Có nhiều cách để đủ tiền tăng lương cao cho giáo viên

Trần Quí Thanh

Nguồn ảnh: Internet

—–

Kính gửi anh Trần Quí Thanh

Tôi là nhà giáo tầm tuổi anh, rất ngưỡng mộ anh, không phải vì anh giàu mà vì bản lĩnh văn hoá của anh. Chỉ riêng trang web này của anh cũng đủ biết bản lĩnh văn hoá của anh thế nào rồi.

Vì trang web có mục Chat với mọi người (Tôi đọc mục này đầu tiên) nên cũng mạo muội hỏi anh một điều: Vừa rồi QH quyết định tăng lương cho giáo viên ở mức cao nhất. Tôi nghĩ QH thực bụng muốn vậy nhưng thực lực thì e chưa thể có. Làm sao có thể tăng cho hơn triệu giáo viên với mức lương cao nhất? Hay nói khác đi, muốn có mức lương cho giáo viên như QH mong muốn thì cần phải làm thế nào, thưa anh?

Kính

Lê Huy Miễn (Hà Nội):mienhuyle1954@gmail.com

—–

Chào anh Lê Huy Miễn

Trước hết tui xin đính chính giúp anh một chút, Quốc hội chưa thông qua, mà tăng lương giáo viên ở mức cao nhất là đề xuất trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục của Bộ Giáo dục Đào tạo.

Nhưng tui nói thiệt bụng với anh Miễn, tui ủng hộ hai tay với đề xuất này.

Nhiều ngành khác có ý kiến rằng, ngành tui rất quan trọng như quân đội thì bảo vệ đất nước, công an cũng không thua chi quân đội, y tế thì chữa bệnh cho dân,  do vậy đã tăng thì ai cũng cao như nhau.

Nhưng chúng ta cần lưu ý một điều, “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đừng tranh ngôi vị số 1 này vô lý lắm.

Không có nền giáo dục tốt làm sao có chính khách, có bác sĩ, có tướng tá, có cảnh sát. Mở miệng là hô khẩu hiệu kinh tế tri thức, công nghiệp 4.0, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa, vây nếu không có giáo dục đỉnh cao thì làm sao tạo ra được các giá trị đó.

Đánh giặc bây giờ đâu phải hô xung phong với tầm vông và tre ngà mà là bấm nút, không học tới nơi tới chốn, có vũ khí tối tân cũng không biết đàng bấm, nói chi đến chế tạo. Công nghệ sinh học bây giờ làm thay đổi cả thế giới, không học thì thay đổi mình chưa xong nói chi thay đổi ai.

Cho nên, ưu tiên cho giáo dục là chuyện không cần bàn cãi.

Nhưng đau óc là tiền đâu ra để tăng lương cho giáo viên. Miếng bánh ngân sách chỉ có một, nếu tăng phần bên này sẽ xén bớt phần bên kia, nhưng là xén phần nào mới là quan trọng. Tui chỉ cách xén nhé.

Ngay trong ngành giáo dục, giảm biên chế ngay lập tức loại công chức, quan chức dư thừa. Lực lượng này không ít, chiếm quỹ lương rất lớn của ngành. Việc gì xã hội làm được thì giao cho xã hội làm , mời quý ông quý bà về nghỉ hoặc đi làm việc khác, ở lại chỉ là gánh nặng của ngân sách và cản trở phát triển. Cho nghỉ số này, sẽ dư ra một khoản để tăng lương.

Không bao cấp đào tạo tiến sĩ mà hãy để các trường, viện tự vận động, hợp tác quốc tế, các cá nhân tự thân tìm học bổng, sử dụng tiền nhà, vay vốn ngân hàng…Học xong, có tài năng, thu hồi vốn mấy hồi. Khoản này có chắc trong tay 14.000 tỉ đồng tương đương nửa tỉ đô la Mỹ.

Để tiết kiệm ngân sách thì phải thiết kế thêm các chính sách xã hội hóa giáo dục. Thêm một trường tư thục mở ra là bớt đi một gánh nặng bao cấp giáo dục. Các nước văn minh như Mỹ, Úc đều có hệ thống đại học tư hùng mạnh. Các trường danh tiếng top 100 thế giới toàn là trường đại học tư.

Các trường tiểu học, trung học tư thục mở ra sẽ thu hút lực lượng giáo viên giỏi, trả lương cao như các trường Lương thế Vinh – Hà Nội, Nguyễn Khuyến – TPHCM…, thì tự khắc lương giáo viên cao. Các trường công lập thu hẹp lại thì quỹ lương dành cho giáo viên được tăng lên, đó là lợi ích của xã hội hóa.

Các cơ sở đào tạo của Nhà nước không hiệu quả như các trung tâm giáo dục thường xuyên thì nên “xã hội hóa” càng sớm càng tốt.

Có cách làm và làm chắc chắn được, vấn đề là có làm hay không mà thôi.

Cám ơn anh Miễn đã quan tâm đến trang web của tui.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tui: tranquithanh1953@gmail.com)

 

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *