Cứng nhắc hay vô cảm

Đại Dương/ Báo Tiền Phong

Nguồn hình: scb.com.vn

—–

TP – Gói tín dụng 16.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc cho lao động nằm trong gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của Chính phủ có hiệu lực từ cuối tháng 4 năm nay.

Không chỉ có giá trị “hà hơi, thổi ngạt”, gói hỗ này còn mang giá trị tinh thần to lớn, là động lực giúp doanh nghiệp và người lao động nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên. Hy vọng vừa nhen nhóm, nhiều doanh nghiệp đã thất vọng khi phải đối mặt với những hàng rào thủ tục, quy định cứng nhắc đến mức vô cảm.

Mặc kệ sự kêu gào, cầu cứu của doanh nghiệp, nhiều tổ chức tín dụng vẫn khư khư với các quy định cũ rằng người vay phải có tài sản đảm bảo, phải có phương án kinh doanh tốt và không có nợ xấu…

Những quy định này vốn đã quá khó với một doanh nghiệp trong điều kiện môi trường làm ăn bình thường, đừng nói đến trong tình hình dịch bệnh hoành hành với chất chồng khó khăn, doanh nghiệp phải cố gắng lắm mới trụ lại, không bị sụp đổ.

Đã thế, trong “trạng thái bình thường mới”, các rào cản về chính sách, thủ tục của Nhà nước không những không được dỡ bỏ hoặc hạ thấp, mà còn được gia cố, tôn cao hơn với các điều kiện khắt khe hơn, đặc biệt là yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh được mình đang gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, cụ thể là không có doanh thu hoặc nguồn tài chính để trả lương cho người lao động. Hồ sơ thủ tục tài chính phức tạp nên việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ của cơ quan nhà nước chưa thống nhất gây khó cho doanh nghiệp lập hồ sơ vay vốn.

Khôi hài ở chỗ, khi không có doanh thu hoặc nguồn tài chính để trả lương cho người lao động, nghĩa là doanh nghiệp đã rơi vào trạng thái “chết lâm sàng”, thì còn gì và cần gì để chứng minh? Cái quý giá mà nhiều doanh nghiệp có được lúc này là vẫn một khát vọng cháy bỏng, là sự nỗ lực tột bậc để trụ vững và vươn lên. Đó là thứ quý giá mà không một tài sản đảm bảo nào có thể so sánh được. Tiếc là, điều đó lại không được các cơ quan quản lý nhà nước hay tổ chức tín dụng trân quý, lấy đó làm niềm tin để ký thác đồng tiền của mình, làm đồng tiền sinh sôi nảy nở.    

Vì những rào cản đó, cho đến nay vẫn còn rất ít doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng. Cũng vì thế, chiếc phao cứu sinh của Nhà nước đối với doanh nghiệp và người lao động, cho đến nay vẫn chưa phát huy được tác dụng. Điều đó cũng cho thấy một thực tế về bộ máy công quyền của chúng ta hiện nay “trên nóng, dưới lạnh”.

Cần hiểu rằng, ngân hàng – doanh nghiệp – người lao động là một thể cộng sinh, không thể tách rời. Cả ba thành tố này luôn có mối liên hệ chặt chẽ và có thể tạo thành hiệu ứng domino, theo đó doanh nghiệp sụp đổ, ngân hàng cũng không còn khách hàng và dĩ nhiên người lao động sẽ thất nghiệp. Và hiệu ứng domino khác lại tiếp tục diễn ra và lan rộng hơn, gây bất ổn xã hội.

Hơn bao giờ hết, cần phải dỡ bỏ những hàng rào xơ cứng như bao lâu nay của cả các tổ chức tín dụng lẫn của cơ quan quản lý nhà nước đối với gói hỗ trợ 16.000 tỷ mới đây để cứu hàng vạn doanh nghiệp và hàng triệu người lao động đang trong khó chồng khó.

 

NGUỒN:  Theo Báo Tiền Phong

Link bài: Cứng nhắc hay vô cảm

(https://www.tienphong.vn/toi-nghi/cung-nhac-hay-vo-cam-1708765.tpo)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *