Phương Linh/ Trang The Leader
Không phải lạc quan theo kiểu AQ, nhưng tui có niềm tin TPHCM sẽ kiểm soát được dịch đúng mốc 15/9 theo tinh thần của Nghị quyết 86 về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ.
Tui có niềm tin đó dựa trên cơ sở, một là vừa qua, TPHCM tăng cường biện pháp mạnh, cách ly nghiêm ngặt, đã đem lại những thay đổi rõ rệt.
Hai là các Trung tâm hồi sức tích cực của các Bệnh viện Trung ương chi viện cho TPHCM và miền Nam hoạt động rất có hiệu quả, chăm sóc y tế tốt hơn, điều trị bệnh nhân COVID-19 có hiệu quả.
Thứ ba là TPHCM đã tiêm được khoảng 6 triệu liều vaccine, như vậy là tính theo tỉ lệ, tất cả người trên 18 tuổi đều ít nhất tiêm được một mũi. Dự kiến đến 15/9, sẽ có vài triệu người được tiêm mũi hai.
Với những yếu tố đó, chúng ta có thể quay trở lại với “trạng thái bình thường mới”.
Đưa ra vài điều trên để muốn chia sẻ rằng, bây giờ là lúc tập trung để bàn chuyện phục hồi kinh tế. Muốn phục hồi kinh tế thì phải hỗ trợ doanh nghiệp, đưa ra các giải pháp, chính sách để doanh nghiệp không chỉ tồn tại, vượt qua đại dịch, phát triển sản xuất kinh doanh.
Ví dụ, chuyện ngay trước mắt là xóa bỏ tất cả các chốt trạm trên các tuyến đường để hàng hóa lưu thông. Để hàng hóa ách tắc, ngư dân không bán được con cá con tôm, nông dân không bán được rau củ quả, nhà sản xuất không bán được hàng, thì kinh tế suy sụp.
Đây chỉ là một thứ bị ách tắc, còn để cho doanh nghiệp trở lại hoạt động, không đứt gãy sản xuất, không đứt gãy chuỗi cung ứng thì còn nhiều việc phải làm.
Tui xin giới thiệu với các bạn bài viết “Cần giải pháp cấp bách và đủ mạnh để cứu doanh nghiệp” của tác giả Phương Linh trên The Leader, các bạn tham khảo để cùng tham gia hiến kế phục hồi kinh tế.
Trần Quí Thanh
—–
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp thực chất hơn, mạnh mẽ hơn để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19.
“Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay là chưa đủ”
Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 lan rộng trên 62 tỉnh thành đã và đang bào mòn sức chống chịu của các doanh nghiệp. Đại dịch đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, luỹ kế 7 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 80.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có khoảng 11.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vừa qua Chính phủ đã tung ra nhiều gói cứu trợ kinh tế lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Trong năm 2020, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp chính sách thuế linh hoạt như miễn giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất với nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm cho rằng, đại dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và những khó khăn vô cùng to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, tín dụng của nhà nước vẫn là chưa đủ.
Cần thiết bổ sung các chính sách ưu đãi về thuế
Một trong những giải pháp cứu doanh nghiệp được vị luật sư này nhấn mạnh là các chính sách về thuế. Đặc biệt, là việc gia hạn nộp thuế giúp các doanh nghiệp giải quyết được bài toán về dòng tiền, dành nguồn lực tập trung duy trì và phục hồi sản xuất – kinh doanh.
Năm giải pháp cụ thể được ông Tú đưa ra:
Thứ nhất: Chính phủ cần tăng số lượng miễn, giảm các loại thuế. Đối với doanh nghiệp và các cá nhân kinh doanh, khó khăn lớn về mặt tài chính chủ yếu nằm ở việc duy trì dòng tiền và lãi vay.
Vì vậy, gói hỗ trợ miễn giảm thuế của Chính phủ và Bộ Tài chính có thể sẽ chưa phải là yếu tố mang tính quyết định để giúp doanh nghiệp tồn tại vượt qua đại dịch, tuy nhiên nó đóng vai trò lớn trong việc khích lệ và động viên doanh nghiệp và hơn hết, giúp gia tăng tiêu dùng trong xã hội đặc biệt trong hoàn cảnh hạn chế của ngân sách nhà nước.
Ngoài các sắc thuế trong dự thảo đã miễn giảm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất.., Chính phủ có thể cân nhắc thêm việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế trước bạ với một số nhóm sản phẩm chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch.
Về cơ bản giải pháp căn cơ trong giai đoạn hiện nay là cần miễn giảm thuế gần như là toàn bộ cho doanh nghiệp và cần triển khai nhanh các gói miễn giảm thuế này để đáp ứng tính “cấp cứu” kịp thời cho doanh nghiệp hồi sinh.
Thứ hai: Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch Covid-19 đến ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí.
Về lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực để ưu tiên hỗ trợ; qua đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các ngành nghề những ngành nghề chịu tác động tiêu cực theo thứ tự giảm dần, đó là: du lịch; vận tải; dệt may, da giày; bán lẻ; giáo dục – đào tạo. Trong khi đó một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt như ngành công nghệ thông tin, thương mại điện tử…
Thứ ba: Chính phủ cần tăng thời gian hỗ trợ gia hạn nộp thuế, cho phép kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất và bổ sung đối tượng gia hạn để doanh nghiệp đỡ khó khăn về thanh toán chi phí.
Đối với tiền sử dụng đất thì cần phân định rõ các đối tượng được áp dụng và ưu tiên những đơn vị sản xuất như các khu công nghiệp, khu chế xuất để đảm bảo tính công bằng hưởng lợi từ chính sách, tránh tình trạng trục lợi từ các doanh nghiệp khác.
Đối với thuế VAT cần xem xét hỗ trợ giảm thuế và hoàn thuế trong thời gian ngắn cho doanh nghiệp bởi đây là loại thuế mà diện điều tiết rộng.Thuế này không cần phải có lợi nhuận mới phải nộp như thuế thu nhập doanh nghiệp. Thuế này phát sinh ngay khi cung cấp hàng hóa dịch vụ.
Giảm thuế GTGT nên tập trung cho ngành dịch vụ như lưu trú khách sạn, du lịch, vận chuyển, chuyên chở trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch, pháp lý…
Thứ tư: Giải pháp về thuế nên hướng tới tính bền vững và hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, cần cải cách hệ thống thuế nhằm giảm bớt gánh nặng thuế khóa, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và cân bằng cần được coi là quan điểm chủ đạo.
Đồng thời, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng ổn định và gia tăng hiệu quả đầu tư phát triển chỉ bố trí vốn ngân sách cho những công trình thật sự cần thiết, có hiệu quả cao và kiểm soát chặt chẽ đầu tư công nhằm tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng.
Cuối cùng là Chính phủ cần giảm tối đa từ 50% đến 100% các loại thuế như VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp…tiếp tục gia hạn những khoản hỗ trợ hiện tại theo lộ trình cụ thể cho đến hết năm 2021 và có thể hỗ trợ trong thời gian tiếp theo đầu năm 2022 để đảm bảo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tồn tại.
Theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, sau ngày 30/7, người nộp thuế chậm nộp giấy đề nghị sẽ không được gia hạn tiền thuế và thuê đất. Do đó, hiện nay có nhiều đơn vị chưa kịp nộp trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên cần gia hạn về thời gian để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong thời điểm khó khăn này, bên cạnh việc miễn giảm thuế, việc giảm thiểu tối đa thanh kiểm tra doanh nghiệp kể cả đối với các trường hợp hoàn thuế cũng thể hiện sự đồng hành và tiếp sức cho doanh nghiệp, ông Tú nhận định.
Cần gói cứu trợ từ 70 – 80 tỷ USD để đủ sức vực dậy nền kinh tế
Theo Chủ tịch TAT Law firm, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng doanh nghiệp vẫn phải đang chi trả rất nhiều chi phí như lương, bảo hiểm xã hội, thuế… Một trong những chi phí rất lớn cần phải kể đến là chi phí lãi vay.
Vì vậy, những chính sách cơ cấu nợ, giảm, miễn lãi cho doanh nghiệp tại thời điểm này là điều cực kỳ cần thiết để giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch cũng như giúp tránh những hệ luỵ xấu cho xã hội.
Một khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả, phá sản, người lao động bị mất việc làm, nhà nước mất nguồn thu thuế, thậm chí bản thân hệ thống ngân hàng cũng phải gánh chịu hậu quả từ những khoản nợ xấu này.
Ông Tú cho rằng, ngay từ năm 2020, khi dịch bệnh mới bắt đầu, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN để yêu cầu ngân hàng thương mại hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hoặc giữ nguyên nhóm nợ.
Tuy nhiên, các quy định nội bộ này thường đặt ra thủ tục, tiêu chuẩn rất cao và thực tế là, nhiều doanh nghiệp khó lòng đáp ứng được. Bên cạnh đó, có tình trạng ngân hàng thương mại không công bố rộng rãi các quy định nội bộ này, dẫn đến tình trạng nhiều khách hàng không biết các quy định nội bộ này của ngân hàng để được hỗ trợ.
Mặt khác, để các ngân hàng tính toán và thu xếp các gói tài chính cho những khoản hỗ trợ, đôi khi vượt quá nguồn lực của họ, vì suy đến cùng ngân hàng bản thân họ cũng là một doanh nghiệp, đi tìm kiếm lợi nhuận. Cho nên, để việc hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này được hiệu quả thì cần những động thái thực chất hơn, cụ thể hơn.
Quan sát các động thái của những quốc gia trên thế giới giải cứu nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, ông Tú cho rằng, những quốc gia này thường tung ra gói cứu trợ khoảng 20% GDP quốc gia. Theo một con số chưa đầy đủ thì Chính phủ Anh tung ra gói cứu trợ 299 tỷ Bảng trong khoảng thời gian 2020 đến nửa đầu năm 2021, Hoa Kỳ đã triển khai gói cứu trợ 4.000 tỷ USD, nước Đức bơm vào nền kinh tế 4.000 tỷ USD. Hầu hết các nước đều chi vào nghiên cứu thuốc điều trị ngăn ngừa bệnh, hỗ trợ người nghèo và một lượng lớn số tiền đó được chi cho việc cứu trợ doanh nghiệp thông qua các gói tín dụng,chưa kể các chính sách về thuế.
“Như vậy, với quy mô GDP như hiện nay của Việt Nam, chúng ta cần một gói cứu trợ từ 70 – 80 tỷ USD mới đủ sức vực dậy nền kinh tế cũng như cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh”, ông Tú nhận định.
Theo con số khảo sát của VCCI, có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 trong năm 2020. Đến thời điểm này, con số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể lên tới 99%, hiện đã có trên 80.000 doanh nghiệp đóng cửa.
Do đó, phần lớn trong số các khoản vay đến hạn của các doanh nghiệp cần được khoanh lại, không tính lãi và giãn thời gian trả nợ cho đến khi các doanh nghiệp phục hồi trở lại, việc này cũng cần phải có thời gian từ một đến hai năm sau khi kết thúc dịch bệnh.
Muốn làm được điều này, theo ông Tú, ngân hàng nhà nước cần chi ra cho hệ thống các tổ chức tín dụng một gói hỗ trợ khổng lồ nhưng kèm theo điều kiện lãi suất thật ưu đãi, nếu không được 0% thì cũng cần ở mức thấp hơn 5% như dự kiến của một số ngân hàng hiện nay.
Cũng theo vị luật sư này, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, Chính phủ nên tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì các doanh nghiệp lớn. Vừa qua nhà nước hỗ trợ cho Vietnam Airline số tiền 12.000 tỷ nhưng cũng chưa thấm thoát gì so với nhu cầu của doanh nghiệp này. Nhưng với số tiền đó, chính phủ có thể “cấp cứu” cho hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ.
Mặt khác, việc hỗ trợ cần phải thực sự thu hút và hấp dẫn doanh nghiệp. Chính phủ cần chỉ đạo xóa bỏ các thủ tục yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh việc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bởi dịch bệnh và hệ luỵ của nó là mặc nhiên gây ra khó khăn đối với doanh nghiệp.
NGUỒN: Theo Trang The Leader
Link bài: Cần giải pháp…
https://theleader.vn/can-giai-