Lan Nhi/ Báo TBKTSG
—–
Việc chia sẻ lợi nhuận và cả rủi ro tại các dự án hợp tác công-tư (PPP) giữa Nhà nước và nhà đầu tư làm thế nào cho phù hợp là đích hướng đến cuối cùng của dự luật PPP đang trình ra Quốc hội. Đây cũng chính là vấn đề mà các nhà tài trợ cho Việt Nam, các đại biểu Quốc hội cần câu trả lời từ Chính phủ.
Phải loại bỏ nhà thầu hưởng lợi quá cao
Quốc hội đang thảo luận về dự thảo Luật PPP lần đầu tiên được trình ra thảo luận (19-11). Bản dự thảo luật trước đó chưa được đánh giá cao do có quá nhiều nội dung “giao cho Chính phủ quy định chi tiết”.
Tại hội trường Quốc hội hôm 19-11, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Ủy viên Ủy ban tài chính-ngân sách của Quốc hội) đã khẳng định: “Bản chất của dự án PPP là nhà đầu tư bỏ vốn ra với kỳ vọng thu được lợi nhuận. Nguồn tiền để trả nhà đầu tư là tiền, tài sản của nhà nước hoặc tiền phí người dân nộp, chứ không có nguồn tiền nào khác. Bản chất này đặt ra yêu cầu luật phải qui định để nhà đầu tư thu lợi nhuận phù hợp nhưng số tiền, tài sản nhà nước bỏ ra hoặc người dân phải nộp là hợp lý, tối thiểu”.
Ông cho rằng, dự thảo luật hiện nay còn chung chung, nhiều điều, khoản giao cho Chính phủ qui định, nhìn nhận thẳng thắn là không bằng các qui định dưới luật đang có. Vì vậy phải rà soát, luật hóa được các vấn đề:
(1) luật phải qui định để dự toán được chi phí cần bỏ ra để có công trình. Dự toán xây dựng trên cơ sở các định mức, đơn giá do nhà nước qui định. Dự toán được duyệt sẽ là giá tối đa để xét thầu, loại bỏ nhà thầu trúng thầu hưởng lợi vượt quá cao so với mức hợp lý gây thất thoát tiền, tài sản của nhà nước hoặc thu quá mức của người dân. Giải pháp này giống như cổ phần hóa phải định giá lại doanh nghiệp.
(2) phải qui định khung xây dựng phương án tài chính để dự tính sát nguồn thu và có cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp.
(3) Cơ chế chia sẻ rủi ro: qui định như dự thảo luật là bất hợp lý vì cho phép khi doanh thu thực tế cao hơn hoặc thấp hơn phương án tài chính trong hợp đồng thì được tăng, giảm mức giá, phí sản phẩm dịch vụ hoặc rút ngắn, kéo dài thời hạn hợp đồng; đối với các công trình trọng điểm, nhà nước còn bù phần hụt thu hoặc được chia thêm phần tăng thu.
Qui định như vậy sẽ vô hiệu hóa toàn bộ kết quả đấu thầu vì giá trúng thầu thực chất là mức phí, thời gian thu bị điều chỉnh theo thực tế; bản chất là chuyển công trình đấu thầu thành chỉ định thầu và tạo lỗ hổng cho các nhà đầu tư bỏ giá thấp để trúng thầu, quá trình thực hiện sẽ điều chỉnh theo thực tế và luôn có lợi nhuận, không đạt mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh tìm nhà thầu phù hợp; vi phạm nguyên tắc thị trường là lời ăn lỗ chịu
Ông đề nghị luật phải xử lý vấn đề nêu trên để bảo đảm đúng cơ chế đấu thầu và nguyên tắc thị trường, theo đó nhà nước phải bồi hoàn cho nhà đầu tư khi thay đổi chính sách, hoặc do các cơ quan của mình vi phạm, không phải lỗi của nhà đầu tư. Đồng thời trường hợp nhà đầu tư sai sót, vi phạm hoặc chi phối trái pháp luật để hưởng lợi thì phải có cơ chế thay đổi hợp đồng, bảo đảm lợi ích của nhà nước, người dân.
