.

Nước có quốc pháp, nhà có gia quy, con cái phải vâng lời cha mẹ, và cha mẹ phải luôn quan tâm đến sự trưởng thành của con cái. Không dạy con theo lối cực đoan, bảo thủ, nhưng dứt khoát là phải nghiêm khắc, không để con cái dễ dàng sa ngã vào thói hư tật xấu, cạm bẫy xã hội.

Những vụ việc xảy ra vừa qua cảnh báo về trách nhiệm của ngành giáo dục, nhưng cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho mỗi gia đình.

Trần Quí Thanh

 
—–

Sau vụ nữ sinh ở Trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên), nhiều người lên tiếng về trách nhiệm của nhà trường, sau nữa là của ngành giáo dục.

Còn nữa, có ý kiến cho rằng, các đoàn thể có vai trò giáo dục đội viên, đoàn viên thanh niên, nhưng đã để cho nhiều trường hợp có hành vi xấu, thậm chí vi phạm pháp luật. Cụ thể là tổng phụ trách đội của Trường THCS Phù Ủng bị đề nghị kỷ luật vì để xảy ra vụ đánh hội đồng nữ sinh H.Y.

Những ý kiến này đúng, nhưng chưa đủ, bởi vì còn có một nơi chịu trách nhiệm cao nhất là gia đình.

Các vị phụ huynh đừng đổ lỗi cho thầy cô giáo, cho nhà trường khi chính mình không dạy dỗ con cái tốt. Không ít cha mẹ để cho con mình tự do, sống buông thả, muốn làm gì thì làm. Có nhiều người lo làm ăn, kiếm tiền, con học hành sao không biết, giao du với bạn bè xấu tốt không hay. Khi gặp chuyện mới biết con hư, lại trách mắng thầy cô, chửi rủa cả xã hội.

Xin thưa rằng, khi chúng ta không dạy dỗ con mình tử tế, thì không có quyền mắng chửi ai, càng không thể đổ lỗi cho ai. Chưa kể, dạy con không tốt cũng phải chịu trách nhiệm với xã hội, vì đã để cho một thành viên hư hỏng, có thể gây hại cho cộng đồng. Cụ thể, nhóm nữ sinh đánh hội đồng em H.Y đã gây ra một cú sốc cho cộng đồng, ảnh hưởng đến rất nhiều người khác. Các vị phụ huynh của các em này phải thấy trách nhiệm của mình.

Mới đây, xuất hiện một số “anh chị giang hồ”, muốn làm “người hùng”, xăm mình, đốt xe máy, dương oai với thiên hạ. Nhiều thanh thiếu niên hùa theo tung hô, xem đó là thần tượng, cố xuý cho lối sống ảo. Nếu “mô hình “hảo hán lương sơn” này được nhân rộng, thì không biết bao nhiêu thanh thiếu niên xa rời học hành, tôn thờ thần tượng và muốn trở thành thần tượng, khi đó chỉ có… trời cứu.

Với những gia đình có nền tảng giáo dục tốt, gia đạo tôn nghiêm, gia phong nền nếp, thì con cái chăm chỉ học hành, biết phân định đúng sai, biết đâu là tốt xấu, khẳng định được giá trị. Những thứ giá trị ảo không xâm nhập được vào những gia đình đó vì “công sự” giáo dục gia đình quá vững chắc.

Với những thanh thiếu niên hùa theo lối sống ảo kiểu bầy đàn, cha mẹ phải chịu trách nhiệm trước.

Cha mẹ không dạy con cái tốt thì… trời không cứu nổi, huống chi là thầy cô giáo.

NGUỒN: Theo báo Lao Động online
Link bài: Bạo lực, sống ảo và công sự gia đình
(https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bao-luc-song-ao-va-cong-su-gia-dinh-666291.ldo?fbclid=IwAR1J3LhGGJY6MhhFwLThyGoStKkoHsQiM9g7MnfTwvicps3_m65GRyRkA20)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *