Phạm Thành Nhân/ Báo Phụ nữ Tp HCM
Như một cây con không được chăm sóc thận trọng, một khi cây đã cứng cáp – đứa trẻ đã định hình nhân cách, ta chẳng làm sao uốn nắn được nữa.
Không phải đợi tới khi YouTuber Thơ Nguyễn đăng clip Kumanthong thì mạng xã hội video này mới bộc lộ hết sự nguy hại của nó đối với trẻ em. Kỳ thực, YouTube từ lâu đã là một chốn “giải trí” cực kỳ độc hại – nơi chúng ta phó mặc hoặc chủ động ném con em mình vào.
Với 8,76 triệu người đăng ký, kênh YouTube của Thơ Nguyễn vượt xa nhiều ngôi sao nổi tiếng của Việt Nam. Một ca sĩ đình đám như Sơn Tùng M-TP thì kênh cũng chỉ đạt 8,67 triệu người đăng ký, nghệ sĩ Trấn Thành chỉ có 4,76 triệu subscribers, rapper Đen Vâu chỉ có 3,43 triệu. Thậm chí một nhân vật từng làm mưa làm gió mạng xã hội video này là Bà Tân Vlog cũng chỉ có 4,07 triệu người theo dõi kênh. Rõ ràng, sức ảnh hưởng của Thơ Nguyễn là rất lớn trong khi đối tượng chính của cô là trẻ em.
Lâu nay, chúng ta vẫn nghĩ các nội dung cho trẻ em sẽ loanh quanh việc đọc truyện, làm đồ chơi, hát hò… Thực tế không phải vậy. Các video clip “dành cho trẻ em” hôm nay bao gồm livestream game, những thử thách có thể gây chết người hoặc nguy hiểm cho sức khỏe, những đoạn clip ta biết chắc là “xàm xí”, vô bổ, nhưng có thể khiến trẻ em thích vì lạ, vì “độc”, vì “ngầu”.
Làm thế nào Khá Bảnh thu hút một lượng fan lớn đến như vậy? Vì Khá dám làm những điều mà một đứa trẻ, một thanh niên bình thường không làm. “Giang hồ”, “dân chơi” vẫn là một cái thú, một giấc mơ tiềm ẩn trong những đứa trẻ mong được nổi loạn, được thể hiện, được vượt thoát khỏi những chuẩn mực thông thường.
Cần biết rằng, YouTube hôm nay không còn là chỗ vui chơi mà là chốn kiếm tiền. Tạo một kênh YouTube, người ta nhắm đến lượng người đăng ký để có thể thu tiền từ nguồn quảng cáo của YouTube. Và, trong bối cảnh người người tạo kênh, nhà nhà làm YouTuber thì cuộc kinh doanh buộc người ta phải cạnh tranh bất chấp để bù lại chi phí mua sắm trang thiết bị, thời gian, công sức đi quay clip.
Hãy nhìn cảnh các YouTuber chen chúc quay hình cho bằng được đám tang của cố nghệ sĩ Chí Tài, sẵn sàng chia sẻ lại hình ảnh cuối đời của anh dù gia đình không hề mong muốn và nghệ sĩ phát tán hình ảnh đó đã phải xin lỗi. Hãy thử liếc qua một kênh dành cho trẻ em, ta sẽ thấy có những clip thách nhau ăn mì gói trong… bồn cầu, dội nước lên đầu mẹ, phá bĩnh bạn bè…
Những màn đánh ghen, giết chóc động vật được dàn dựng chỉ để kéo lượt người xem. Chưa kể, YouTube hôm nay quy tụ một lượng lớn “lương y ba đời” với đủ thứ thuốc men không hề được kiểm định, những thầy lang tự phong với cam kết “chữa khỏi 100%” cả những loại bệnh mà “bác sĩ chê”.
Đã có quá nhiều cảnh báo về YouTube, chúng ta vẫn bỏ qua, vẫn trang bị điện thoại thông minh cho trẻ em và để mặc chúng xem gì chúng thích. Ai dám đảm bảo khi thoát khỏi đôi mắt giám sát của ta, trẻ sẽ vẫn xem đúng những nội dung ta đã thẩm định?
Đừng quên YouTube có thuật toán gợi ý và tự động phát các nội dung “liên quan” để giữ trẻ không rời mắt khỏi màn hình – thứ có lẽ cũng có một số phụ huynh muốn, để mình rảnh tay làm việc khác, để trẻ… chịu ăn cơm. Bạn có tin con mình sẽ mở YouTube và xem kênh em yêu khoa học hay dạy toán online? Đó chắc chắn là niềm tin ngây thơ và hoang đường nhất. Hãy thử mở lại lịch sử YouTube của con bạn, bạn sẽ thấy một sự thực khác đủ để sợ hãi.
Và trong lúc những phụ huynh ngây thơ tin con mình sẽ an toàn trên mạng hoặc bỏ mặc bọn trẻ thì cả cơ quan chức năng cũng ngoảnh mặt làm ngơ; có chăng chỉ là để ý tới chuyện làm sao thu thuế các kênh YouTube. Kết quả là chỉ khi “có chuyện” (thường là rất lớn), ta mới xử lý một, hai người theo kiểu bắt cóc bỏ dĩa. Chúng ta bỏ YouTube, “dịch kênh bẩn” tràn tới cả TikTok và những nền tảng ít phổ biến khác nhưng sự độc hại thì khủng khiếp hơn nhiều lần.
Những ngày qua, khi đoạn clip Thơ Nguyễn và kumanthong gây ồn ào dư luận, nhiều phụ huynh đã rủ nhau báo cáo (report) kênh này. Nhưng còn những kênh khác? Còn những YouTuber khác? Phải chăng cách xử lý của phụ huynh cũng là kiểu bắt cóc bỏ dĩa, khi mọi thứ đã quá ngưỡng chịu đựng?
Đã quá muộn để cứu con trẻ khỏi sự độc hại của mạng xã hội. Nhưng thà muộn còn hơn không, bởi nếu chúng ta tiếp tục bỏ mặc trẻ thơ, chúng ta sẽ mất luôn những đứa trẻ. Như một cây con không được chăm sóc kiên trì, thận trọng, một khi cây đã cứng cáp – đứa trẻ đã định hình xong nhân cách, ta sẽ chẳng làm sao uốn nắn được nữa. Khi ấy, hối hận đã muộn rồi.
NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp.HCM
Link bài: Đã quá muôn…
https://www.phunuonline.com.