Ngoài ra, phải có cơ chế kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cần có cơ chế thanh tra, kiểm tra độc lập, từ bên ngoài. Đồng thời rà soát các quy định luật PPP để không dùng luật này làm thay đổi các nguyên tắc cơ bản của Luật đầu tư công, ngân sách nhà nước.
Chuyển giao rủi ro, trách nhiệm giữa các bên như thế nào?
Khi góp ý về dự luật này, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhấn mạnh rằng, PPP là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng nhượng quyền giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư để thực hiện dự án hạ tầng. Nhưng dự thảo luật chưa đề cập đến việc chuyển giao rủi ro, trách nhiệm quản lý và thanh toán gắn với chất lượng dịch vụ từ khu vực công sang tư và ngược lại, cũng như cơ chế thanh toán dựa trên chất lượng dịch vụ căn cứ vào tiêu chí các bên đã thống nhất. Nó cho thấy điều này khó phân biệt giữa dự án PPP với các hình thức hợp tác tư nhân- nhà nước khác như dự án BT (xây dựng- chuyển giao) hoặc các hình thức liên danh, liên kết trong lĩnh vực y tế theo chính sách xã hội hóa.
Dự thảo cũng chưa tính đến các loại dự án PPP nhằm cung cấp dịch vụ mà không có đầu tư như xã hội hóa y tế, giáo dục hiện đang rất phổ biến.
Về vấn đề này, Bộ KH-ĐT, cơ quan soạn thảo có giải trình rằng, tại khoảng 1 điều 39 dự luật đã có quy định về dự án O & M (dự án không có đầu tư ban đầu và chỉ có cung cấp dịch vụ mà không có đầu tư) để bao quát hơn nữa các hình thức tham gia của tư nhân vào PPP.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đề nghị có quy định trực tiếp khái nhiệm thanh toán đều cho nhà đầu tư trên cơ sở chất lượng dịch vụ.
Bộ KH-ĐT đã tiếp thu đề xuất này và chia rõ nhóm hợp đồng có thu phí trực tiếp từ người sử dụng và nhóm hợp đồng nhà đầu tư được thanh toán trên cơ sở chất lượng, dịch vụ được cung cấp.
Vẫn ADB nhận định rằng quy mô tối thiểu để đầu tư dự án PPP là 200 tỉ đồng có hợp lý hay không? Đây cũng chính là ý kiến mà Quốc hội đang có nhiều ý kiến băn khoăn nhất.
Theo ADB, mức này tương đương với dự án nhóm B theo dự thảo Luật đầu tư công (sửa đổi). Tuy nhiên, dự thảo Luật đầu tư công cho phép vốn đầu tư thấp nhất của dự án nhóm B dao động từ 90 đến 240 tỉ đồng tủy theo lĩnh vực. Trong một số lĩnh vục, một dự án có tổng đầu tư 200 tỉ đồng có thể thuộc nhóm C. Do đó, nếu mức 200 tỉ đồng được áp dụng, nhiều dự án PPP sẽ bao gồm cả dự án nhóm B và nhóm C, khiến quá trình phê duyệt và thực hiện càng phức tạp hơn.
Thêm vào đó, 200 tỉ đồng sẽ bị giảm giá trị thực qua các năm, đòi hỏi phải sửa luật để tăng quy mô tối thiểu. Do đó, nhà tài trợ đề nghị không nên quy định một con số/giá trị cụ thể mà nên ghi: “Tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP phải đáp ứng tiêu chí dự án nhóm B hoặc cao hơn” vì quy định tổng mức đầu tư tối thiểu có thể không cần thiết.
Dự thảo Luật PPP còn tiếp tục phải trình ra Quốc hội 1 kỳ họp nữa trước khi có thông qua hay không.
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh tế Sài Gòn
Link bài: Chia sẻ rủi ro…
(https://www.thesaigontimes.vn/