Bệnh nghề nghiệp: Nâng

Thuannovo Tran/ BÁO MTG

Minh họa: nguồn internet

Hôm nay là ngày thi đầu tiên kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Sợ trễ giờ bay do thí sinh đi thi làm tắc đường, nên từ sáng sớm hắn đã giục tài xế đưa hắn từ tỉnh về sân bay Nội Bài sớm.

Xe qua trạm BOT, nhác thấy khuôn mặt quen quen trong buồng thu phí, hắn kêu lên:

  • Ôi thầy! Thầy Nương phải không ạ? Em là Vẩu đây! Vẩu con ông Vờ là lãnh đạo tỉnh H đây. Thầy còn nhớ kỳ thi mấy năm trước có mấy môn em được điểm 1, thầy nâng lên thành điểm 10 không?

Nghe nói đến “thầy”, người đàn ông cười gượng gạo:

  • Ấy chết! Chú có dạy cháu ngày nào đâu mà được gọi là “thầy”.
  • Người ta nói: 1 chữ cũng là thầy… ấy nhầm, 1 điểm cũng là thầy mà 10 điểm cũng là thầy – hắn nói với vẻ thành kính.
  • Chỉ tiếc là họ phát hiện ra. Em từ thủ khoa thành rớt tốt nghiệp, còn thầy thì phải từ bỏ sự nghiệp cao cả “trăm năm trồng người” – giọng người đàn ông ngân ngấn nước mắt.

Nghe vậy, hắn cười hềnh hệch:

  • Không sao đâu thầy ạ. Trong cái rủi có cái may. Nhờ rớt đại học nên em theo nghề gia truyền: làm chổi đót, buôn chổi chít, nuôi lợn. Làm đến thối móng tay nên cũng mua được đất làm trang trại, xây được biệt phủ. Bây giờ em đã là chủ tịch hội Nông dân tỉnh. Hôm nay được tỉnh cử sang Đức học tập về làm hạ tầng biển.

Người đàn ông thắc mắc:

  • Tỉnh H là tỉnh miền núi, đi học về biển là sao?
  • Thầy không biết đấy thôi – hắn giải thích – đó là do biến đổi khí hậu. Lũ lụt rồi nước biển dâng nên tỉnh ta thế nào cũng giáp biển. Học bây giờ là vừa. Ấy chết! sắp đến giờ bay rồi, phí qua trạm là bao nhiêu thầy?
  • 100 nghìn em ạ.
  • Sao đắt thế? – hắn thắc mắc.
  • Ái già! – người đàn ông nhăn mặt – Cứ đến mùa thi là bệnh nghề nghiệp của thầy lại tái phát, bệnh “nâng” ấy mà. Phí đúng chỉ 10 nghìn thôi em.

Hắn nhìn người đàn ông đang bị căn bệnh nghề nghiệp hành hạ với vẻ đầy thương cảm:

  • “Thầy làm đây khói bụi, ô nhiễm, vất vả quá. Bên ngành tài chính đang cần chuyên gia về nâng thuế và phí. Để em nói bố em xin cho thầy một chân bên đó, thầy sang đó là phát huy đúng sở trường “nâng” của mình mà không sợ vi phạm như thời làm bên ngành giáo dục”.

NGUỒN:  Theo Báo Một Thế Giới

Link bài: Bệnh nghề nghiệp: Nâng

(http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/chuyen-ca-khia-c-173/benh-nghe-nghiep-nang-93198.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *