Thạch Lam/ Người Đồng Hành
Vẽ vốn là sở thích của Elena Gatti, một cô gái biết phác thảo hình ảnh động vật từ khi 5 tuổi. Cô ấy chưa bao giờ có ý định dùng kỹ năng này để kiếm tiền.
Tuy nhiên, cô gái 24 tuổi này lại đang có thu nhập 5 con số mỗi tháng từ việc thiết kế trang phục cho các nhạc sĩ và ban nhạc như Harry Styles hay Mt. Joy, ngoài tiền lương với tư cách là giám đốc nghệ thuật tại một công ty quan hệ công chúng. Fiorenza Art, công ty do Gatti thành lập như một công việc làm ngoài, đạt doanh thu gần 32.000 USD chỉ riêng trong tháng 11/2021, theo tài liệu CNBC Make It thu thập được.
Elena Gatti cùng với các sản phẩm của mình. Ảnh: NVCC. |
Mọi chuyện bắt đầu từ Instagram, nơi Gatti đăng các bức vẽ của mình để duy trì sức sáng tạo cũng như kỹ năng vẽ trong khi theo học ngành quảng cáo, nghệ thuật và thiết kế tại Đại học Illinois. Tác phẩm của cô thường lấy cảm hứng từ các quảng cáo cổ điển của Italy nên luôn có phong cách riêng biệt và táo bạo. Sau vài tháng chạy quảng cáo trên Instagram, tác phẩm của Gatti bắt đầu được chú ý và đó cũng là lúc Fiorenza Art được thành lập rồi phát triển.
Hiện tại, Gatti vẫn đăng các tác phẩm của mình lên Instagram nhưng thu nhập đến từ việc cô bán các bản in trên website của mình và ký kết thoả thuận thành công với khách hàng. Một số thoả thuận thậm chí có giá trị tới 10.000 USD.
Tài năng từ thuở thiếu thời
Khi Gatti lên 7, cô biết được mình mắc chứng khó đọc. Tuy nhiên, với khả năng hội hoạ của mình, cô gái nhanh chóng học cách sử dụng kỹ năng vẽ để xây dựng sự tự tin và kết bạn ở trường.
Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2019, Gatti bắt đầu thực tập tại công ty PR Zeno, nơi mà cô hiện là giám đốc nghệ thuật. Tháng 7 cùng năm, Fiorenza, tên đệm của Gatti, lần đầu tiên bán được sản phẩm.
Mãi cho đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cô ấy mới quyết định đầu tư xây dựng một thương hiệu. Nhưng sau một vài tuần cố gắng phát triển Fiorenza thông qua đầu tư vào quảng cáo trên Instagram với mức giá gần 50 USD/một tác phẩm, những bức vẽ của cô gần như không được chú ý.
Từ đó, cô gái 24 tuổi tự hứa sẽ chỉ vẽ những gì khiến bản thân hạnh phúc hơn, thay vì vẽ những gì người khác trông đợi. Trong vòng vài tháng sau đó, chiến lược này đã phát huy tác dụng. Casetify, một thương hiệu ốp điện thoại có trụ sở ở Hong Kong, tìm đến Gatti và cô cho ra mắt bộ sưu tập đầu tiên của mình vào tháng 2/2021.
Những bước ngoặt lớn
Mọi thứ khi đó như là một giấc mơ với Gatti, được làm công việc sáng tạo nghệ thuật và có được bộ sưu tập của riêng mình, với lượt theo dõi trên Instagram tăng lên khoảng 30.000 người.
Tháng 6/2021, một điều khó tin hơn cũng xảy ra: một thành viên trong nhóm của Harry Styles gửi tin nhắn trực tiếp cho Gatti trên Instagram, yêu cầu cô giúp thiết kế đồ cho chuyến lưu diễn sắp tới của anh. “Họ thấy các bức vẽ của tôi trên Instagram và thích phong cách này, đặc biệt là những bản vẽ chú thỏ của tôi”, Gatti kể lại.
Thiết kế của cô với những chú thỏ nằm trên nền bàn cờ đã trở thành hình ảnh nổi bật trong chuyến lưu diễn của Styles vào tháng 9/2021. Vài tuần sau đó, John Mayer, có vẻ là người hâm mộ Styles, cũng mặc chiếc áo phông hình chú thỏ này tại buổi hoà nhạc riêng tại Wrigley Field ở Chicago.
Nhờ những thành tựu này và các hợp đồng với khách hàng mới cũng như bán hàng trên web, vào tháng 11/2021, Fiorenza mang về doanh thu 31.800 USD.
Sản phẩm mà Elena Gatti thiết kế cho ca sĩ nổi tiếng Harry Styles. Ảnh: NVCC. |
Sự nghiệp khởi sắc
Kể từ tháng 11/2021, doanh số bán hàng của Fiorenza bắt đầu chững lại, nhưng công việc làm thêm này của Gatti vẫn mang lại cho cô một khoản lợi nhuận kha khá. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, doanh số bán hàng trên web, từ bán tranh đến bán quần áo, túi xách, chăn, của Fiorenza đạt gần 15.000 USD.
Gatti cũng nhờ đó ngày càng nổi tiếng. Tháng 12/2021, cô thiết kế đồ với hình gấu và báo xanh cho Mt. Joy, ban nhạc yêu thích của cô. Ban nhạc này cũng tự tìm tới Gatti sau khi thấy hình vẽ của cô trên Instagram. Đến tháng 2, tức chỉ sau hai năm rưỡi làm kinh doanh, cô bán được bản vẽ thứ 1.000 của mình và có 100.000 người theo dõi trên Instagram.
Tuy nhiên, Gatti cho rằng bản thân vẫn còn nhiều điều phải học hỏi. “Đó là học hỏi thông qua sự thử nghiệm và sai lầm. Có lần, tôi tìm một nhà cung cấp hoặc nhà in mà tôi thích để làm áo len. Tôi cắn răng mà chi hàng nghìn USD để làm một món đồ nào đó nhưng rồi kết quả không theo cách tôi muốn. Những quyết định kinh doanh khó khăn đó vẫn khiến tôi cảm thấy sợ hãi”, cô nói.
Gatti cho biết cô cũng phải học cách thương lượng với khách hàng, đôi khi là từ chối giao dịch với các thương hiệu nếu cảm thấy lời đề nghị của họ không đáng với công sức của cô. Đôi khi bản thân Gatti cảm thấy không thể sáng tạo và giải pháp duy nhất mà cô ấy tìm đến là vẽ một thứ gì đó mỗi ngày. Sau khi hoàn thành công việc toàn thời gian vào lúc 5 giờ chiều mỗi ngày, cô ấy sẽ vẽ đến 21 giờ hoặc 22 giờ.
Và việc này đã mang lại kết quả ngoài mong đợi của Gatti: Fiorenza có lãi. Gatti từng kỳ vọng một ngày nào đó có thể cống hiến toàn thời gian cho Fiorenza, song giờ đây cô lại không có ý định rời bỏ công việc hiện tại của mình. Cô cho rằng việc trở thành giám đốc nghệ thuật tại một thành phố lớn là mơ ước thời trung học và đại học của cô.
“Nếu tôi có thể thức dậy và vẽ thì đó là một ngày tuyệt vời, vì tôi biết mình đang được làm thứ khiến bản thân cảm thấy mãn nguyện. Ở độ tuổi như tôi, bạn sẽ luôn cố gắng tìm ra bước đi tiếp theo cũng như mục đích sống của mình. Làm điều tôi yêu thích là cách để tôi giảm bớt áp lực mỗi khi đi tìm câu trả lời cho những dấu hỏi đó”, Gatti chia sẻ.
Nguồn: https://ndh.vn/lam-giau/co-gai-24-tuoi-thu-ve-32-000-usd-thang-tu-cong-viec-lam-them-1315139.html