Chuyện nhà Dr Thanh – Chương 3: Ông Tám Hiệp Phát – Phần 2

Trần Uyên Phương

(Tiếp theo Chương 3 – Phần 1)

Tướng nội tôi không bự con nhưng rất cao, đặc biệt hai bàn chân ông dài hơn người ta cả khúc. Ông hay đi loại giày Tây dài, mũi nhọn ngóc lên như mũi thuyền và ngón chân ông lấp đầy hết bên trong mũi giầy. Mải lo làm ăn nên hơn bốn mươi tuổi nội tôi vẫn không thèm cưới vợ. Cụ thân sinh ra ông nhiều lần làm dữ, la chói lói, nhưng ông cứ cười trừ.

Có bữa bị cụ tôi dí quá, ông nổi quạu:

– Tôi chưa muốn lấy vợ. Tôi đèo bồng vợ con thì ai nuôi gia đình? Má ép quá, tôi buông luôn đó.

Cụ nội tôi đang ngồi ăn cơm, buông ngay chén đũa, đùng đùng đứng phắt dậy:

– Tao không cần mày nuôi tao. Tiền của mà không con cái nối dõi, thì đem quăng hết xuống sông đi. Mày không chịu lấy vợ, tao sẽ về quê tao sống.

Cụ nói xong bỏ ăn, làm mặt giận suốt nhiều ngày không thèm nói chuyện. Thật ra như bao người mẹ cả đời sống vì con, cụ cũng rất thương con. Cụ không hề muốn phải nhìn thấy người con trai sáng giá nhất trong nhà, vì mải lo cho cả gia đình mà hy sinh cái hạnh phúc lớn nhất của đời người.

Nội tôi thì vô tâm, cũng có nhiều cô gái đẹp trong xóm để ý, nhưng ông tìm thấy niềm vui trong công việc nhiều hơn trong chuyện tình cảm. Hoặc như người ta hay nói về duyên số.

Trong số những bạn hàng quen của vựa Hiệp Phát có bà Nguyễn Thị Thâu khá xinh đẹp, dáng người tầm thước, ở Hưng Phú – Lái Thiêu hay đến bỏ mối hàng. Bà có hai người con, chồng đã mất. Qua nhiều lần giao tiếp nội tôi cũng cảm thông, nảy sinh tình cảm thầm kín với bà, nhưng không dám nói ra.

Sau này nội hay tâm sự, rỉ rả kể hết chuyện đời với con dâu là má tôi, mà ông thương hơn con ruột, để rồi má tôi vì thương ông nên luôn ghi nhớ trong lòng.

Một bữa, sau khi thanh toán hết tiền hàng, nội tôi mời bà Thâu vô nhà trong nói chuyện.

Ông gãi gãi đầu, nói với bà vẻ nghiêm trọng:

– Lúc này tôi hơi kẹt, tính nhờ bà giúp tôi một chuyện..

Bà không hiểu ông định nói gì, hỏi:

– Ủa? Tiền bạc mua bán tôi đã thanh toán hết rồi. Ông tính nhờ tôi giúp việc gì?

Ông khoát khoát tay:

– Khổ lắm… Chuyện là… Không phải vụ tiền bạc gì đâu… Tôi với bà làm ăn luôn sòng phẳng. Tại má tôi dí quá, cứ nằng nặc bắt tôi cưới vợ…

Bà Thâu không nín được, phá lên cười:

– Thì người như ông cũng nên lấy vợ đi. Hay ông muốn nhờ tôi mối lái cho cô nào? Ông lớn tuổi rồi, phải cần bàn tay một người đàn bà thu vén, chăm sóc cho ông.

Ông lúng túng nhìn xuống đất. Rồi ông nói giọng tưng tửng, nửa bâng quơ, nửa như tâm sự với ai đó:

– Mà biết lấy ai đâu… Tôi không để ý cô nào… Hay bà ưng nhận lời lấy tôi, rồi hai đứa mình cùng hợp tác làm ăn?

Nghe ông ngỏ lời cầu hôn giống như người ta đang nói chuyện vẩn vơ trên trời dưới đất, bà Thâu nhìn ông, hơi nghẹn ngào, khẽ chớp chớp mắt.

Bà không còn cái cảm giác e ấp của cô gái mới lớn khi nghe người ta tỏ tình. Từ lâu bà đã ao ước kiếm được người chồng tử tế như ông để chia sẻ, để ngả vào lòng nhau trong cái tuổi hồi xuân sớm của một người đàn bà góa bụa. Cũng có nhiều người đàn ông khác ngỏ ý tiến tới với bà, nhưng họ đòi hỏi quá nhiều, hoặc chỉ muốn đi tìm niềm vui trong chốc lát.

Bà đã sống một mình nuôi con suốt nhiều năm và tỉnh táo nhận ra rằng, bà cần một người đàn ông tử tế biết thông cảm hoàn cảnh của mình hơn là sự chắp vá tình cảm vội vã, để rồi chia tay. Bà sợ sự đổ vỡ, khi không còn nhiều thời gian trông ngóng những chuyến đò. Tự nhiên bà thấy thương và tin tưởng người đàn ông đang bứt rứt khổ sở, lúng túng ngồi trước mặt mình. Không khí lặng đi, chỉ nghe thấy tiếng đàn ruồi vo ve trên những đống vật liệu mây tre ngâm nước lâu ngày để ngoài sân.

Một lát sau. Với tất cả lòng tự trọng của người đàn bà đã qua một đời chồng, bà cố gắng nói chậm rãi, không tỏ ra vồ vập:

– Tôi biết từ lâu ông có để ý tôi… Thấy ông cũng là người đàng hoàng, giỏi công chuyện làm ăn… Ờ, hay tôi nhận lời lấy ông… Nhưng ông phải hứa chăm sóc tốt cho hai đứa con tôi nghe.

Vậy là nội tôi hít một hơi dài, sung sướng thở phào như trút được gánh nặng cả ngàn cân trong lòng. Lúc này ông mới dám tự tin ngước nhìn lên gương mặt người đàn bà vẫn còn nhiều nét của một thời xuân sắc. Vậy là ông đã có vợ. Có người vợ đẹp do chính ông lựa chọn, chứ không phải vì ai ép uổng. Chỉ chút xíu nữa ông buột miệng thốt lên hai chữ: “Cám ơn!”.

Bà chủ động đặt nhẹ tay lên tay ông. Bàn tay thô ráp, chai sạn của anh chàng trai tân đã ngoài bốn mươi, cao lêu nghêu hơi khẽ run lên. Bà lại không nín được cười. Nhưng bây giờ là cái cười không ra tiếng, đầy sự âu yếm, vuốt ve. Vậy là hai người tổ chức cưới nhau. Và người đàn bà tên Thâu khá xinh đẹp kia chính là bà nội tôi.

Hai ông bà về ở với nhau được vài năm thì sinh hạ ra ba tôi – Trần Quí Thanh. Gia đình thoạt đầu sống hòa thuận, yên ấm với hai người con riêng của bà nội.

Hai người anh của ba tôi lúc bấy giờ đã lớn và ông nội tôi cố gắng làm tròn lời hứa, thật tâm coi họ như con ruột của mình. Ông truyền nghề cơ khí, chu cấp tiền bạc và dạy cho họ cung cách bước ra thương trường. Có điều ông không thể nào ngờ rằng, một ngày kia những người con riêng của bà nội tôi đã xung đột dữ dội, kiện tụng người thân ra toà suốt nhiều năm liền không dứt.

(Còn nữa)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *