Các nhà khoa học vừa thử nghiệm thành công loại virus được họ biến đổi trong phòng thí nghiệm để phục vụ cho liệu pháp trị ung thư mới cực kỳ hiệu quả.
Theo nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Oxford (Anh), ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là virus có thể xâm nhập cơ thể một cách nhẹ nhàng, tự lây lan và giết từ từ các tế bào ung thư mà không gây độc hại cho các tế bào lành.
Tiến sĩ Kerry Fisher, đến từ Khoa Ung thư của Đại học Oxford, cho biết họ đã biến đổi một loại virus tự nhiên là enadenotucirev để chúng thành “sát thủ” đối với các tế bào ung thư. Khi được đưa vào cơ thể, chúng sẽ tìm kiếm, lây lan và tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng không động đến các tế bào lành.
Loại virus đã được khoa học biến đổi này còn nhắm tới các “nguyên bào sợi nô lệ”, những thứ vốn được sinh ra để bảo vệ cơ thể, tạo các mô liên kết, sửa chữa vết thương…nhưng nay lại bị các tế bào ung thư khống chế. Các bước nghiên cứu cho thấy khi hầu hết các tế bào ung thư trong một khối ung thư biểu mô bị giết chết, các nguyên bào sợi nô lệ này bảo vệ các tế bào ung thư còn lại, giúp chúng phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, enadenotucirev được biến đổi sẽ giải quyết dễ dàng điều đó. Khi tế bào ung thư bị nhiễm virus này, chúng sẽ tạo ra một loại protein sinh học tế bào T (BiTE) trước khi chết. BiTE trở thành một mồi nhử dẫn dụ các tế bào T – tế bào miễn dịch tự nhiên của con người. Tế bào T sẽ bám vào các nguyên bào sợi nô lệ, tiêu diệt chúng, mở đường cho việc diệt gọn các tế bào ung thư còn sót lại.
Ngoài ra, khi virus này lây lan vào một tế bào ung thư, chúng sẽ phá vỡ vật chủ và tự tái tạo, lây lan sang các tế bào ung thư khác.
Điều trị “nhắm trúng đích”, hạn chế tối đa tác động lên các tế bào lành và lợi dụng chính hệ miễn dịch của cơ thể cũng là hướng đi mà các nhà nghiên cứu ung thư khắp thế giới hướng đến. Với các phương pháp điều trị ung thư truyền thống như phẫu trị, xạ trị, hóa trị…, khó lòng tránh khỏi việc không ít tế bào lành cũng bị diệt theo tế bào ung thư, ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân, khiến họ khó khăn hơn trong việc cố chống chọi với căn bệnh và hồi phục sau điều trị.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Cancer Research.