Chính sách hỗ trợ ngắn hạn và lâu dài sẽ giúp vực dậy doanh nghiệp sau đại dịch

Minh Hạnh/ Báo VOV News

Có tới 45,4% số doanh nghiệp khảo sát bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. (Ảnh minh họa)
—–
Vốn đối với các doanh nghiệp hiện nay giống như một cơ thể cần tiếp máu. Khi bị tai nạn, nạn nhân cần cầm máu, nhưng mất máu quá nhiều thì phải tiếp máu gấp. Thời gian cứu sống bệnh nhân có giới hạn, nếu không kịp thời coi như mất mạng.

Đối với doanh nghiệp khi gặp những tai họa bất thường cũng như vậy. Tai họa bất thường là do chiến tranh, thiên tai, địch họa, dịch bệnh, có nghĩa là những điều không thể lường trước được. Lúc đó, tổn thất khó có thể tính hết, sự mất vốn nhanh chóng do nhiều yếu tố sẽ dẫn đến kiệt sức, phá sản.

Chính vì lẽ đó nên Chính phủ các quốc gia luôn có nguồn quỹ dự trữ tài chính để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong những tình huống khẩn cấp hay hoàn cảnh đặc biệt. Nếu để cho doanh nghiệp sập tiệm hết, thì hậu quả còn ghê gớm hơn là bỏ ra một ít tiền cấp cứu.

Tuy nhiên, đã tiếp máu (tiền là huyết mạch) tất nhiên phải kịp thời. Ví dụ từ tháng 11.2020, Vietnam Airlines  được Quốc hội thông qua gói hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỉ đồng. Nhưng cho đến nay mới có tin ba ngân hàng gồm SeaBank, MSB, SHB cam kết tài trợ cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỉ đồng. Có nghĩa nếu sớm thì trong tháng 6.2021 này mới có chừng đó tiền, cũng có thể chưa chắc. Vậy thì cấp cứu sao được.

Đưa ra ví dụ trên để muốn nói lên một điều, số tiền đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp lớn hay nhỏ tùy theo nguồn lực quốc gia, nhưng phải đạt được hai yếu tố sau mới có hiệu quả:

-Một là đến đúng địa chỉ.

-Hai là đến đúng lúc.

Trần Quí Thanh

 
—–
Năm 2020, dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hàng chục ngàn doanh nghiệp trong cả nước phải ngừng sản xuất hoặc giải thể. Ở lĩnh vực công nghiệp, những ngành mũi nhọn xuất khẩu như: Dệt may, da giày và điện tử chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Từ cuối năm 2019 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những thiệt hại nặng nề về kinh tế, bao gồm các ngành công nghiệp chính của Việt Nam cho đến nay vẫn đang được khắc phục và cần có những chính sách thiết thực hơn từ phía Chính phủ để doanh nghiệp trong lĩnh vực này sớm được vực dậy, ổn định và phát triển.
Với sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường các thể chế cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng” do chính phủ Úc tài trợ, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng– Bộ Công Thương vừa có “Báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với một số ngành công nghiệp chính của Việt Nam, đề xuất khuyến nghị chính sách và giải pháp cho phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19”.
Báo cáo này dựa trên những nghiên cứu thực tiễn, đồng thời, chính các doanh nghiệp và chuyên gia sau khi tiếp cận báo cáo cũng đã có những kiến nghị về chính sách hỗ trợ hậu Covid-19.
Tác động tiêu cực của Covid-19 vẫn tiếp diễn
Năm 2020, dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hàng chục ngàn doanh nghiệp trong cả nước phải ngừng sản xuất hoặc giải thể. Ở lĩnh vực công nghiệp, những ngành mũi nhọn xuất khẩu như: Dệt may, da giày và điện tử chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 10/4/2020-20/4/2020, có tới 85,7% số doanh nghiệp trên phạm vi cả nước bị tác động của dịch Covid-19, trong đó nhóm doanh nghiệp quy mô lớn là nhóm có số doanh nghiệp chịu tác động cao nhất với 92,8%. Ở khối sản xuất công nghiệp, trên 90% số doanh nghiệp của các ngành dệt may, da giày, điện tử…chịu tác động tiêu cực của đại dịch này, vừa thiếu nguyên liệu sản xuất vừa thiếu đơn đặt hàng.
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công thương phân tích, từ sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam với toàn cầu nên tác động của Covid-19 tới thế giới cũng ngay lập tức ảnh hưởng đến Việt Nam. Ở lĩnh vực công thương, năm 2020, cả 3 trụ cột chính là xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, thương mại bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đều suy giảm mạnh.
“Khả năng dịch bệnh sẽ vẫn kéo dài, việc kiên định mục tiêu kép vừa ứng phó dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế phải xuyên suốt. Chúng ta đã xây dựng kịch bản phục hồi nền kinh tế, đón đầu các cơ hội dịch chuyển đầu tư và thích ứng với sự thay đổi của thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và hậu Covid-19. Trong đó, để tháo gỡ khó khăn cho công nghiệp thì sẽ  thúc đẩy sản xuất nguyên liệu, công nghiệp hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp” – bà Nguyễn Thúy Hiền cho biết.
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ thiết thực hơn
Có tới 45,4% số doanh nghiệp khảo sát bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Đây là một trong những khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay và cũng là tình trạng chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Các nguồn chi trở thành gánh nặng của doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19.
Trong đó, chi trả công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó doanh nghiệp còn chịu áp lực từ các khoản chi phí rất lớn để duy trì hoạt động như: chi phí thuê mặt bằng, chi trả lãi vay ngân hàng, trả công cho lao động, chi phí thường xuyên khác… Nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Theo thống kê, năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, có tới 66,8% số doanh nghiệp phải áp dụng các giải pháp liên quan đến lao động như: cắt giảm, cho nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên…
Ngay khi Covid-19 tác động mạnh mẽ, Chính phủ đã có sự phản ứng bằng chính sách rất nhanh chóng. Cụ thể như, ngay lập tức Chính phủ đã có nghị quyết chỉ đạo các ngành có biện pháp ứng phó; có gói chính sách tiền tệ tín dụng nhằm cơ cấu lại, giãn- hoãn nợ và xem xét giảm lãi đối với tổng dư nợ của các đối tượng chịu ảnh hưởng; gói cho vay mới 300.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi; gói tài khóa giãn thuế, hoàn thuế, chậm nộp tiền thuê đất có tổng giá trị 180.000 tỷ đồng; gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khi được hỏi đều cho biết, tiếp cận với các gói vay này không dễ chút nào.
Vì vậy, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, khi tiếp cận vốn vay khó khăn, thì điều mà doanh nghiệp cần nhất là nguồn chi giảm được đến mức tối thiểu. Chính phủ nên xem việc giãn-giảm-miễn thuế cho doanh nghiệp là một chính sách hỗ trợ tốt nhất trong giai đoạn này.
“Doanh nghiệp xoay trở rất khó khăn, tác động của dịch nhiều khiến chi phí tăng và doanh thu giảm. Nhà nước cần chú ý tình trạng doanh nghiệp bị khó vì thiếu thanh khoản. Do đó, có khi cho tiền không phải là tốt mà giảm chi cho doanh nghiệp sẽ tốt hơn. Tức là doanh nghiệp phải chi ra nhưng không có gì để chi hết, thì cần giãn- hoãn và giảm”, bà Hạnh chỉ rõ.
Đồng quan điểm này, ở góc độ nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sắp tới nên phân loại ngắn hạn và dài hạn và đầu tiên là phải xác định sự cần thiết của các giải pháp mang tính hỗ trợ, chia sẻ để doanh nghiệp cầm cự qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.
Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
“Nên thay đổi cách tiếp cận, thay vì hỗ trợ trực tiếp như hỗ trợ tài chính thì nên thay đổi cách tiếp cận theo hướng đầu ra thì doanh nghiệp được hưởng lợi ngay và lại không phải qua thủ tục hành chính. Tôi lấy vì dụ như, dịch vào, doanh nghiệp bị tác động rồi, lại phải thêm chi phí phòng chống dịch. Thế nếu như Chính phủ giả sử như với chi phí doanh nghiệp bỏ ra để phòng chống dịch đó không đánh thuế nữa thì sẽ rất thiết thực mà lại công bằng” – Tiến sĩ Phan Đức Hiếu cho biết.
Cần những chính sách cho phát triển dài hạn
Dịch Covid-19 càng kéo dài, nguyên vật liệu đầu vào dự trữ của doanh nghiệp càng cạn kiệt. Đây là vấn đề dễ dàng nhận thấy khi thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam đều là các nước phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ dịch như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Khi dịch bùng phát, hơn 70% doanh nghiệp may mặc và da giày, khoảng 60% doanh nghiệp điện tử và sản xuất ô tô thiếu hụt nguyên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, Chính phủ đã rất cố gắng đưa các gói hỗ trợ đến với doanh nghiệp nhưng ngay từ đầu có đến 90% số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội khó tiếp cận vì các điều khoản. Các chính sách sau này về giãn, giảm thuế thì doanh nghiệp tiếp cận có phần thuận lợi hơn.
Nhìn tổng thể về lâu dài, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành dệt may là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Hiện dệt may Việt Nam trong top 3 thế giới về xuất khẩu nhưng rất thiếu nguyên liệu đầu vào, lệ thuộc rất nhiều vào một số thị trường. Về lâu dài, ngành dệt may mong muốn có những khu công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu ngành dệt may.
“Mình phải đa dạng hóa thì trường và phải đi lên bằng nội lực của mình. Chúng tôi mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư Việt Nam, tạo điều kiện để có các khu đất cho chúng tôi có thể xây dựng các khu công nghiệp vật liệu dệt may tập trung có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh để giải quyết các khâu yếu của ngành, chứ không thể cứ đi mua của nước ngoài” – bà Mai bày tỏ.
Trên thực tế, ngành công nghiệp nguyên liệu vốn là điểm yếu của kinh tế Việt Nam. Và việc một số ngành công nghiệp chính thiếu nguyên liệu sản xuất ngay khi dịch bệnh xảy ra như năm 2020 là một minh chứng cụ thể nhất. Cho nên, về lâu dài, để hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất, Chính phủ cần có những chính sách phát triển nguồn cung nguyên vật liệu. Ban Kinh tế Trung ương cũng đang xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó có chú trọng đến phát triển ngành công nghiệp vật liệu.
NGUỒN:  Theo Báo VOV News

Link bài: Chính sách…

https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/chinh-sach-ho-tro-ngan-han-va-lau-dai-se-giup-vuc-day-doanh-nghiep-sau-dai-dich-850467.vov

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *