Trần Quí Thanh
—–
Kính gửi chú Trần Quí Thanh
Cảm ơn chú đã trả lời cháu trong bài: “Ý tưởng xa vời sẽ trở thành “nói dóc””. Hôm nay cháu gởi tới chú câu hỏi này: Làm sao để trụ vững và đảo chiều giành thắng lợi khi có khủng hoảng xảy ra?
Cháu hỏi câu này vì biết Tân Hiệp Phát vì vụ khủng hoảng con ruồi mà mất 2000 tỉ. Nhưng THP đã đứng vững và phát triển vững bền làm đối thủ phải sững sờ, hi hi.
Chú trả lời cháu nha.
Chúc chú muôn vàn sức khoẻ và may mắn.
Hoàng Nghiệp Khả (Biên Hoà): hoang_nghiep_kha@gmail.com
—–
Hoàng Nghiệp Khá mến!
Làm doanh nghiệp, cháu phải nhớ một điều, khủng hoảng truyền thông là một mối nguy ghê gớm, và rất không may cho chúng ta, nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Đặc biệt là trong môi trường thông tin hiện nay, khi mà mạng xã hội là công cụ đắc lực cho rất nhiều người muốn làm hại doanh nghiệp. Người ta sử dụng hoang tin với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có cạnh tranh không lành mạnh.
Đa số người chơi facebook hay bạn đọc báo chí đều là người cả tin, chỉ cần đọc một thông tin, nhất là tin xấu đối với ai đó, thì hớn hở tin ngay và share về nhà mình lập tức. Vì thế mà tin xấu thường lan nhanh, vô phương cứu chữa.
Ngoài sự cả tin, còn có tâm lý chung là rất muốn chửi bới ai đó, có thể do nỗi ẩn ức gì trong cộng đồng, và đôi khi, doanh nghiệp trở thành địa chỉ để thiên hạ xả nỗi ẩn ức đó.
Mới đây thôi, vụ Con Cưng, cơm tấm Kiều Giang mang nỗi oan ức thấu tận cao xanh, cho dù đã được minh oan, thì thiệt hại vật chất và hậu quả thương hiệu do truyền thông bẩn gây ra không thể giải quyết được trong thời gian ngắn.
Biết vậy để cháu luôn sẵn sàng cho một “tai vạ” truyền thông có thể ập đến bất ngờ.
Theo kinh nghiệm của chú, khi người ta nghĩ ra mưu sâu kế độc là bỏ con ruồi vào chai nước để vu oan giá họa cho Tân Hiệp Phát, chú phải hết sức bình tĩnh để đối phó với một cơn bão dư luận kinh hoàng đổ xuống.
Lúc đó, cháu biết không, từ báo chí chính thống đến mạng xã hội chưa hiểu được sự thật, thì mình phải chịu đựng sự giận dữ của dư luận, rồi giải thích sau.
Chìa khóa của xử lý khủng hoảng truyền thông không gì hơn là hai chữ “minh bạch”.
Tân Hiệp Phát phải kiên nhẫn trình bày với từng người khi có cơ hội, rằng dây chuyền Aseptic là công nghệ mới nhất, hiện đại nhất trên thế giới, sản xuất trong môi trường vô trùng, thì không có con ruồi nào bay vào được.
Chai nước của Tân Hiệp Phát, trong dây chuyền sản xuất là công nghệ phun phôi nhựa để thành chai, không phải mua chai cũ về súc rửa, nên không thể có dị vật lọt vào được. Bất cứ ai, nếu tham quan nhà máy sản xuất nước của Tân Hiệp Phát xong, thì không cần phải giải thích thêm nữa.
Chú và các nhân viên của chú cũng giải thích với cộng đồng rằng, khi một người bỏ con ruồi vào chai nước, đến tống tiền công ty, thì còn có cách gì đúng hơn là phải cậy nhờ đến cơ quan pháp luật.
Nếu như sợ ồn ào, bỏ tiền ra cho xong chuyện, là vô tình tiếp tay cho những kẻ tống tiền. Nếu ngày mai, ngày kia, hết người này bỏ con ruồi, người khác bỏ con gián vào chai nước, vậy thì phải cho tiền họ hay sao. Chúng ta không thể thấy cái xấu cái ác mà không dám chống lại, không dám lên tiếng. Và tống tiền là hành vi vi phạm pháp luật, là xấu, là ác, phải không cháu.
Cậy nhờ đến cơ quan pháp luật giải quyết, không phải chỉ để bảo vệ Tân Hiệp Phát, mà bảo vệ cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đó là ngăn chặn kẻ xấu tống tiền doanh nghiệp.
Trả lời nghiêm túc, công khai, minh bạch các thông tin, trung thực với suy nghĩ của mình thì dư luận sẽ thấu hiểu, chia sẻ, chú tin như vậy.
Cũng như vừa qua, ông chủ cơm tấm Kiều Giang phải công khai, minh bạch từng nguồn nguyên liệu, chứng minh bằng hóa đơn chứng từ, cho nên thuyết phục được cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng.
Muốn công khai, minh bạch thì điều trước tiên là mình phải đúng, làm ăn đàng hoàng. Chỉ những người buôn gian bán lận thì mới giấu giếm thông tin.
Chúc cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)