Hải Linh / Zing News
Suốt hàng thập kỷ, người dân Nhật Bản vốn quen với việc giá cả hầu như không bao giờ thay đổi. Song, tình trạng lạm phát trong thời gian gần đây đã khiến họ đối mặt với cú sốc lớn.
Với một đứa trẻ lớn lên ở Nhật Bản, mọi thứ dường như rất hiếm khi trở nên đắt đỏ hơn, bà Mariko Oi, phóng viên BBC, chia sẻ. Trong nhiều năm sinh sống tại xứ sở hoa anh đào, bà luôn dễ dàng mua được bữa trưa yêu thích chỉ với đồng 500 yen (tương đương 3,9 USD).
“Giá cả vẫn như vậy cho đến năm 2021. Giá giày hay quần áo cũng rất ít khi thay đổi”, bà viết.
Điều này có thể tạo ra sự ổn định cho người dân Nhật Bản. Tuy nhiên, khi giá các vật dụng hàng ngày không tăng, người dân cũng sẽ không chủ động tiêu tiền. Đổi lại, các công ty phản ứng bằng cách không tăng lương, làm giảm nhu cầu tiêu dùng và giá cả.
“Nếu nhận thấy bản thân không thể được tăng lương, chúng ta sẽ không vội vàng đi mua sắm thường xuyên”, bà Mariko Oi cho biết.
Nhìn chung, điều này làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả đất nước – một vòng luẩn quẩn mà Nhật Bản đã mắc kẹt trong nhiều thập kỷ.
Sự giàu có trì trệ
Trong khi nhiều nước ở châu Á nhanh chóng trở nên phồn thịnh hơn, sự giàu có của Nhật Bản lại có phần trì trệ. Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của Nhật Bản vẫn giữ ở mức tương tự những năm 1990. Đến năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong nhiều thập kỷ, ngân hàng trung ương đã cố gắng kích thích tăng trưởng kinh tế, khiến người Nhật “chi tiêu, đầu tư nhiều hơn, giúp tăng tiền lương và giá cả”, bà Nobuko Kobayashi, từ công ty EY-Parthenon, chi nhánh tư vấn chiến lược toàn cầu của Ernst & Young, giải thích.
Giá cả nhiều mặt hàng tại Nhật Bản tăng vọt sau nhiều thập kỷ. Ảnh: Freepik. |
Vào tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 2,1%, đủ để mức lạm phát năm nay cuối cùng sẽ đạt mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, sau 3 thập kỷ gần như không tăng.
Tuy nhiên, tiến triển này không liên quan gì đến chính sách kinh tế trong nước. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí nhập khẩu cao hơn, giá nguyên liệu và năng lượng tăng trên toàn cầu, dưới ảnh hưởng của đại dịch và chiến sự ở Ukraine.
Bà Kobayashi thậm chí còn cảnh báo mức tăng này có thể đánh dấu “sự khởi đầu của lạm phát xấu, vì tiền lương vẫn chưa tăng”. Trên thực tế, mức lương trung bình hầu như không tăng trong hơn 3 thập kỷ qua, vì vậy, mọi thứ sắp trở nên “đau đớn” đối với người tiêu dùng.
Trong thời kì hậu Covid-19, nhiều chính phủ đang phải vật lộn với giá cả và chi phí sinh hoạt tăng cao. Đó là một cú sốc lớn đối với Nhật Bản – nơi mọi người đã quen với giá cả ổn định trong nhiều thập kỷ.
Khi giá món ăn vặt hàng ngày umaibo của Nhật Bản tăng 20%, sau 43 năm dao động ở mức giá 0,075 USD, nó đã gây ra một làn sóng chấn động khắp cả nước. Vì với một đất nước đặt niềm tin vào chia sẻ gánh nặng xã hội, việc tăng giá đã trở thành điều cấm kỵ.
Sự thay đổi này nghiêm trọng đến nỗi Yaokin, công ty sản xuất món ăn vặt nổi tiếng nói trên, đã phải khởi động một chiến dịch quảng cáo giải thích lý do phải tăng giá.
Song, tình trạng giá cả leo thang là không thể tránh khỏi. Mọi sản phẩm, từ sốt mayonnaise, đồ uống đóng chai đến bia đều trở nên đắt đỏ hơn. Theo ngân hàng dữ liệu Teikoku, giá của hơn 10.000 thực phẩm sẽ tăng trung bình 13% trong năm nay.
Tiến thoái lưỡng nan
Ngân hàng trung ương Nhật Bản dường như đang kẹt giữa những lựa chọn thực sự khó khăn. Để kiềm chế việc giá cả tăng vọt, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã phản ứng bằng cách tăng dần lãi suất. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Nhật Bản đã giữ lãi suất ở mức đáy trong nhiều năm.
Nếu có sự chênh lệch đáng kể giữa lãi suất của Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác, chẳng hạn Mỹ, đồng yen sẽ suy yếu mạnh. Đồng tiền này gần đây vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm so với USD.
Ông Takeshi Niinami, Giám đốc điều hành của Suntory Holdings. Ảnh: BBC. |
Đồng yen yếu hơn có nghĩa các mặt hàng nhập khẩu, chủ yếu là dầu và khí đốt, thậm chí sẽ có giá cao hơn.
“Người tiêu dùng không quen với việc chấp nhận lạm phát”, ông Takeshi Niinami, Giám đốc điều hành của Suntory Holdings, cho biết.
Công ty này đã thông báo sẽ tăng giá hầu hết dòng sản phẩm từ tháng 10 để có thời gian thảo luận với các nhà phân phối. Ông Niinami đặt vấn đề với họ rằng quyết định tăng giá xuất phát từ sự sụp đổ chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra bởi đại dịch và các đợt phong tỏa gần đây của Trung Quốc.
“Nhìn chung, (việc tăng giá) đã được chấp nhận. Nhưng vẫn còn một thách thức từ các nhà bán lẻ lớn”, ông nói.
Trong khi đó, một phần lý do đằng sau những nỗ lực của chính phủ Nhật Bản trong việc thúc đẩy lạm phát là việc tăng lương.
“Có áp lực rất lớn từ xã hội và chính phủ về việc tăng lương, nhưng chúng tôi cần phải tăng năng suất. Và rất khó để tăng năng suất một cách đột ngột. Chúng tôi có quá nhiều công ty trong một ngành, vì vậy, phải có sự thống nhất”, ông nói.
Ông Niinami cũng cho rằng Nhật Bản cần đầu tư vào các lĩnh vực mới để kích thích nền kinh tế, tạo thêm việc làm mới để tăng mức lương trung bình, đồng thời tăng cường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, tất cả điều đó sẽ mất thời gian. Và yêu cầu tạo việc làm chỉ là một trong nhiều vấn đề mà Nhật Bản vốn đã phải vật lộn trong nhiều thập kỷ.
Nguồn: https://zingnews.vn/cu-soc-chua-tung-thay-voi-nguoi-tieu-dung-nhat-ban-post1324972.html