Đình Trường – Chu Linh/ Báo Lao Động
—–
Mạng xã hội là một phần của đời sống của con người hiện nay. Môi trường này cung cấp cho con người nhiều điều hay nhưng cũng lắm thứ độc hại, và trẻ em là đối tượng dễ bị đầu độc nhất.
Mới đây, khi trên mạng xã hội xuất hiện những Khá “bảnh”, Phúc XO, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng, Dũng “trọc”…với lượng fan khủng, các bậc phụ huynh khả kính mới thấy lo lắng như thế nào. Bởi vì, trong số fan đó, lứa tuổi áo trắng sân trường chiếm đa số.
Và các nhà giáo dục thất kinh khi Khá “bảnh” ra tòa nhưng được một lượng người đông đúc vẫy tay chào đón như một người hùng.
Chưa có lời giải cho điều ngược đời trên, nhưng có một điều chắc chắn, mạng xã hội đóng góp đáng kể cho sự lệch lạc tâm lý của những người đó. Giá trị ảo hiện diện trong đời sống thực, đó là mối nguy đe dọa lên từng đứa trẻ.
Các đại ca giang hồ mạng còn đóng phim đưa lên youtube, thế là trẻ con bị lóa mắt. Làm đại ca xăm trổ tiền nhiều, đi đâu cũng có người tung hô, vậy thì học làm đại ca cho sướng, việc gì phải đến trường cho cực.
Rồi những clip, phim youtube dành cho trẻ em, những khai thác nội dung cực kỳ nguy hiểm. Nếu như để cho các cháu lứa tuổi hồn nhiên tiếp cận với những trang tin, clip đó, thì không sớm cũng muộn sẽ bị đầu độc.
Các bậc phụ huynh phải bảo vệ con cái mình trước khi chờ đợi các hàng rào kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền.
Trần Quí Thanh
—-
Trên nhiều nền tảng mạng xã hội, các nội dung gắn mác cho trẻ em nhưng lồng ghép nội dung phản cảm, bạo lực, không phù hợp lứa tuổi xuất hiện tràn lan. Những hậu quả đau lòng cũng đến từ việc thiếu kiểm soát nội dung với con trẻ trên không gian mạng.
Lồng ghép nội dung sai lệch
Trẻ em là nhóm người xem rộng lớn, đầy tiềm năng của các nền tảng nội dung trực tuyến như YouTube, TikTok… Chỉ điểm sơ qua, hàng loạt kênh YouTube gắn mác nội dung thiếu nhi đã thu hút lượng đăng ký rất cao như Thơ Nguyễn với gần 8,5 triệu lượt theo dõi, Pops Kids gần 13 triệu lượt, Chuchu TV với 41.3 triệu lượt…
Nhưng không phải cứ mở kênh gắn mác trẻ em là sẽ có nội dung an toàn và phù hợp. Ồn ào nhất phải kể đến kênh YouTube Thơ Nguyễn, một trong những kênh dành cho trẻ em hàng đầu Việt Nam, nhưng đã nhiều lần bị chỉ trích bởi nội dung phản cảm.
Một số video trên kênh này với các tiêu đề như “Thử nghiệm đun lon nước ngọt”, “Cho đá khô vào chai nước kín” để xem hiện tượng phát nổ đã bị người xem phản ứng vì hướng dẫn những trò chơi rất nguy hiểm. Trước đó, hồi tháng 5.2017, kênh YouTube này cũng gây nhiều tranh cãi khi đăng tải video hướng dẫn làm bồn tắm thạch, chứa cảnh nhân vật rên rỉ, được cho là không phù hợp với trẻ em.
Với nguồn lợi nhuận lớn, việc các YouTuber đổ xô đi làm video hướng đến đối tượng trẻ em là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng nhiều trường hợp vì chạy theo lợi nhuận đã bị biến tướng nội dung. Ngày càng có nhiều hơn các video gắn mác trẻ em nhưng đầy rẫy tình tiết bạo lực, máu me, các trò hướng dẫn tự tử, tự gây sát thương…
Giữa tháng 10, thông tin một bé gái 5 tuổi tại TP.Hồ Chí Minh tử vong vì học theo trò treo cổ trên YouTube khiến dư luận hết sức bàng hoàng.
Được biết, thời điểm xảy ra vụ việc, cháu bé ở nhà với ông bà ngoại. Chỉ trong vài phút người lớn không để ý, cháu bé đã học theo trò chơi trên YouTube bằng cách lấy một chiếc khăn voan buộc vào giường tầng trong phòng ngủ và tự treo cổ mình.
Theo thông tin từ gia đình, trước khi sự việc đáng tiếc xảy ra, cháu bé thường xuyên xem các phim hoạt hình có nhân vật là loài heo, một hình tượng trong series phim hoạt hình của Anh.
Tuy nhiên, xa rời ý nghĩa nhân văn, gần gũi ban đầu, một số kênh YouTube đã làm nhái nội dung, lấy nhân vật heo này làm bình phong để lồng ghép các hình ảnh phản cảm, bạo lực. Những video này xuất hiện tràn ngập trên YouTube khiến nhiều em nhỏ vô tình xem được.
Các video hoạt hình trá hình này dạy các bé tự tử, bạo lực được xây dựng rất tinh vi, rất khó phát hiện nếu chỉ nhìn qua. Mở đầu sẽ chỉ là các bài hát, nhân vật hoạt hình như bình thường. Nhưng sau đó, các nhân vật trong clip sẽ làm những hành động bạo lực như dùng dao cắt lên người, tự nhổ răng đầy máu me, thậm chí là cắt đầu…
Một kênh YouTube khác có tên “Hành tinh đồ chơi” cũng thường xuyên đăng tải những video nhảm nhí, không phù hợp với đối tượng trẻ nhỏ. Gần 5 triệu lượt đăng ký nhưng các video mà kênh này đăng tải hết sức phản cảm, có thể kể đến như “Ăn xà bông, uống sữa tắm”, “ăn xương rồng”, “ăn iPad”, hay “uống bột giặt”…
Mới đây, vào ngày 21.11, một bé trai 8 tuổi ở Đồng Nai được phát hiện tử vong ở phòng tắm trong tình trạng treo lơ lửng sát tường. Trước đó, bé trai hoàn toàn khỏe mạnh, không có dấu hiệu bất thường về tâm lý. Nhưng thường ngày khi chơi đùa, bé thích móc áo quần đang mặc trên người vào cành cây để treo lủng lẳng.
Theo cơ quan chức năng, trường hợp kể trên có liên quan đến một hiện tượng được cộng đồng mạng gọi là “Thử thách Mo Mo”. Cháu bé đã xem và làm theo video hướng dẫn của trò chơi thắt cổ nhưng vẫn thở được trong “Thử thách Mo Mo” này.
Nhân vật có tên Mo Mo là một con vật hình thù quái dị, thân chim đầu người, hai mắt trố to, mái tóc xõa dài kèm theo nụ cười đáng sợ. “Thử thách Mo Mo” điều khiển trẻ em tham gia vào những thử thách quái dị, tự làm tổn thương bản thân. Đặc biệt, Mo Mo sẽ xuất hiện bất ngờ khi trẻ đang xem một video bất kỳ nào đó trên YouTube, kể cả kênh YouTube trẻ em.
Cần có giải pháp quyết liệt
Liên quan đến việc nhiều chủ kênh YouTube câu view bằng các nội dung độc hại, không phù hợp với trẻ em, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý hình sự về tội đưa truyền dữ liệu trái phép trên mạng Internet hoặc xử lý vi phạm hành chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
“Khi phát hiện những nội dung, thông tin trên mạng xã hội có tính chất phản cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục, trái đạo đức xã hội hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, người dùng nên báo cáo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần có sự vào cuộc gắt gao và mạnh mẽ hơn nữa để có thể xử lý kịp thời những đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật, giúp cho mạng xã hội trở nên lành mạnh, tích cực hơn đối với cộng đồng” – luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Tuy nhiên, chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, còn nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn, xử phạt bởi hiện chưa quy định rõ ràng, định nghĩa thế nào là video có nội dung nhảm, độc hại.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia tâm lý – giáo dục , PGS.TS Trần Thành Nam đánh giá, nhiều nội dung trên mạng xã hội có tính chất độc hại, không được kiểm soát chặt chẽ đang tiếp cận phổ biến với trẻ nhỏ. Đặc biệt là những trẻ em có biểu hiện ngại giao tiếp với xã hội hay có diễn biến tâm lý phức tạp, cô đơn hoặc có những sở thích khác thường.
“Trẻ nhỏ chưa đầy đủ nhận thức và chưa thể phân tích được các nội dung về mặt lý tính nên dễ dàng làm theo. Nhiều nghiên cứu về mặt tâm lý đã chỉ ra rằng, hầu hết trường hợp này đều trong tâm trạng cô đơn, luôn muốn tìm kiếm sự thừa nhận và muốn khẳng định bản thân. Tuy nhiên, trong đời sống thực lại chưa thể có được những mong muốn này” – PGS.TS Trần Thành Nam phân tích.
Còn theo các chuyên gia công nghệ, để ngăn chặn các video độc hại với trẻ em cần sự chung tay của cả phụ huynh và cộng đồng. Ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm xử lý khủng hoảng và an ninh thông tin Athena – cho hay: “Khi bố mẹ đưa YouTube cho con trẻ xem mà đăng nhập bằng tài khoản của bố mẹ, YouTube sẽ nghiễm nhiên nhìn nhận đó là người lớn đang sử dụng. Cơ chế gợi ý sẽ đưa ra các nội dung cho người lớn chứ không phải trẻ em”.
Từ đó, khi trẻ em vô tình xem được các video có nội dung bạo lực, máu me, các video có nội dung tương tự sẽ xuất hiện liên tiếp trong phần gợi ý, dần dần nội dung ấy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhận thức của trẻ em.
Theo chuyên gia công nghệ, phụ huynh có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật, như cài đặt các phần mềm cảnh báo thời gian truy cập, chặn các trang có nội dung độc hại. Dù vậy, không có phần mềm nào là tuyệt đối, mà cha mẹ cần phải có sự trao đổi, định hướng thông tin với con trẻ để hướng đến những nội dung lành mạnh, tích cực.
Ngoài ra, theo ông Võ Đỗ Thắng, cơ chế kiểm duyệt của YouTube hiện nay vẫn chủ yếu là hậu kiểm, người dùng vẫn dễ dàng đăng tải các video độc hại lên nền tảng này.
“Tất nhiên YouTube cũng có những chính sách để kiểm duyệt và báo cáo, các video nào không phù hợp họ sẽ gỡ đi. Nhưng tôi nghĩ YouTube cần xây dựng mạng lưới mạnh hơn để tăng cường kiểm duyệt hơn tại Việt Nam” – ông Võ Đỗ Thắng nói.
Để ngăn chặn những nội dung độc hại trên YouTube trẻ em, phụ huynh cần tích cực giám sát khi cho trẻ tiếp xúc với internet nói chung hay mạng xã hội, cụ thể là các ứng dụng xem video nói riêng. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với công nghệ, hướng trẻ đến những hoạt động vận động ngoài trời để tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ.
NGUỒN: Theo Báo Lao Động
Link bài: Cẩn thận…
https://laodong.vn/lao-dong-