Phương Phương/ Báo Phụ nữ Tp HCM
Thân nam nhi, nhiều lúc cảm thấy cuộc đời chẳng có gì đáng sợ. Giặc giã, nợ nần, đau ốm… tất tật đã trải qua. Vậy mà từ khi có vợ, tôi đã biết sợ.
Kể chuyện đời tư, chắc chắn sẽ có anh em cười chê, cho rằng đàn ông kém bản lĩnh. Thôi thì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Làm chồng mà biết sợ cũng là điều tốt cho bản thân. Tôi tếu táo đúc kết nỗi sợ của mình như sau:
Thứ nhất sợ vợ không ghen
Thứ hai sợ phải nấu cơm, giặt đồ
Ai nói vợ không ghen là tự do, thoải mái? Với tôi, vợ không thèm ghen nữa là một thảm họa. Lúc đó dưới con mắt vợ, giá trị của tôi gần như về số “mo”. Tự do đi sớm về muộn, hẹn hò cà phê, cà pháo, tha hồ hội lớp, hội đồng niên líu ríu với mấy nàng bạn học cũ. Thoải mái chát chít, thả thính trên mạng với mấy nàng quen, lạ.
Tôi nản nhất mỗi lần đi làm hay đi chơi về, dựng xe ngoài sân rồi lững thững vô nhà, chỉ có thằng Út ngồi ngay ngắn bên bàn học, khẽ chào: “Thưa bố mới về!”. Bà vợ lúi húi trong bếp, không thèm chạy ra mừng rỡ: “Bố về rồi hả? Vô tắm đi còn ăn cơm!”.
Lúc đêm, vợ xong việc ngồi trước ti vi, khi đi ngang bàn nước không còn dừng lại, nhìn vô màn hình điện thoại của chồng kiểm tra. Nhớ cảnh cũ, tôi mà lỡ đang nhắn tin cho mấy bạn gái thì liệu hồn, điện thoại bị tịch thu ngay và lịch sử tin nhắn được bới tung lên, soi xét từng chữ, từng ý, kèm mấy câu cảnh cáo: “Đừng có lộn xộn thả thính nhen. Mẹ bé mà khùng lên thì coi chừng!”.
Tôi có cảm giác bị bỏ rơi ngay trong căn nhà của mình. Những bữa ăn vẫn cơm dẻo canh ngọt mà người ngồi ăn cùng lặng im như khách lạ chung bàn trong quán. Nói thiệt lòng, nỗi sợ hãi ám ảnh nhất là biết đâu vợ mình có người khác. Ai biết được mà ngăn cản? Những thói quen bừa bãi, cách đối xử với vợ như người giúp việc, ăn nói cộc cằn lỗ mãng không còn ga lăng như hồi mới cưới, những tâm sự bên ngoài gia đình, áp lực công việc không được chia sẻ, có thể làm vợ tôi chán nản. Những lúc đó chỉ cần một lời an ủi, một ánh nhìn thông cảm của bạn khác giới là “thôi rồi Lượm ơi!”.
Tôi không tưởng tượng nổi mình sẽ ra sao khi vợ có người khác. Thôi, tốt hơn hết là đừng nghĩ tới chuyện đó. Hãy tìm cách chia sẻ việc nhà với vợ. Nhưng thú thật, trong đủ thứ việc có tên và không tên trong gia đình, tôi sợ nhất nấu cơm và giặt đồ.
Tôi biết nhiều anh em nam giới rất giỏi hai việc này, vì vậy họ rất chủ động trong đời sống. Họ luôn có một mâm cơm ngon lành để sẵn trên bàn ăn chờ vợ đi làm về. Vợ lỡ đi công tác xa nhà vài ngày, họ vẫn tự lo cho bản thân, cho con nhẹ hều. Không như tôi, cứ sẩy tay vợ ra là hai bố con xất bất xang bang, bữa ăn bữa nhịn, miếng sống miếng chín, quần áo đắp ở chậu cả tuần không giặt.
Tôi có bàn với vợ mua một chiếc máy giặt mà bả không chịu. “Máy giặt sao bằng em? Hai bố con mặc đồ dơ lắm, máy giặt không sạch được”. Bữa nào vợ mệt, tôi phải giặt đồ thì đúng là cực hình, thậm chí không biết bắt đầu từ đâu, bỏ bao nhiêu xà bông vô cho vừa. Nhiều lần, tôi xả nước, vò mỏi tay mà không hết bọt xà bông, liền cho dầu xả vô ngâm.
Cuộc đời không cho chúng ta nhiều lựa chọn. “Xay lúa thì khỏi ẵm em”. Không muốn vợ quản lý, ghen tuông, thì phải chấp nhận giặt đồ, nấu cơm. Khốn nỗi tôi chỉ biết cắm nồi cơm điện chứ không biết chế biến thức ăn, trừ món rau và trứng luộc. Vài lần đổ gạo vô rồi quên bật nút nồi cơm điện, tới bữa mang ra gạo vẫn nằm trong nước, thằng Út đói bụng nước mắt ngắn dài. Lúc đó, tôi chỉ muốn bỏ nhà ra đi. Bà vợ nhìn tôi với ánh mắt khó tả, gắt nhẹ: “Đi kiếm cho thằng nhỏ miếng bánh ăn đỡ. Lẹ lên!”.
Có một chị bạn bày cho tôi cách làm đọt mì chua, rồi nấu canh cá trê. Món này cũng dễ làm và tôi thực hành ngay. Bữa trưa hôm đó, vợ tôi ngạc nhiên trước món ăn lạ, hít hà mùi cá chua chua và những lát ớt đỏ cay xè đúng sở thích của bả: “Bố giỏi quá! Ở với nhau mấy năm rồi, nay mới trổ tài nấu nướng”. Tôi nở mặt nở mày: “Món đặc sản miền Bắc, sợ mẹ ăn không quen”. Vợ tôi ngước nhìn, hứ một tiếng, lát sau húp hết tô canh.
Buổi tối, tôi đang sung sướng nhắn tin cho cô bạn ở miền Tây, khoe chiến công nịnh vợ. Vợ tôi trong bếp ra, đi ngang, bất ngờ giật điện thoại: “Đưa đây coi! Lại con nhỏ đang tập tọng văn thơ ở miền Tây phải hông? Lộn xộn quá mà. Sao lúc đầu kêu chú, sau kêu sư phụ, giờ chuyển qua kêu anh là sao?”. Bả trợn mắt hỏi dồn một hồi, làm tôi quýnh: “Thôi anh đi giặt đồ!”.
Tôi dọt lẹ vô nhà tắm, quơ món đồ dơ, nhưng chỉ có ba bốn bộ. Kệ, tôi cứ đổ xà bông, xả nước, hai tay vò liên tục.
NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài: Biết sợ...
https://www.phunuonline.com.