Chữ “Lễ” không phải là người dưới lễ phép với người trên

Trần Quí Thanh

Nguồn: Internet

Chào anh Trần Quí Thanh

Thưa anh, tôi là một doanh nhân đã lỗi thời, nay treo tài khoản vui vầy với con cháu. Tôi đọc blog của anh nhiều và do đó cũng cảm phục anh nhiều. Thấy anh bàn nhiều về giáo dục, tôi cũng mạo muội xin  có đôi lời.

Thưa anh, tôi thấy hầu hết các trường học đều treo khẩu hiệu: “ Tiên học lễ, hậu học văn”. Khẩu hiệu đúng thôi nhưng như thế nào lễ?  Nếu lễ là tuân thủ vô điều kiện, là răm rắp làm theo một cách rập khuôn và thụ động chỉ bảo của cô thầy giáo và nhà trường thì cái lễ ấy có nên  học không, thưa anh?

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của anh.

Kính anh

Hoàng Dzụ Lê ( Sài Gòn): dzulehoang-sg11@gmail.com

—–

Anh Hoàng Dzụ Lê mến!

Ở miền Nam trước giải phóng, gần như các phòng học của các trường học đều có câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Sau năm 1975, tui thấy câu này bị  bỏ đi và thay vào đó nhiều câu khẩu hiệu khác. Thời gian gần đây, các trường trở lại với chữ “Lễ”.

Theo hiểu biết của tui, “Tiên học lễ, hậu học văn” có nghĩa là trước hết phải rèn luyện đạo đức sau đó mới học chữ nghĩa. Hay sát nghĩa hơn là phải chú trọng việc rèn luyện đạo đức, học làm người, không chỉ thu nhận kiến thức. Và sâu xa hơn, khi ra đời, học sinh trở thành những công dân có đạo đức, có nhân cách cùng với có tri thức.

Trí thức thực sự không thể là phường lưu manh, bởi vì họ có học Lễ, học cách ứng xử đúng mực, học đạo đức làm người.

Chữ “Lễ” trong câu khẩu hiệu này có ý nghĩa sâu và rộng, không thể hiểu “Lễ” ở đây là lễ phép, là giữ lễ mà thôi. Chữ “Lễ” không nên hiểu là chỉ người dưới ứng xử với người trên mà con người phải biết giữ lễ với nhau. Lễ không chỉ là mối quan hệ thầy với trò, mà cha mẹ với con cái, anh em với nhau, bạn bè, quan hệ xã hội. Chữ lễ giúp mọi người biết tôn trọng nhau, sống có trật tự, hài hòa, văn hóa. Lễ không chỉ là ứng xử giữa con người với con người, mà còn là ứng xử giữa con người với thiên nhiên.

Muốn xây đựng một cộng đồng phát triển thì điều đầu tiên là phải xây dựng các giá trị căn bản làm cơ sở cho sự phát triển, trong đó, giá trị đạo đức chính là giềng mối, và chữ “Lễ” là cách nói tóm tắt nhất về giá trị đạo đức vốn rất rộng.

“Tiên học lễ, hậu học văn” còn nhắc nhớ người thầy phải xứng đáng làm thầy. Nếu người thầy không có đạo đức, không ứng xử đúng chữ “Lễ” thì lấy gì để dạy học trò và lấy gì làm gương cho học trò.

Cho nên treo câu khẩu hiệu này không chỉ là cho học trò, mà còn cho những người thầy.

“Tiên học lễ, hậu học văn” cũng không thể hiểu rằng người thầy và cha mẹ áp đặt cho con cái phải ngoan ngoãn, vâng lời người lớn. Nói ngược tai người lớn là  “vô lễ”. Nếu nghĩ như vậy thì chưa hiểu được chữ “Lễ” một cách đúng đắn, thậm chí hiểu sai hoàn toàn.

Xin lấy một ví dụ, học trò hoặc con cái không đồng quan điểm của thầy cô và cha mẹ thì có quyền nói, phải nói. Giữ chữ  “Lễ” không có nghĩa là không có quyền nói, nhưng giữ chữ “Lễ” chính là cách nói. Cách nói tôn trọng lẫn nhau, thưa gửi đàng hoàng, nói có trước sau trên dưới, lịch sự và có văn hóa.

Giờ tui thấy người ta tranh luận với nhau trong cơ quan, công ty cũng như trên mạng xã hội, hình như chỉ có chửi bới hơn là nói năng lịch sự. Có lẽ vì đã quá lâu, khẩu hiệu “Tiên học lẽ, hậu học văn” bị thay thế bằng những thứ giả tạo khác.

Dù chữ “Lễ” có treo lại trên tường, nhưng hình thức chứ không phải nội dung.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *