Chuyện chỉ dám kể khi hết tết

Châu Thanh/ Báo Phụ nữ Tp HCM

Ảnh minh họa

Tôi sực nhớ hôm trước chị Hai nói nhà tôi năm nay “thu hoạch khá”, vì vợ chồng tôi có ba con trong khi mỗi nhà chỉ một hay hai.

Quê chồng tôi ở miền Trung, một thành phố nhỏ yên bình trong mùa COVID-19, nên mấy ngày tết bà con lối xóm đến thăm chơi nhà nhau khá đông.

Tết nơi nào cũng na ná thế, dọn dẹp, nấu nướng, trang hoàng nhà cửa, những mâm cơm cúng có những món tết… Nhưng có những chuyện tết xong rồi mới dám kể lại.

Đầu tiên là chuyện nhà chú Sáu đối diện nhà ba má chồng tôi. Con trai chú làm chức gì khá to ở thành phố, tết có khách đi xe hơi về tận nhà chơi. Chuyện cũng bình thường thôi nếu chiều mùng hai, có vị khách ngà ngà say, thay vì lì xì cháu nội chú Sáu thì lại lì xì nhầm cho hai đứa trẻ nhà… hàng xóm. Mỗi đứa bốn tờ tiền mệnh giá lớn nhất.

Khách về, cậu Đông – con trai chú Sáu tính sang hàng xóm nói chuyện nhưng chú Sáu không cho, bảo từ từ​​. Hàng xóm với nhau cả, nhà bên kia thấy đám nhỏ mang tiền lớn về thế nào cũng hỏi và phát hiện ra. Người ta chủ động mang sang đỡ kỳ hơn là mình sang hỏi.

Đông nghe lời, nhưng chờ hết ngày mà không thấy hàng xóm nói gì. Cả ngày hôm sau cũng không thấy động tĩnh. Đông lại nghe được nhà hàng xóm đang vui vẻ vì… trúng quả đậm. Thậm chí nhà họ còn đang bàn tính sử dụng số tiền “lộc trời” ấy như thế nào.

Không nhịn được, Đông mắng nhà hàng xóm tham lam, nhà hàng xóm cũng đâu vừa, cho rằng “cá ao ai nấy được”. Chỉ khi nào vị khách kia đến nói là đưa nhầm thì họ sẽ trả lại. Chẳng ai còn nhớ gì mà tình làng nghĩa xóm.

Hôm nay lại là chuyện ngay trong nhà tôi. Cu Tít con chị Hai nay học lớp Ba, tối mùng Năm tết cậu nhóc mang ra một tờ giấy học trò liệt kê ông bà cậu mợ ai lì xì bao nhiêu và còn cẩn thận gạch chân tên của những người chưa lì xì.

Cậu nhóc nhắc nợ: “Mợ út Linh năm ngoái còn chưa lì xì nên năm nay mợ phải lì xì gấp đôi!”

Cả nhà bật cười. Mẹ thằng bé bảo “nó kỹ tính lắm”, bố chồng tôi khen thằng bé “cẩn thận”. Mẹ chồng nhìn Linh cười: “Mợ lo trả nợ đi nhé!” và mọi người cười ồ khi Linh chật vật một tay đỡ con, một tay móc hai cái phong bao lì xì ra.

Nhìn cậu nhóc hể hả vui vì đòi được “nợ”, tôi thật sự khó chịu. Nhưng là khó chịu với những người lớn đang ngồi đây. Năm ngoái Linh vừa dính bầu, ốm nghén đến vật vã, năm nay thì con nhỏ mà có ai nói đỡ cho Linh một tiếng. Từ bao giờ phong tục lì xì lấy may cho con trẻ lại thành món nợ phải trả vào năm mới?

Người lớn nên giải thích cho con trẻ ý nghĩa của những phong bao lì xì. Ảnh minh họa

Một đứa trẻ nếu có ranh mãnh biết liệt kê từng người sẽ lì xì cho mình, nó không đáng trách mà nên trách ở những người lớn đang hùa vào khen nó thông minh, cẩn thận. Đáng lẽ đầu tiên là bố mẹ nó phải giải thích cho con mình hiểu ý nghĩa của những phong bao lì xì, bởi tết là niềm vui của trẻ con nhưng những người lớn lại đang là những người giữ hồn cho tết.

Tôi sực nhớ hôm trước chị Hai nói nhà tôi năm nay thu hoạch khá. Nay thì tôi đã hiểu, hẳn vì trong bốn anh chị em, có mỗi vợ chồng tôi có ba con trong khi mỗi nhà chỉ một hay hai. Khi ấy tôi không hiểu nên chỉ im lặng cười trừ.

 

NGUỒN:  Theo Báo Phụ nữ Tp HCM

Link bài: Chuyện chỉ dám…

https://www.phunuonline.com.vn/chuyen-chi-dam-ke-khi-het-tet-a1427965.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *