Cờ bạc – tệ nạn của cá nhân và quốc gia

Nguyễn Thị Hậu/ Báo DNSG

Nguồn ảnh: Internet

Cờ bạc là tệ nạn đang hoành hành rất ghê gớm, nhưng tuồng như ít ai quan tâm, vì nghĩ rằng “đèn nhà ai nấy sáng”. Nhưng không đơn giản như vậy, một xã hội có quá nhiều người nghiện cờ bạc thì xã hội đó không lành mạnh, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo cũng từ đây mà ra.

Sâu xa hơn, những gia đình tan nát vì cờ bạc, con cái thất học, đất nước không thể phát triển với một nguồn nhân lực chất lượng thấp.

Ngày xưa chơi trên chiếu bạc, ngày nay chiếu bạc là không gian mạng, ảo mà thật, ngốn hàng nghìn tỉ đồng, còn sức người sức của đâu nửa để làm ăn.

Mỗi công dân có trách nhiệm, bằng cách riêng của mình, góp phân loại bỏ tệ nạn này.

Trần Quí Thanh

—–

Từ nửa đầu thế kỷ 20, nhiều trí thức Việt Nam đã lên tiếng về những thói hư tật xấu trong dân chúng. Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục đã dành hẳn chương cuối nói về “cuộc cờ bạc”. Sau khi khảo tả một số loại cờ bạc phổ biến trong dân chúng, ông phê phán sự “nhàn cư vi bất thiện” ham mê cờ bạc, mong muốn giàu có nhưng thực chất chỉ làm hại mình và cả gia đình, rồi sinh ra trộm cắp hại đến người khác. Học giả Đỗ Đức Dục cũng đánh giá: từ người giàu đến người nghèo, từ trên xuống dưới, cờ bạc đã trở thành một tập quán ăn sâu vào đầu óc dân chúng, đó thực là một mối tai ương cho dân tộc ta.

Gần một thế kỷ trôi qua, thế giới đã thay đổi bước sang thời đại mới, vậy nhưng sự mê muội tìm kiếm sự giàu có từ may rủi hiện nay vẫn còn phổ biến trong xã hội Việt Nam. Nạn bài bạc ngày càng có nhiều hình thức: xổ số kiến thiết thì bị biến thành đánh số đề, trò chơi dân gian đá gà chọi gà cũng thành “sới bạc”, rồi sang bên kia biên giới chơi bạc thua nợ đến nỗi bị xã hội đen giữ làm “con tin”, gia đình phải mang tiền qua trả nợ chuộc người, chưa kể nhiều sòng bài ở phố này hẻm khác thậm chí cả trong công sở… Nói là chơi cho vui chỉ vài chục, vài trăm ngàn đồng nhưng không dừng được, thắng hay thua cũng trở thành “con bạc khát nước” như nhau. Đi cùng với bài bạc là lừa đảo, cho vay nặng lãi, “xã hội đen”… những thế lực gây ra nhiều tội ác.

Tham gia cuộc đỏ đen có đủ thành phần, từ người bình dân đến thượng lưu, từ buôn gánh làm thuê tới công chức trí thức… Tác hại của nạn cờ bạc không thấy rõ ràng như nghiện ma túy. Người ta thường nghĩ đơn giản chơi bạc chỉ mất tiền chứ chưa/không hại sức khỏe và làm cho con người tiều tụy hình hài như ma túy, cơn nghiện cờ bạc không nguy hiểm cho xã hội như cơn nghiện ma túy, ai ham chơi thì người đó mất tiền chứ không liên quan đến mình… Chính vì thế dư luận bỏ qua hoặc dễ dãi trong việc đánh giá hậu quả tệ nạn này.

Biết bao thảm cảnh đã xảy ra vì nạn bài bạc. Xưa thì “cờ bạc là bác thằng bần” nay lại thêm “thua đề ra đê mà ở”… Bao nhiêu gia đình đã phải âm thầm chịu đựng cho đến khi tan nát vì mất hết nhà cửa tài sản, thậm chí mất cả nhân phẩm khi con gái phải bán thân, con trai thì trộm cướp… Rõ ràng chịu hậu quả đầu tiên chính là gia đình của người nghiện đỏ đen. Vì vậy, dù ở vai trò nào, cha mẹ hay chồng vợ, con cái hay anh em, người nghiện cờ bạc cũng không thể được cảm thông mà phải lên án bởi vì họ đã lợi dụng tình cảm của người ruột thịt để có được tiền bạc tài sản nhằm thỏa mãn cơn nghiện, từ đó sớm hay muộn cũng sẽ gây hại cho chính gia đình mình!

Trường hợp một ca sĩ nổi tiếng vượt qua sĩ diện cá nhân để lên tiếng trước công luận về người mẹ nợ nần cờ bạc là tiếng chuông cảnh báo về tác hại của tệ nạn này trong gia đình và ngoài xã hội! Hành động này rất cần được cảm thông, vì tuy mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều mong muốn và làm mọi cách để người thân “cai nghiện”. Khi đã bất lực thì việc công khai lên tiếng là một sự “cầu cứu” xã hội. Cai nghiện ma túy còn có thuốc chữa và nhiều biện pháp trị liệu bằng y học, tâm lý… nhưng cai nghiện cờ bạc thì chưa có biện pháp nào! Sự nguy hiểm của nạn cờ bạc còn là ở đó. Mặt khác, ngày nay quan niệm hiếu đễ đâu còn như xưa là phải chấp nhận chịu đựng tệ nạn của cha mẹ, cũng như tình thương yêu của cha mẹ không phải là sự hy sinh cho những đòi hỏi vô lối và ích kỷ của con cái.

Dung dưỡng nạn cờ bạc lừa đảo là nuôi dưỡng tâm lý trông chờ giàu có từ sự may rủi, muốn có tiền bạc lợi lộc “ngay và luôn” không bằng công ăn việc làm chân chính… Trong một xã hội sự gian trá được coi là vận may thì việc làm ăn bất tín, mua quan bán chức, sử dụng quyền lực để kiếm chác và tham nhũng trở thành bình thường. Khi “người ta không biết trọng cái thực lực mà muốn trông cậy về cái vận may, thì chí khí cũng đã kém rồi” – đấy là điều mà học giả Phan Kế Bính từ gần một thế kỷ trước đã chỉ rõ cho từng cá nhân và cảnh báo cho cả quốc gia. 

 

Nguồn: Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn

Link bài: Cờ bạc – tệ nạn của cá nhân và quốc

(http://www.thesaigontimes.vn/155149/Co-bac—te-nan-cua-ca-nhan-va-quoc-gia.html)

1 (20%) 1 vote

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *