Minh Hào/ Báo DNSG
Dịch bệnh tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp và đây cũng là cơ hội để họ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ theo xu hướng phát triển của thế giới.
Mô hình làm việc lai và linh động
Giãn cách xã hội liên tục và bất ngờ khiến các tổ chức không có lựa chọn nào khác ngoài việc đón nhận một mô hình làm việc lai (hybrid) và linh động (flexibility) nhằm duy trì hoạt động kinh doanh liên tục trong giai đoạn bình thường mới.
Theo báo cáo của IDC, đa số các doanh nghiệp tại Việt Nam (75%) tin rằng họ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu làm việc linh động do đại dịch Covid-19. Trong đó, máy tính xách tay và điện thoại thông minh là yêu cầu quan trọng cần đầu tư nhất. Do đó, trang bị công nghệ thích hợp để hỗ trợ nhân viên làm việc từ xa đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng suất lao động. Quyết định mua sắm máy tính xách tay, vì vậy cần được đánh giá lại để phù hợp với nguyện vọng của nhân viên, đặc biệt là thế hệ lao động trẻ với khả năng nhạy bén hơn về kỹ thuật số và có yêu cầu sắp xếp công việc linh hoạt hơn.
Chia sẻ tại toạ đàm “Làm sống lại doanh nghiệp thời khủng hoảng” tổ chức ngày 2/12/2020, ông Phó Đức Giang – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ an toàn thông tin PwC Việt Nam cho rằng, khi thói quen người tiêu dùng thay đổi, doanh nghiệp buộc phải thay đổi nếu muốn tồn tại trong điều khó khăn khăn này. Trong đó, họ phải đổi mới cách thức vận hành, quản trị lao động để có năng suất cao nhất. Doanh nghiệp có thể tổ chức mô hình làm việc lai và linh động. Và thay vì trang bị máy tính văn phòng, có thể trang bị máy tính xách tay để người lao động có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu giống như làm ở văn phòng.
Cơ hội chuyển đổi số
Hiện Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 211.000 doanh nghiệp nhỏ, hơn 382.000 doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ, và chỉ có khoảng 17.000 doanh nghiệp lớn. Nói là doanh nghiệp lớn nhưng số doanh nghiệp này đa số cũng chỉ ở dạng nhỏ của thế giới.
Suy thoái đến từ dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, thời điểm khó khăn cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp “trở mình” bằng việc ứng dụng các công nghệ chuyển đổi số. Theo chuyên gia Eric Lee, chuyển đổi số và bảo mật thông tin quản lý doanh nghiệp không chỉ là nhu cầu mà còn là giá trị cạnh tranh bắt buộc trong kỷ nguyên công nghệ thông tin 4.0. Đón trước xu hướng này, nhiều công ty máy tính xây dựng nền tảng cho giai đoạn chuyển đổi, vận hành và phát triển chuyển đổi số cho doanh nghiệp với các giải pháp máy tính, công nghệ tin cậy, đề cao tính linh hoạt, kết nối.
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVV cũng cho rằng điểm mạnh của doanh nghiệp Việt chính là khả năng thích ứng nhanh, nhạy bén với thị trường. Thêm vào đó, tỷ lệ doanh nghiệp trẻ cao sẽ dễ dàng đón nhận cái mới, kiên trì theo đuổi mục tiêu.
“Đừng nghĩ công nghệ là những gì cao siêu, đó chỉ là những ứng dụng thiết thực nhất cho doanh nghiệp. Và khi doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số phải trả lời được câu hỏi: có giúp thêm tiền hay không, có tiết kiệm chi phí hay không. Và phải tìm những công nghệ mang lại lợi nhuận mới đầu tư chứ đừng làm theo kiểu phong trào”, ông Thanh Sơn nói.
NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Link bài: Đã đến lúc…
https://doanhnhansaigon.vn/