Cơ hội xóa bỏ tệ nạn bằng giả

Hồ Bất Khuất/ Báo Tuổi Trẻ

—–

Cha ông ta từ nghìn năm xưa đã lấy việc học làm trọng, cho nên mới dựng bia tiến sĩ để ghi danh nhũng người đỗ đạt. Ai qua được các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình thì cứ tuần tự mà được bổ nhiệm làm quan, bất kể con ai cháu ai, không thân thế, không chủ nghĩa lý lịch.

Cho nên, gian lận trong thi cử là bị xử ý rất nghiêm.

Kỳ thi Hương năm 1696 Ngô Sách Tuân làm phó chủ khảo, giúp con trai của Lê Hy là Tham tụng, một chức quan đầu triều. Sau khi bị phát hiện, triều đình khép Ngô Sách Tuân vào tội chết. Nhiều vị quan liên quan bị xử phạt và cách chức.

Khoa Thi Hội 1775, Lê Quý Đôn điều đình với học trò của mình là Đinh Thì Trung đổi quyển cho con mình là Lê Quý Kiệt. Kết quả Kiệt đậu Thủ khoa. Sau khi vụ đổi quyển bị phát hiện, Đinh Thì Trung bị kết phải tội lưu đi Yên Quảng (nay thuộc Quảng Ninh), Quý Kiệt bị giam cấm ở ngục Cửa Đông rồi bắt phải trở về làm dân. Lê Quý Đôn là bậc đại thần, nên không bị xét tội. Tuy nhiên, một bậc đại thần danh tiếng như Lê Quý Đôn đã bị một vết dơ thiên thu không rửa sạch.

Điểm lại chuyện xưa để nói chuyện nay, các vụ gian lận thi cử, bằng cấp mua bán là do xử phạt không nghiêm. Nếu như xử như vụ Ngô Sách Tuân, Đinh Thì Trung, thì không ai dám làm càn làm quấy.

Như vụ Đại học Đông Đô, chịu đau một lần, mạnh dạn công khai danh tính và xử lý tất cả những người mua bằng ngôn ngữ Anh giả để làm gương.

Trần Quí Thanh

—–

Pháp luật đã quy định cụ thể, chịu đau đớn một lần, công khai danh tính những người sử dụng bằng giả dù họ là ai và xử lý theo pháp luật. Vấn đề là các cơ quan chức năng có muốn làm và dám làm hay không?

Pháp luật đã quy định cụ thể về việc xử lý tội sử dụng bằng giả, vấn đề là các cơ quan chức năng có muốn làm và dám làm hay không.

Mấy hôm nay dư luận quan tâm vụ việc Trường đại học Đông Đô cấp hàng trăm bằng ngoại ngữ giả. Những người sai phạm trong việc cấp bằng bị xử lý hình sự là đương nhiên, còn những người sử dụng bằng giả để làm việc và thăng tiến thì xử lý thế nào?

Đây là vấn đề đang rất cần câu trả lời.

Theo tôi, việc có ý nghĩa đầu tiên là cần phải làm rõ ai là những người sử dụng bằng giả của Trường đại học Đông Đô vào quan lộ của mình. Rất hay là cơ quan điều tra đã nắm được có 60 người sử dụng để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ hoặc thi nâng ngạch viên chức, công chức…, trong đó có cả người “có uy tín”.

Phải nói ngay rằng hầu hết những người sử dụng bằng này biết rõ đây là bằng giả vì họ không qua tuyển sinh, không học hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng. Hành vi sử dụng bằng giả để trục lợi hoàn toàn đủ căn cứ xử lý hình sự về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý cán bộ theo quy định, chứ không nói rõ phải công khai danh tính những người đó. Trong khi đó, chúng ta đặc biệt quan tâm đến danh tính của những người này vì họ có thể sử dụng bằng giả để “leo cao, luồn sâu” vào những cơ quan công quyền.

Pháp luật nước ta đã quy định cụ thể về việc xử lý tội sử dụng bằng giả, vấn đề là các cơ quan chức năng có muốn làm và dám làm hay không.

Nếu làm, có thể một số đã và đang trong quy hoạch giữ những chức vụ quan trọng sẽ lộ mặt, mất uy tín; cả những người có trách nhiệm trong việc tổ chức cán bộ cũng phải chịu trách nhiệm, bị ảnh hưởng. Việc mất một số cán bộ sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, nếu không công khai danh tính những người sử dụng bằng giả khi mà vụ việc đã rõ ràng thì ảnh hưởng xấu lớn hơn rất nhiều.

Thứ nhất, dư luận có lý do để tin rằng sử dụng bằng giả vẫn được nương nhẹ, dẫu có bị phát hiện vẫn được che chắn.

Thứ hai, chuyện học thật sẽ bị nghi ngờ về chất lượng vì người không học, sử dụng bằng giả vẫn làm việc, vẫn thăng tiến.

Và thứ ba: tính nghiêm túc, tính văn minh của xã hội ta sẽ bị nghi ngờ chỉ vì một vụ việc như vậy. Ba hệ lụy này là rất lớn, rất nghiêm trọng.

Vì vậy, chúng ta nên chịu đau đớn một lần, công khai danh tính những người sử dụng bằng giả (dù họ là ai) và xử lý theo pháp luật. Làm được việc này, chúng ta có cơ hội từng bước xóa bỏ sự giả dối của tệ nạn bằng giả vốn đã hoành hành với bao hệ lụy tiêu cực cho xã hội chúng ta.

 

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ

Link bài: Cơ hội…

https://tuoitre.vn/co-hoi-xoa-bo-te-nan-bang-gia-2020113008522626.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *