Lưu Ly/ Báo Tri Thức Trẻ
Một trong những yếu tố cốt lõi để xây dựng một doanh nghiệp thành công là quản trị vốn. Có vốn lớn mà quản trị kém thì không trắng tay cũng khó nói đến thành công.
Với một start up, quản trị vốn phải bắt đầu từ những chi tiêu nhỏ nhất, tính toán kỹ lưỡng từng đồng để tích lũy vốn. Không chỉ là chi tiêu doanh nghiệp, mà cả chi tiêu cá nhân.
Nhiều bạn trao đổi với tui, hỏi quản trị vốn bằng cách nào là hiệu quả?
Xin nói ngay rằng, về lý thuyết các bạn có thể có vài trăm câu trả lời, chỉ cần ra hiệu sách là có một đống tài liệu mang về. Trong các khoa quản trị kinh doanh của các trường đại học , chắc chắn không thiếu những giáo trình về quản trị vốn.
Nhưng thực tế có tiếng nói riêng của nó, ngoài những lý thuyết khoa học đáng học tập từ các công trình nghiên cứu, thì case study trong đời sống kinh doanh cũng là những bài học sống động. Học từ thực tế cũng là học, chưa kể có những case study rất phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mình.
Ví dụ như, nhân vật mà tui giới thiệu với các bạn trong mục “chat” hôm nay là Mignon Francois, khởi nghiệp từ năm 2007 với 5 USD ở Tennessee, Mỹ với nghề làm bánh, nhưng nhờ vào tài “vén khéo” trong chuyện tiền bạc, nên trở thành triệu phú đô la.
Các bạn trẻ đọc câu chuyện khởi nghiệp của Francois, sẽ thấy có bóng dáng mình bên trong, đó là khó khăn về tài chính. Nhưng Francois đã chọn cho mình cách ứng xử riêng đối với tiền bạc và đã mang đến sự thành công lâu dài, bền vững.
Tui từng viết nhiều bài về đề tài này, có khuyên các bạn trẻ khởi nghiệp đừng vội sắm túi xách hàng hiệu, không cần xe hơi xịn, chưa thuê văn phòng thật oách, mà cần một két sắt có đủ vốn cho kinh doanh. Khi giàu sang rồi hãy hay, lúc đó muốn chơi kiểu gì cũng chưa muộn.
Và thú vị ở chỗ, cách tiết kiệm của Francois rất phù hợp với doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19 đang hoành hành. Các bạn đọc câu chuyện sẽ tự rút ra bài học.
Và thú vị hơn, một người tiết kiệm đến từng xu như Francois, lại dành học bổng cho sinh viên và giúp đỡ một tổ chức về an ninh lương thực.
Trần Quí Thanh
—–
Nỗ lực, chăm chỉ và có kế hoạch quản lý tài chính cá nhân thông minh, Mignon Francois đã thoát nghèo và tìm được thành công của đời mình.
Năm 2005, Mignon Francois cùng chồng và các con chuyển đến Nashville, Tennessee với hứa hẹn một công việc cho cả hai. Nhưng sau đó, công việc mới của chồng cô trục trặc, gia đình luôn trong cảnh túng thiếu.
Việc đảm bảo chi tiêu hàng ngày như ăn uống và đi lại trở thành một cuộc đấu tranh. Cả gia đình luôn phải tiết kiệm điện tối đa. Ban ngày, Francois không dám bật điện, để dành cho các con học bài buổi tối. “Tôi thường đi bộ tới góc đường gần nhà để mua nước, đổ đầy bồn tắm cho các con, mua thực phẩm theo số lượng lớn để ăn cùng một món mỗi tuần”, Francois hồi tưởng.
Những người hàng xóm không rõ về mức độ khó khăn mà gia đinh Francois phải đối mặt. Song, họ biết bà mẹ 7 con có tài làm bánh. Một chiều năm 2007, người hàng xóm đến gõ cửa để đặt cô làm 600 chiếc bánh cupcakes với giá 1 USD/chiếc. Vì không có tiền mua nguyên liệu cho cả 600 chiếc bánh, Francois đề nghị giao 60 chiếc trước. Hôm đó, cô đã “đầu tư” 5 USD cuối cùng – số tiền dành cho bữa tối của gia đình – để mua nguyên liệu.
“Khi đóng cửa lại, tôi dường như thực sự đã trò chuyện với Chúa: “Người đã ban cho con cơ hội này khi mà con chẳng còn xu nào. Con đã đánh cược cả 5 USD – bữa tối của gia đình vào đó”, Francois kể lại.
Tối đó, Francois đã miệt mài bên lò bánh. Từ số tiền 5 USD, hôm sau bà mẹ 7 con kiếm được 60 USD và sau đó là 600 USD vào cuối tuần. Cuối năm 2008, cô đã chính thức thành lập một công ty. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn của Francois khi gia đình tan vỡ, nợ nần chồng chất. Thậm chí, nhà của họ bị tịch thu ngày đúng ngày mở cửa hàng, 8 mẹ con suýt lâm vào cảnh vô gia cư. Nhưng người mẹ kiên cường đã từng bước vượt qua thách thức.
Thương hiệu bánh The Cupcake Collection của Francois đã nằm trong top 10 ở Mỹ. “Đến nay tôi đã dùng 5 USD đó để biến thành hơn 5 triệu chiếc bánh nướng được bán ra”, bà mẹ 7 con nói.
Từ khi thành lập tới này, Francois đã phát triển từ cửa hàng làm bánh cupcakes sang bánh sinh nhật, bánh cưới. Hiện tại, cửa hàng của cô đạt doanh thu gần 1 triệu USD mỗi năm.
Nhưng hành trình thành công của bà mẹ 7 con không đơn giản chỉ nhờ 5 USD tiền vốn mà là nhờ một số chiến lược kiếm tiền và thói quen lập ngân sách thông mình, chặt chẽ.
Bà mẹ đơn thân chia sẻ: vì gia đình không có nguồn thu nhập cố định nên sẽ không bao giờ biết có bao nhiêu tiền. Nếu vay ngân hàng thì sẽ rất dễ bị thấu chi và sa lầy vì nợ nần.
Không vay tiền ngân hàng để làm vốn, Francois đã triển khai hệ thống quản lý tài chính của riêng mình dựa trên lời khuyên của chuyên gia tài chính cá nhân Dave Ramsey. Theo đó, Francois đã phân bổ tiền kiếm được cho 4 nhóm: chỗ ở, tiện ích, đi lại và thực phẩm. Số tiền còn lại được chi cho việc mua sắm, tiết kiệm. Lợi nhuận từ bán hàng được dùng tái đầu tư.
Khi bán bánh, cô cũng chia lợi nhuận và thuế thành các nhóm. Khoảng 20%n lợi nhuận dành để đóng thuế. Khoản tiền chi cho nguyên liệu sẽ tiếp tục được để riêng và mua nguyên liệu cho những ngày tiếp theo.
Francois luôn sử dụng tiền mặt. Điều này buộc cô luôn phải đặt ra chủ đích và kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Ngay cả việc chi tiền cho các vật dụng nhỏ như thìa, bát, máy trộn bột… cũng được hạch toán chi tiết.
Sau khi đạt được mục tiêu tiết kiệm 1.000 USD, cô tiếp tục đặt mục tiêu tiết kiệm đủ chi phí sinh hoạt trong 3 tháng, 6 tháng… “Kế hoạch quản lý tài chính cá nhân này đã thay đổi cuộc đời tôi. Khi nhìn lại, tôi đã có một số tiền lớn”, Francois chia sẻ.
Nhờ chiến lược cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm tiền, Francois đã có thể giải quyết các khoản vay nợ của mình. Hành trình thoát nghèo cũng đã thôi thúc người mẹ trở thành một nhà vận động chính sách. Hiện cô cũng giúp đỡ nhiều người khác thực hiện các mục tiêu tài chính. Cửa hàng bánh của Francois cũng dành học bổng cho các sinh viên và giúp đỡ một tổ chức về an ninh lương thực.
NGUỒN: Theo Báo Tri Thức Trẻ
Link bài: Bí quyết…
http://ttvn.toquoc.vn/ba-me-7-