Thảo Phương / Zing News
Chủ tịch cấp cao của Goldman Sachs cho rằng rủi ro kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái là rất cao. Nhưng điều này là cần thiết để hạ nhiệt giá cả vốn đã tăng quá nóng.
Theo Bloomberg, ông Lloyd Blankfein – Chủ tịch cấp cao của Goldman Sachs – cho rằng các doanh nghiệp và người tiêu dùng cần chuẩn bị cho một cuộc suy thoái kinh tế của Mỹ. Ông cho rằng rủi ro là “rất, rất cao”.
“Nếu tôi đang điều hành một doanh nghiệp lớn, tôi sẽ chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho nguy cơ này”, ông Blankfein chia sẻ.
“Còn nếu là một người tiêu dùng, tôi cũng sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó”, ông nói thêm.
Vào đầu tháng 5, tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011 vì giá cả leo thang. Ảnh: Reuters. |
Rủi ro suy thoái
Theo ông, rất khó để nền kinh tế Mỹ tránh khỏi nguy cơ suy thoái. “Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã dùng những công cụ mạnh mẽ để giảm lạm phát”, cựu CEO Goldman Sachs nhận định.
Giá nhiên liệu tăng cao và tình trạng khan hiếm sữa bột trẻ em khiến người Mỹ bất an. Vào đầu tháng 5, tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Giá tiêu dùng tăng 8,3% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc nhẹ so với tháng 3, nhưng vẫn là ngưỡng cao trong nhiều thập kỷ.
Vào tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,5%, mức tăng giá chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạm phát đình trệ diễn ra vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980.
Giá tăng tiếp tục đè nặng lên người lao động. Tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm 0,1% trong tháng 3, dù mức tăng danh nghĩa của thu nhập bình quân theo giờ đạt 0,3%.
Trong năm qua, thu nhập bình quân theo giờ của người Mỹ đã tăng 5,5%, nhưng thu nhập thực tế lao dốc 2,6%.Lạm phát là mối đe dọa lớn nhất đối với đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Lạm phát là mối đe dọa lớn nhất đối với đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch. Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao, nhưng lạm phát còn lan sang các lĩnh vực như nhà ở, ôtô và một loạt lĩnh vực khác.
Để đối phó với lạm phát, các quan chức FED đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay và cam kết sẽ tiếp tục để hạ nhiệt giá cả. Mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương Mỹ trong năm nay là 2%.
Giới quan sát dự báo FED sẽ nâng mức lãi suất trần lên tối thiểu 3% vào cuối năm nay. FED từng tăng lãi suất lên 2,37% vào đỉnh của chu kỳ tăng lãi suất gần nhất hồi năm 2018. Trước cuộc Đại suy thoái năm 2007-2009, lãi suất của FED đạt 5,25%.
Trong những năm 1980, dưới sự điều hành của ông Paul Volcker, FED đã nâng lãi suất lên mức chưa từng có để đối phó với lạm phát. Vào tháng 7/1981, lãi suất đạt 22%.
Tin tốt với lạm phát
Khi đại dịch bùng phát, FED đã hạ lãi suất xuống gần 0 để khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp chi tiêu. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thông qua chương trình nới lỏng định lượng.
Nhưng những biện pháp khẩn cấp của FED đã góp phần vào đà phát triển quá nóng của kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại.
Giờ, lãi suất cao hơn sẽ là một thách thức đối với thị trường chứng khoán, vốn đã quen với việc kiếm tiền dễ dàng. Thị trường đã biến động đáng kể khi giới đầu tư lo ngại về kế hoạch nâng lãi suất của FED để đối phó với lạm phát.
Đội ngũ chuyên gia của Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay và năm tới. Cụ thể, nhóm nhà kinh tế do ông Jan Hatzius đứng đầu đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ từ 2,6% xuống còn 2,4% trong năm nay.
Nhóm này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2023 từ 2,2% xuống còn 1,6%.
Theo báo cáo, sự giảm tốc tăng trưởng là cần thiết trong việc kiểm soát tiền lương và đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% của FED. Suy thoái có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao. Tuy nhiên, Goldman Sachs lạc quan rằng Mỹ có thể tránh được rủi ro tỷ lệ thất nghiệp gia tăng mạnh mẽ.
Theo ông Blankfein, lạm phát có thể hạ nhiệt nếu tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng thuyên giảm, các lệnh phong tỏa nhằm chống dịch tại Trung Quốc được gỡ bỏ. Tuy nhiên, một số vấn đề có thể dai dẳng hơn, chẳng hạn giá năng lượng tăng cao.
Giới quan sát cảnh báo tình hình lạm phát có thể trở nên tồi tệ hơn bởi ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga và Ukraine. Giá của mọi mặt hàng từ lương thực, năng lượng đến kim loại đã trở nên đắt đỏ.
“Người Mỹ đã hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa trong một thời gian dài. Quá trình này giúp hàng hóa và dịch vụ trở nên rẻ hơn nhờ lao động giá rẻ ở nước ngoài”, ông Blankfein nhận định.
Nhưng tình thế đã thay đổi khi Mỹ trở nên phụ thuộc vào những chuỗi cung ứng ở bên ngoài và nước này không thể kiểm soát.
Nguồn: https://zingnews.vn/chuyen-gia-my-doi-mat-voi-nguy-co-roi-vao-suy-thoai-post1317930.html