Công cụ gì để giám sát quản lý công chức làm việc ở nhà?

Trần Quí Thanh

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho rằng nhiều lĩnh vực cán bộ, công viên chức Nhà nước có thể chỉ đến cơ quan 1-2 ngày mỗi tuần. Ảnh: Zing.

………………..

Thưa chú,

Vừa rồi đại biểu QH Ngọ Duy Hiểu đề xuất cho cán bộ làm việc ở nhà, chỉ đến công sở 1, 2 ngày. Nhiều người hoan hô, cho  đây là một cuộc cách mạng, chẳng những giảm tải giao thông mà còn giảm được thời gian vô dụng ở công sở. Cháu thì rất “quan ngại”  (Hi hi sao dạo này nhiều người thích dùng từ “quan ngại” thế không biết.)

Cháu muốn chú cho biết quan điểm của chú về vấn đề này.

Hoàng Minh Thanh (người chú không quen): thanh_minh_hoang14@yahoo.com

…………….

Cháu Hoàng Minh Thanh mến!

Thực ra ý tưởng của đại biểu Ngọ Duy Hiển không mới, nó chỉ nhắc lại những ý kiến đề xuất trước đây mà thôi.

Ai cũng biết để cán bộ công chức làm việc tại nhà thì tiết kiệm điện nước, điện thoại của cơ quan, xăng xe đi lại của cá nhân, giảm ùn tắc giao thông cho xã hội. Những cái lợi đó đong đếm được, nhưng vấn dề là giám sát, quản lý nhân viên và công việc như thế nào?

Yêu cầu con người tự giác, nhưng muốn con người tự giác thì phải có công cụ quản lý, có cơ chế kiểm tra và có chế tài xử phạt nếu không tự giác. Kêu gọi chung chung thì vô ích, không bao giờ có sự tự giác theo kiểu ghe theo lời kêu gọi. Đừng tưởng Tây họ tự giác hơn ta, họ tự giác là vì không thể không tự giác. Do có chế quản lý tốt, dần dần thành thói quen, thành nếp mới tự giác được.

Cán bộ, công chức của mình đến cơ quan, có thủ trưởng, có đồng nghiệp giám sát nhau, thế mà vẫn cứ mở máy tính chơi game, chơi face, hoặc pha trà ngồi tám chuyện hoa hậu, ca sĩ, showbiz. Nếu cho họ ở nhà làm việc thì chẳng khác gì trả lương cho những người ở không.

Trình độ quản lý của chúng ta quá lạc hậu mà tính đến cho cán bộ công chức làm việc ở nhà thì chẳng khác chi tập đi chưa xong đã đòi chạy.

Ngay các công ty tư nhân, quy định nhân viên làm việc không được mở internet, trừ những người có công việc liên quan, còn lại chú tâm vào chuyên môn, không face, không chát chít. Họ phải đi làm đúng giờ, nghỉ đúng giờ, có chấm vân tay theo dõi. Quản lý như vậy còn chưa ăn thua đó cháu.

Cũng có trường hợp công ty tư nhân cho nhân viên làm việc nhà, nhưng đó là những trường hợp đặc biệt, họ là chuyên gia thực hiện các gói dịch vụ, sản xuất chương trình, viết phần mềm, viết đề án. Giao việc có thời hạn, nghiệm thu theo cam kết chất lượng sản phẩm.

Còn cán bộ công chức của bộ máy hành chính hiện nay, cho làm việc ở nhà thì lấy gì định lượng hiệu quả công việc, lấy gì để giám sát, quản lý nhân sự? Chú chưa thấy điều này.

Theo chú, trong điều kiện của Việt Nam, khoan hãy đưa ra sáng kiến làm việc ở nhà, mà điều trước tiên là cắt giảm gấp bộ máy.

Theo TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nay VN có 2,8 triệu công chức, viên chức, cộng với số người hưu trí, hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách khoảng 7,5 triệu người. Toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách lên tới 11 triệu người bằng 11,5% dân số. Vậy thì làm cách gì để quản khi cho về nhà làm việc.

Hãy cắt khoảng ¾ số người này thì tự khắc mang lại hiệu quả cho đất nước, tiết kiệm tới hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm, cần chi tính đến làm việc ở nhà.

Chúc cháu vui, có gì cứ mạnh dạn trao đổi với chú.

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

 

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *