Mỹ cảm âm nhạc còn tuỳ thuộc vào đời sống tâm trạng

Trần Quí Thanh

 

Anh Thanh yêu quí

Em Hải Yến nè, nhưng không phải người đẹp thuở học trò của anh đâu. Em chỉ là quen biết anh sơ sơ thôi nhưng là fan hâm mộ của anh đó.

Tụi mình thuộc thế hệ Bolero nên có ai chê bai dè bỉu Bolero cũng đều chạnh lòng anh ạ. Thấy một số ca sĩ, nhạc sĩ lớn tiếng chỉ trích Bolero mà buồn. Ông ca sĩ  nguyên thứ trưởng Trung Kiên lại còn đòi hạn chế Bolero. Nghe mà ớn quá trời luôn. Ý anh vụ này ra sao? Là em hỏi về vụ  “ hạn chế Bolero” đó.

Chúc anh mạnh giỏi

Phạm Thị Hải Yến ( Sài Gòn):  yenchimtroi17@gmail.com

—-

Em Hải Yến nè,

Anh nói cho em biết nhe, nhiều thế hệ yêu nhạc miền Nam trước 1975 có sự say mê nhạc bolero, thời đó anh đi tán gái cũng bằng nhạc bolero đó nhe em. Một thời gian dài ít người quan tâm đến dòng nhạc này, nhưng mấy năm nay lại rộ lên phong trào “phục hưng” bolero với nhiều chương trình trên truyền hình.

Anh nghĩ, có người thích dòng nhạc này, có người thích dòng nhạc khác là chuyện đương nhiên, mỗi người có gu thẩm mỹ riêng, cần tôn trọng cảm xúc của cá nhân đối với nghệ thuật. Có những người bỏ ra vài triệu đồng để mua vé xem một chương trình nhạc giao hưởng, nhưng có nhiều người vô ngồi đó còn hơn tra tấn, mà thích đi xem Lệ Quyên hát nhạc bolero. Anh mở ngoặc chút nhe, hồi xưa anh có cô bồ rất mê cải lương, còn anh thì chúa ghét. Thế mà hai đứa vẫn yêu nhau được đó. Đóng ngoặc.

Có một số người lên tiếng chỉ trich bolero và cho rằng phải hạn chế thì thiệt là buồn cười. Nghệ thuật có đời sống riêng, nó được công chúng thừa nhận chứ không phải là chính quyền hay một tổ chức nào khác đóng triện. Bằng chứng là mới đây, bài hát “Con đường xưa em đi” bị đưa vào danh sách cấm, còn “Nối vòng tay lớn” bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn không cho biểu diễn vì chưa được cấp phép, nhưng quyền lực của cái Cục này chẳng ăn thua gì, người ta vẫn hát say sưa, vẫn biểu diễn ngon lành. Em thấy chưa, việc cấp phép hay cấm hát có liên quan gì đến đời sống của hai bài hát này. Nó cứ tồn tại trong lòng công chúng như sức sống vốn có của nó.

Trở lại câu chuyên dòng nhạc bolero cũng vậy, em có thể không thích bolero, nhưng em không thể chê bai người thích bolero, phải không em? Cũng phải “dân chủ” trong sở thích âm nhạc, ai lại bắt “đồng phục” luôn cả cảm xúc của con người. Sự lan toả của dòng nhạc bolero hiện nay chứng minh cho sức sống của nó, phải không Yến!

Còn ai đó cho rằng phải hạn chế bolero vì sợ làm thấp đi trình độ thưởng thức âm nhạc của công chúng, ảnh hưởng đến sự phát triển của dòng nhạc hàn lâm sang trọng, thì những người đó phải suy nghĩ lại. Bolero có công chúng riêng, nhạc giao hưởng có công chúng riêng, ai phát triển thì cứ phát triển, làm gì có sự phát triển của dòng nhạc này sẽ cản trở sự phát triển của dòng nhạc khác.

Điều anh muốn nói thêm với Yến là mỹ cảm âm nhạc còn tuỳ thuộc vào một yếu tố, đó là tâm trạng của con người. Có những lúc nghe một bản giao hưởng thấy bay bổng, mênh mông, thênh thang, có lúc nghe bolero mới phù hợp với nỗi day dứt khó nói của lòng mình. Hãy để cho con người thoả mãn những cảm xúc của đời sống tâm trạng, đó mới là nhân văn.

Vậy nha Hải Yến, hôm nào rảnh ghé anh hát bolero cho vui nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi:tranquithanh1953@gmail.com)

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *