Chống hàng giả trên chợ mạng mùa mua sắm cuối năm

Minh Anh/ Báo TBKTSG
Một số trang web ở nước ngoài của Amazon.com Inc có thể bị đưa vào danh sách các thị trường toàn cầu được biết đến với việc buôn bán hàng giả, hàng nhái. Ảnh minh họa: AFP
—–

Mùa lễ hội cuối năm cũng là mùa kinh doanh “vàng” trong năm của các nhà bán lẻ trực tuyến, với doanh thu liên tục phá kỷ lục sau mỗi kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm sôi động của hoạt động bán hàng giả trên các trang web thương mai điện tử. Các cơ quan quản lý thương mại, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ngày càng đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chiến chống hàng giả không biên giới này.

Đưa trang web ở nước ngoài của Amazon vào “tầm ngắm”

Theo thông tin từ Wall Street Journal, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét đưa một số trang web ở nước ngoài của Amazon.com Inc vào danh sách các thị trường toàn cầu được biết đến với việc buôn bán hàng giả, hàng nhái được gọi là danh sách “Các thị trường khét tiếng” (Notorious Markets).

Theo các nguồn tin, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) có thể đưa ra hành động này trong danh sách “Các thị trường khét tiếng” (Notorious Markets) năm nay. Danh sách nói trên đã bao gồm nền tảng thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc, Taobao.com, được sở hữu và vận hành bởi Tập đoàn Alibaba.

Hiện USTR chưa đưa ra quyết định chính thức nào về số phận các trang web của Amazon. Các nguồn tin cũng cho biết, những đề xuất tương tự đưa ra hồi năm ngoái đã bị loại bỏ.

Trước đó, vào tháng 10 vừa qua, Hiệp hội các nhà sản xuất đồ may mặc và giày dép Mỹ (AAFA) năm thứ 2 liên tiếp thúc giục USTR đưa các tên miền nước ngoài do Amazon sở hữu và vận hành vào danh sách này.

AAFA bao gồm một số nhà bán lẻ và thương hiệu lớn nhất nước Mỹ như Macy’s Inc và Adidas AG.

Trong thư gửi lên USTR vào tháng 10 năm nay, AAFA nói rằng dù đóng vai trò là người dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ trên toàn thế giới và là đối tác quan trọng cho nhiều thương hiệu thành viên của hiệp hội, Amazon vẫn tiếp tục là một mỗi rủi ro lớn về các hàng hóa giả mạo cho AAFA.

Để xoa dịu những nỗi lo của AAFA, Amazon khi đó cho biết họ đã đầu tư hơn 400 triệu đô la Mỹ vào nhân sự và tuyển dụng hơn 5.000 lao động vào năm 2018 để chống lại hàng giả và hàng nhái trên các nền tảng thương mại của mình.

Amazon cho biết họ “nghiêm cấm” các sản phẩm làm giả trên nền tảng của mình và đang đầu tư mạnh mẽ để bảo vệ khách hàng khỏi các mặt hàng đó.

Trong một tuyên bố, Amazon nói rằng chống lại hàng giả đòi hỏi sự hợp tác trên toàn ngành công nghiệp, từ các nhà bán lẻ, các thương hiệu, giới chức thực thi pháp luật và các chính phủ.

Amazon cam kết tiếp tục tích cực tham gia với các bên liên quan để buộc các bên bán hàng giả phải chịu trách nhiệm cho hành động của họ, đồng thời đưa số lượng hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử của họ về 0.

Hiện cả USTR và Nhà Trắng đều chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về vấn đề này.

Nhiệm vụ đầy khó khăn tại thị trường Việt Nam

Theo thông tin từ cơ quan quảng lý hoạt động thương mại điện tử, tại thị trường Việt Nam, nhiều nhà bán hàng trên mạng thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng lại tập kết hàng hóa ở nhiều địa điểm, khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát vấn đề hàng giả, hàng nhái.

Tại cuộc họp về chống hàng gian lận xuất xứ, hàng giả trên kênh trực tuyến (online) vừa qua, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường, đã nhắc đến vấn nạn gian lận thương mại đang “bùng nổ” trên các sàn, trang web thương mại điện tử hay mạng xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, các trang web thương mại phát triển bùng nổ trong 7 năm qua, từ 763 trang web năm 2013 đã tăng lên 10.000 trang web vào năm 2016. Quy mô thị trường thương mại điện tử cũng tăng lên nhanh chóng, từ 5 tỉ đô la năm 2016, tăng lên 8 tỉ đô la sau đó 2 năm, và đến năm 2020 được dự kiến sẽ đạt 13 tỉ đô la. Hiện thương mại điện tử chiếm khoảng 5% tổng mức bán lẻ hàng hoá.

Cùng với quy mô thị trường gia tăng thì các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái cũng bùng nổ theo. Đến hết 2018, tổng số sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ trên các sàn thương mại điện tử là 35.943 và hơn 3.000 tài khoản trên các sản đã bị khoá.

“Buôn bán hàng giả, hàng cấm, nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, YouTube…) diễn ra phổ biến, công khai đã ảnh hưởng nghiêm trọng và đe doạ xã hội, niềm tin người tiêu dùng”, ông Linh nói, đồng thời nhấn mạnh, ngăn chặn nạn kinh doanh hàng giả, nhái trên mạng xã hội “thực sự nan giải”.

Một trong những thủ đoạn phổ biến hiện nay là người bán sử dụng hình ảnh thật của hàng hóa, sản phẩm chính hãng để quảng cáo, nhưng lại chào bán với giá rẻ hơn nhiều so với hàng thật và khi giao hàng cho người mua là hàng nhái, hàng giả không có nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay, các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang được giới chuyên gia cho là những mặt hàng dễ dàng bị gắn mác “hàng ngoại xách tay chính hãng” nhưng thực chất là hàng giả.

Khó khăn trong việc kiểm soát kinh doanh trên các kênh bán hàng trực tuyến này được cơ quan quản lý chỉ ra là các nhà bán hàng thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng lại tập kết hàng hoá tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch hàng hóa, vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể, trong khi 100% giao dịch trên mạng thường không có hoá đơn chứng từ. Việc lần ra đầu mối cung cấp hàng lậu, vì thế càng khó.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cũng chia sẻ thủ đoạn của các nhà kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, và người bán tìm mọi cách để lách các bộ lọc kỹ thuật của sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp mua tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài, trả tiền thông qua thẻ tín dụng, không thông qua nhà cung cấp dịch vụ tên miền, cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam hoặc chỉ lập trang fanpage để chạy quảng cáo. Các đối tượng này cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay bất kỳ thông tin liên lạc gì.

Để ngăn chặn nạn buôn hàng giả, hàng nhái trên kênh trực tuyến, ông Trần Hữu Linh đề xuất sửa các quy định pháp luật để ràng buộc trách nhiệm của chủ các sàn thương mại điện tử. Theo ông, các chủ sàn thương mại điện tử là người tổ chức ra “chợ” để các chủ thể khác kinh doanh, buôn bán, nếu không có biện pháp ràng buộc trách nhiệm của những ông chủ này thì rất khó quản lý hoạt động bán hàng giả, hàng nhái trên sàn. Với riêng kênh bán hàng trên mạng xã hội, ông Linh đề nghị phải có biện pháp khẩn cấp dừng hoặc chặn tên miền, trang web ngay khi phát hiện sai phạm.

Người đứng đầu ngành công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đặt ra yêu cầu về trách nhiệm của các đơn vị có liên quan khi để xảy ra gian lận thương mại trong thương mại điện tử.

Ông cũng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Vụ Pháp chế, rà soát lại các quy định pháp luật liên quan thương mại điện tử, đề xuất sửa các quy định pháp luật không còn phù hợp, và có thể nghiên cứu đề xuất xây dựng quy định, văn bản pháp luật mới trên cơ sở cập nhật nội dung mới, chế tài khắt khe hơn với kênh buôn bán trực tuyến. Đối với hoạt động bán hàng trên mạng xã hội, các đơn vị chủ động làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và chính doanh nghiệp, để thống nhất cơ chế quản lý.

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Chống hàng giả….
(https://www.thesaigontimes.vn/297891/chong-hang-gia-tren-cho-mang-mua-mua-sam-cuoi-nam-.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *