Trần Quí Thanh
—–
Kính gửi bác Trần Quí Thanh
Trước hết chúng cháu xin kính chúc bác dồi dào sức khoẻ, chúc Tân Hiệp Phát làm ăn tấn tới.
Thưa bác, chúng cháu là những sinh viên chuẩn bị ra trường, háo hức chuẩn bị bước vào “sự nghiệp” Startup. Tuy nhiên có một câu hỏi to đùng treo trước mũi chúng cháu: Nếu thất bại thì sao? Mà sự thất bại chiếm đến 80% lận. Hu hu.
Chúng cháu muốn bác giúp cho câu hỏi này ạ: Các startup cần phải làm gì khi thất bại, để rồi tiếp tục tiến lên?
Mong bác giúp chúng cháu ạ.
Kính
Lê Đức – Hoàng Thanh (Hà Nội): hanoimenthuong8789@gmail.com
—–
Lê Đức – Hoàng Thanh mến!
Đi gần hết cả đời người, gắn liền với đời một doanh nhân, bác rút ra một điều, làm kinh doanh là khó nhất. Không phải bác đề cao nghề nghiệp của mình, mà vì đó là một thực tế. Rất nhiều người bước ra thương trường làm ăn, nhưng người thành công có mấy đâu, tỉ lệ thất bại rất cao, cho nên nếu như ai đó kinh doanh thất bại thì âu cũng là chuyện bình thường.
Nói như vậy không có nghĩa là bi quan, mà là một sự hiểu biết cần thiết, để khi gặp thất bại thì đừng cho là trời sập, và xem đó là một thử thách. Bất cứ ai cũng gặp thất bại, chỉ khác nhau là sự đứng lên.
Muốn đứng lên được thì phải có bản lĩnh, sức chịu đựng, sự tự tin, sự quyết tâm. Rất nhiều phẩm chất tốt đẹp đó dồn vào một con người, khi đó mới thay đổi được nghịch cảnh. Nếu như mới gặp thất bại đã khóc than, tự trách mình, mất tự tin vào bản thân thì sẽ không ba giờ đứng lên được.
Bác thường đọc sách viết về các nhà khởi nghiệp vĩ đại trên thế giới, và thấy được một điều là không ai không gặp thất bại. Trong những chân dung vạm vỡ đó, có chung một nét đẹp, đó là dám đứng lên.
Điển hình như Steve Jobs, bị đuổi khỏi công ty mình đồng sáng lập là Apple, Jobs mở startup mới. Sau đó được chính Apple mua lại, trở thành CEO và đưa Apple từ bờ vực phá sản thành công ty giá trị nhất thế giới. Có thất bại nào cay đắng hơn là bị đuổi khỏi công ty mà mình sáng lập không, nhưng Steve Jobs chịu được.
Về sau, trong bài phát biểu của Steve Jobs tại Trường Đại học Standford, ông nhắc lại như một bài học cho sinh viên: “Khi đó tôi không nhận ra rằng, hoá ra việc bị Apple bị sa thải lại là việc tốt nhất tôi từng có. Thay thế cho áp lực buộc phải thành công là tinh thần nhẹ nhõm khi bắt đầu lại từ đầu và không còn chắc chắn về mọi thứ. Nó giải phóng tôi để từ đó tôi bước vào một trong những giai đoạn sáng tạo nhất của cuộc đời”.
Tại đây, Steve Jobs để lại một danh ngôn và cũng là “bí kíp công phu” cho những ai khởi nghiệp: “Stay hungry. Stay foolish” (tạm dịch: Hãy sống đam mê, hãy sống dại khờ).
Khi trong tâm hồn ta khao khát sáng tạo, theo đuổi khát vọng với nỗi đam mê lớn lao, tràn ngập, thì chắc chắn sẽ vượt qua tất cả mọi thử thách, kể cả thất bại cay đắng nhất để đi đến thành công.
Vậy hai cháu nhé.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)