Trần Quí Thanh
Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đang được xem xét, lấy ý kiến trước khi đưa ra Quốc hội, đây là vấn đề quan trọng, nghe có vẻ như chỉ liên quan đến những người khai thác tin tức viết báo hay nghiên cứu, nhưng thực ra liên quan đến tất cả mọi người.
Bởi vì, quyền được tiếp cận thông tin là quyền của mọi công dân, đây cũng là sự thể hiện quyền dân chủ của người dân.
Vì vậy, nếu như xây dựng luật với phạm vi bí mật nhà nước quá rộng thì sẽ hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân. Về mặt lý luận, xã hội càng minh bạch thì sẽ hạn chế tối đa tiêu cực trên nhiều mặt, và để minh bạch thì trước hết phải công bố tối đa thông tin có thể.
Có những trường hợp cần công khai nhưng lại được xem là bí mật sẽ dẫn đến những hậu quả hay tổn thất chung cho xã hội. Ví dụ công khai tài sản của quan chức là một yêu cầu chính đáng, nếu xem đó là thông tin mật thì chẳng khác gì xây biệt phủ cho tham nhũng ở.
Một vấn đề thuộc lĩnh vực kinh doanh được luật sư Trần Hồng Phong đề cập trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn như sau:
“Đơn cử như dự thảo luật quy định chủ tịch UBND tỉnh có quyền và trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước địa phương. Như vậy, sẽ có 63 danh mục bí mật nhà nước của mỗi địa phương khác nhau, dài ngắn khác nhau, nội dung khác nhau, tùy theo cảm nhận, đánh giá của từng địa phương. Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế, với lý do bảo vệ bí mật “chiến lược kinh tế – xã hội” (là một trong những nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước theo dự thảo luật), có thể có địa phương sẽ “bưng bít” thông tin về các dự án đầu tư, hay các vấn đề về quy hoạch các ngành nghề sản xuất, chẳng hạn. Rõ ràng điều này sẽ gây bất lợi cho người dân trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình…”.
Tui thấy sai sai thế nào đó khi quy định chủ tịch tỉnh có quyền và trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước địa phương, thế thì chẳng khác gì luật hỗ trợ cho quan chức địa phương thêm quyền để bảo vệ “bí mật” của họ.
Thử hỏi, người có quyền lập danh mục bí mật thì liệu có sử dụng thông tin đó là của riêng hay không? Ví dụ như thông tin kinh tế như phân tích của luật sư Trần Hồng Phong.
Rồi ví dụ như có những vụ tiêu cực, tham nhũng, doanh nghiệp hay người dân cung cấp thông tin ban đầu cho cơ qaun báo chí, nhưng khi tham gia điều tra, báo chí gặp phải “thông tin mật” do chính quyền địa phương quy định, thì quả là tồi tệ hơn. Tui nghĩ, bí mật quốc gia là cần thiết, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến sự minh bạch.
Bàn đến đây thôi, nghĩ nữa càng thêm lo.
Sài Gòn ngày 1/9/2017
TQT
Link bài: Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước: Cần tránh mật hóa tràn lan