Trần Quí Thanh
—–
Thưa chú,
Vợ chồng cháu ở Biên Hoà, Đồng Nai. Là chủ doanh nghiệp bé tí hon nhưng lại mơ ước một ngày là chủ doanh nghiệp tầm cỡ Tân Hiệp Phát, hi hi chú đừng cười chúng cháu ngông nha.
Thư này vợ chồng cháu muốn đưa ra vấn đề này:
Tạp chí The Leader đã nêu: “Kinh doanh đa ngành hay chuyên nghề luôn là câu hỏi lớn đặt ra đối với không ít doanh nghiệp, nhất là khi những doanh nghiệp này đã phát triển đến một quy mô nhất định. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một bài toán gây nhiều tranh cãi do tiềm ẩn không ít rủi ro.”
Gia đình chú chuyên nghề kinh doanh NGK và đã thành công, nhưng giả dụ có người khuyên chú nên kinh doanh đa nghề, chú sẽ trả lời thế nào?
Chờ mong hồi âm của chú
Đức Tâm- Minh Hiệp ( Biên Hoà): ductam_minhhiep09@gmail.com
—–
Hai cháu Đức Tâm – Minh Hiệp thân mến!
Mới “bé tí hon” đã nghĩ tới chuyện kinh doanh đa nghề rồi hen. Cũng tốt, dám nghĩ lớn thì mới có ngày làm được việc lớn.
Mô hình tập đoàn kinh doanh đa nghề không phải mới mẻ gì, mà đã có nhiều trên thế giới, Việt Nam cũng có một số tập đoàn như vậy và Vincom Group là một ví dụ.
Tất nhiên, đa số là những tập đoàn rất lớn, có nguồn tài chính dồi dào, có nguồn nhân lực hùng mạnh thì mới kinh doanh đa ngành nghề. Làm là một việc, còn thành công hay không lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Không chỉ đối với kinh doanh đa ngành, đã bước vào kinh doanh là chấp nhận rủi ro. Nếu không có tài kinh doanh, thì nhỏ cũng chết nói chi to.
Ý kiến của chú thế này, các cháu và nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác nên tập trung nguồn lực tối đa cho ngành nghề kinh doanh của mình. Cha ông ta đã nói: “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, trong kinh doanh cũng vậy, chọn một thứ thôi nhưng làm cho tới nơi, chuyên sâu, chắc chắn, còn hơn nhiều thứ nhưng chẳng có gì ra ngô ra khoai.
Chú lấy ví dụ, trên thế giới có nhiều tập đoàn chỉ bán có một thứ nhưng giàu hết biết, đó là MacDonal’s, KFC, Starbucks…Họ chinh phục thị trường toàn thế giới, không chỉ là quốc gia họ.
Tân Hiệp Phát đi theo con đường như vậy, nói đến Tân Hiệp Phát là nói đến đồ uống, và chú chuyên sâu về sản xuất đồ uống, cho ra nhiều sản phẩm chất lượng cao hơn, mẫu mã đẹp hơn, giá thành hợp lý hơn. Và mục tiêu mà Tân Hiệp Phát nhắm tới là chinh phục ngày càng nhiều thị trường thế giới. Tại sao họ mang hàng đến bán nước mình được mà mình không thể mang hàng sang bán nước họ được?
Đối với các doanh nghiệp chuyển sang đa ngành nghề, theo chú, mất kiểm soát về mặt quản lý là rủi ro cao nhất. Không ai có thể biết hết mọi thứ, và nguồn nhân lực mà doanh nghiệp đang sở hữu cũng không đủ sức làm việc thêm những lĩnh vực mới. Quản lý kém dẫn đến thất thoát nguồn lực, chất lượng sản phẩm kém, dần dần sẽ đi đến thất bại.
Cũng có thể mời người chuyên về lĩnh vực mới làm quản lý như Vincom mời ông James B.DeLuca, cựu Phó chủ tịch của Tập đoàn General Motors Global Manufacturing về làm Tổng giám đốc nhà máy sản xuất ô tô VinFast. Nhưng để vận hành sản xuất kinh doanh một ngành nghề mới, cần rất nhiều chuyên gia, đứng đầu ở các khâu chủ chốt, để làm được điều này cần phải chi trả một khoản lương rất lớn.
Nhưng cho dù thuê bao nhiêu người đi nữa, thì bộ máy lãnh đạo của Tập đoàn vẫn là linh hồn của chính tập đoàn đó. Không giỏi thì thất bại sớm.
Vì thế, lời khuyên của chú là hãy chuyên tâm cho chiếc xe phở của mình, rồi tiến lên mở quán phở, rồi tiến lên mở chuỗi cửa tiệm bán phở.
Đừng vừa bán phở vừa đi buôn gà vừa đi trồng rau. Không khá đâu cháu.
Chú chúc vợ chồng cháu công thành danh toại, nhen.
Trần Quí Thanh.
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1956@gmail.com)