Cảm giác cô đơn nhấn chìm sự hào hứng của giấc mơ khởi nghiệp?

Nguyễn Trung Hiếu/ Báo ANTĐO

Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương (bên trái) luôn tràn đầy năng lượng và tinh thần khởi nghiệp.
Trong muôn vàn khó khăn, thách thức với người khởi nghiệp, có một yếu tố rất đặc biệt khiến không ít người trẻ phải đối mặt trên bước đường khởi nghiệp, đó là… sự cô đơn. Song nhìn vào những tấm gương tinh thần khởi nghiệp của những “người khổng lồ” trên thế giới hay tại Việt Nam, hầu như tất cả đều từng phải đối mặt với thử thách đó, và vượt qua để chiến thắng.

Bill Gates hay Jack Ma đều đã từng cô đơn trên bước đường khởi nghiệp

“Khởi nghiệp và cô đơn có liên quan gì với nhau?” – Đây chắc chắn là câu hỏi của không ít người quan tâm tới start-up, khi muốn tìm hiểu những khó khăn trên con đường khởi nghiệp. Thực ra, hai điều đó có mối quan hệ rất gắn bó với nhau. Bởi, khi đã khởi nghiệp, muốn thành công thì người chủ dự án phải tìm được hướng đi riêng, không giống những gì đã có, tức là phải tạo ra sự khác biệt. 

Cũng vì khác biệt, nên các chủ nhân start-up thường rơi vào cảnh cô độc khi những người xung quanh không ủng hộ ngay lập tức, khó thấu hiểu hết tất cả để có thể chia sẻ đến tận cùng. Có những dự án start-up, chỉ người nghĩ ra nó mới hiểu hết được và có thể không lý giải ngay được với mọi người. Điều này dẫn tới tình trạng ngay cả những người thân cận, gần gũi với chủ nhân start-up cũng có thể ngỡ ngàng, hoặc chẳng hiểu nổi người khởi nghiệp đang định làm chuyện gì và sẽ làm được gì? Thậm chí, có người còn nghĩ rằng, người start-up kia có thể đang đốc chứng, khác người, khác thường, hoặc lan man, điên khùng… và đại loại là như vậy.

Trạng thái tâm lý cô đơn nói trên là có thực đối với những người khởi nghiệp! Bởi thế, với không ít người trẻ, yếu tố khiến họ nản chí trên con đường khởi nghiệp không phải là vốn, chẳng phải là nguồn nhân lực, mà đôi khi lại chính là sự cô đơn, lẻ loi phải đối mặt hàng ngày. 

Những ông chủ tập đoàn lớn trên thế giới hầu như đều đã phải trải qua cảm giác cô đơn đó! Năm 1973, vị tỉ phú Bill Gates khi ấy còn là một cậu học sinh đã vượt qua kỳ thi quan trọng để đỗ vào trường đại học danh tiếng Havard. Đó là tâm nguyện của cha mẹ ông, nên khỏi phải nói, gia đình nhà Gates đã vui mừng thế nào. Nhưng vui mừng bao nhiêu, thì sau đó họ thất vọng, sụp đổ bấy nhiêu, khi cậu con trai đáng tự hào quyết định nghỉ học sau 2 năm vào trường, để theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp.

Quãng thời gian sau đó của Bill Gates là những khoảng cô đơn kéo dài, khi gia đình và bè bạn không ai chia sẻ với ông, một “kẻ khác người” từ bỏ trường đại học danh giá để theo đuổi “điều viển vông”. Tất nhiên, sau đó, Bill Gates đã nỗ lực vượt qua sự cô đơn ngày ấy để sau này chứng minh “điều viển vông” đó là có thật với cơ nghiệp của Microsoft ngày nay khổng lồ như thế nào và tài sản của Bill Gates trị giá nhiều chục tỷ đô tới cỡ nào…

Tại nước láng giềng Trung Quốc, có một vị tỉ phú USD nổi tiếng và cũng từng phải nếm trải trạng thái cô đơn khi khởi nghiệp. Đó là Jack Ma – ông chủ của nền tảng thương mại trực tuyến toàn cầu Alibaba. Trong một nỗ lực thu hút mọi người tham gia vào dự án khởi nghiệp của mình, ông Jack Ma đã trình bày vấn đề trước nhóm 24 người bạn. Kết quả, có tới 23 người phản đối những điều “điên rồ”, “vớ vẩn”, “thiếu thuyết phục” mà Jack Ma đưa ra. Người còn lại thì… không hiểu dự án của ông, và cũng chỉ biết động viên người đàn ông nhỏ thó có cái cằm vếch, chịu khó cố gắng để vươn lên.

Sự cô đơn trên bước đường khởi nghiệp như vậy rõ ràng rất phổ biến, nhưng luôn là thứ cảm giác không dễ vượt qua với nhiều người. Thậm chí, khi thất bại, chủ nhân dự án start-up còn phải đối mặt với sự cô đơn lớn hơn, vì những hoài nghi, hỉ hả mà người xung quanh dành cho họ càng tăng lên. Nếu không có đủ bản lĩnh để vượt qua, một cái kết buồn cho dự án khởi nghiệp là điều khó tránh khỏi.

Từ trái qua: Bill Gates, Jack Ma, Trần Quí Thanh, Mai Kiều Liên – những tấm gương tinh thần khởi nghiệp thực sự trân quý.

Những ngày sơ khởi của CEO Vinamilk, Tân Hiệp Phát 

Tại Việt Nam, không ít những tấm gương thành công dành để động viên người trẻ vượt qua khó khăn trên bước đường start-up. Năm 1969, bà Mai Kiều Liên – CEO Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) – theo học ngành chế biến sữa ở Nga. Khi đó, cô nữ sinh 17 tuổi cảm thấy thực sự cô đơn khi bước chân vào một ngành học lạ. Lạ vì ở Việt Nam lúc bấy giờ, sữa là một thứ rất xa vời; Lạ cũng vì đất nước còn đang trong chiến tranh. Bà Liên khi đó từng được khuyên nên chọn lại ngành học cho phù hợp với sở thích và suy nghĩ thời ấy, như sư phạm hay bác sĩ. Với những người có cơ hội du học nước ngoài thời bấy giờ, học một ngành lạ sẽ càng trở nên cô đơn và ít cơ hội phát triển khi về đóng góp cho đất nước.

Nhưng như một cơ duyên, bà Mai Kiều Liên vẫn đi hết con đường học tập đó, và trở về nước tham gia vào xây dựng ngành sữa non trẻ ở Việt Nam. Bà đã từng nếm trải và vượt qua trạng thái cô đơn trong suy nghĩ và hành động, nhưng tinh thần khởi nghiệp thì luôn tràn đầy. Để rồi sau đó, người phụ nữ nghị lực này đã góp công sức đưa Vinamilk trở thành thương hiệu sữa lớn nhất ở thị trường Việt Nam, đồng thời tạo tiếng vang trên thế giới.

Một câu chuyện CEO từng nếm trải cô đơn trong khởi nghiệp ở Việt Nam không thể không nhắc tới là người sáng lập Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát. Nhưng sau tất cả, ông Trần Quí Thanh – người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát – đã vượt qua để khẳng định những thành công đặc biệt trong khởi nghiệp, gây dựng nên một gia tộc doanh nhân sừng sững trong lĩnh vực nước giải khát mang thương hiệu quốc gia và vươn tầm quốc tế.

“Tôi bắt đầu mọi thứ mà không hề có ai cố vấn. Trong tay chỉ có một ít tiền” – ông Trần Quí Thanh cho biết. Trong quá trình khởi nghiệp của mình, khi bắt đầu từ một phân xưởng sản xuất bia nhỏ bé hồi những năm 1990 của thế kỷ trước, ông Trần Quí Thanh tiếp tục phải đối mặt với sự cô đơn chồng chất của một người tiên phong đi tìm cái mới, cái thay đổi, tương tự như những gì Bill Gates hay Jack Ma đã phải trải qua.

Bí quyết vượt qua sự cô đơn khi khởi nghiệp

Bí quyết để vượt qua sự cô đơn khi khởi nghiệp đã được nhà sáng lập Tân Hiệp Phát chia sẻ sau này, đó là “tùy từng người, từng hoàn cảnh cụ thể, nhưng chìa khóa chung là kiên trì, đặt hết tâm trí vào công việc, nỗ lực làm việc gấp năm, gấp mười lần. Và chỉ có những người cô đơn hay từng cô đơn mới hiểu nhau, nên hãy tìm những start-up khác, học hỏi, giao lưu, chia sẻ, chính những người từng trải sẽ có những điều hay để chỉ vẽ cho mình. Khiêm tốn học hỏi cũng là cách để giúp mình có được nhiều kiến thức, kỹ năng, quan hệ, đó là những vốn liếng quý báu cho việc kinh doanh thành công”.

Ngay cả nữ doanh nhân Trần Uyên Phương với những dự án tràn đầy tinh thần khởi nghiệp, cũng chia sẻ trạng thái tâm lý cô đơn mà cô từng phải nếm trải và phải vượt qua nó. Nữ tác giả của cuốn tự truyện “Chuyện nhà Dr. Thanh” nhớ lại: “Khi biết tôi định ra mắt quyển sách “Chuyện nhà Dr.Thanh” để tặng ba má, ba đã nhiều lần khuyên tôi không nên gấp gáp, chờ cho đến khi nào đủ tự tin thì xuất bản vẫn chưa muộn. Dư luận xã hội có thể cũng sẽ nhiều chiều, áp lực không nhỏ”. Khi đó, những người thân yêu nhất trong gia đình nữ doanh nhân Trần Uyên Phương có lẽ cũng chưa hiểu hết cô đang làm gì, viết gì và quyết tâm cho ra mắt sách như thế nào?

“Nhưng cứ mỗi lần nhớ lại thời khắc của năm 2014, khi má tôi lâm vào cơn bệnh thập tử nhất sinh, khi đối diện với cái sự mong manh để níu giữ sinh mạng của người mà tôi hằng tôn kính, tôi lại càng ráo riết muốn thực hiện xong sớm nhất quyển sách này. Tôi muốn nói lời cảm ơn đến với ba má, khi tôi còn có thể!” – tác giả Trần Uyên Phương nhớ lại thời điểm gia đình cô vượt qua sóng gió cả trên thương trường cũng như cuộc sống. Tác giả cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh” đã kiên định vượt qua trạng thái ấy với tràn đầy tinh thần khởi nghiệp.

Những câu chuyện của các doanh nhân Bill Gates, Jack Ma trên thế giới hay Mai Kiều Liên, Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương ở Việt Nam, luôn mang đến sự truyền cảm hứng, khơi nguồn ý chí khởi nghiệp. Và, trạng thái cô đơn trên bước đường khởi nghiệp như vậy là có thật, nhưng nó luôn là thứ cảm giác không dễ vượt qua với nhiều người.  

Câu chuyện của những doanh nhân thành đạt luôn cho thấy họ mãi mãi với tinh thần khởi nghiệp và luôn thể hiện rõ bản lĩnh của mình trong mọi tình huống. Bài học quý với những bạn trẻ khởi nghiệp là: Nếu đã đưa ra mục tiêu khởi nghiệp thì chủ nhân doanh nghiệp cần phải sẵn sàng “hy sinh” bản thân, sẵn sàng sống với đam mê và biết tự nuôi dưỡng ý chí, để giấc mơ khởi nghiệp trở thành hiện thực.

NGUỒN:  Theo Báo An Ninh Thủ Đô online
Link bài: Cảm giác cô đơn…
(https://anninhthudo.vn/kinh-doanh/cam-giac-co-don-nhan-chim-su-hao-hung-cua-giac-mo-khoi-nghiep/778109.antd)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *