“Đại dịch cô đơn” và thang đo nỗi đau nào ai thấu?

Trang Ly/ Báo Soha.vn

—-

Chúng ta tự nhốt mình trong chiếc lồng KẾT NỐI đầy đủ với WiFi, Internet, Smartphone nhưng lại NGẮT KẾT NỐI với những con người bằng xương, bằng thịt.

Một thế kỷ trước, phần lớn nhân loại không phải sống trong sự cô đơn. Trước thế kỷ 20, chỉ có 1% dân số thế giới sống cô đơn một mình. Vậy mà giờ đây, nhiều người tự khóa mình trong thế giới của riêng họ.

Chúng ta tự nhốt mình trong chiếc lồng KẾT NỐI đầy đủ với WiFi, Internet, Smartphone nhưng lại NGẮT KẾT NỐI với con người bằng xương, bằng thịt.

Vì đâu cuộc sống hiện đại khiến con người xa cách nhau đến vậy?

 

Sáng sớm ngày 27/12/1878, con tinh tinh cái tại Vườn Bách thú Philadelphia (Mỹ) chết vì biến chứng do cảm lạnh. Điều khiến những nhân viên sở thú không ngờ là cái chết của nó đã tác động rất sâu sắc đến con tinh tinh đực. Cả hai được đưa đến Vườn Bách thú Philadelphia khi còn rất nhỏ. Trải qua 4 năm sống cùng nhau trong lồng sắt tại vườn bách thú đầu tiên của Mỹ này, những tình cảm tưởng chừng chỉ xuất hiện ở người được thể hiện mạnh mẽ ở tinh tinh đực sau cái chết của con tinh tinh cái.

“Trong một thời gian dài, tinh tinh đực không ngừng lay gọi bạn mình dậy. Khi nỗ lực không được đền đáp, nó bắt đầu có những hành động điên cuồng, ngoài tầm kiểm soát. Nó la hét, bứt tóc, rồi lao đầu vào thanh sắt của chuồng thú, gục đầu xuống nền gỗ cứng lạnh buốt và… khóc. Những thanh âm đau đớn rên rỉ trong họng “ah-ah-ah-ah-ah” tựa hồ như trái tim nó đang vỡ vụn thành từng mảnh… Khi xác con cái được mang đi, con tinh tinh đực luôn ngủ trên xà ngang của chuồng thú. Nó sống trở lại bản năng vốn có của nó. Nó sợ hãi và cảm nhận những nguy hiểm vô hình khi thấy cảm giác cô đơn dấy lên trong lòng mạnh mẽ từng ngày qua ngày…”

Chưa từng có trường hợp nào như vậy được ghi nhận, người quản lý vườn bách thú Brown nhận xét khi viết trong báo cáo “Grief in the Chimpanzee” của mình.

Cô đơn là cảm giác đau buồn và xa cách. Con người chúng ta thuộc bộ linh trưởng. Từ khi sinh ra, chúng ta đã khát khao vòng tay yêu thương và sự gần gũi. Và rồi nếu có một ngày thiếu vắng đi cảm giác yêu thương ấy, chúng ta sẽ héo hon tựa mầm cây không có dòng nước.

Rồi, dần dần theo thời gian, điều tưởng như chân lý ấy đã đổi thay…

Thế kỷ 21.

Hơn một phần tư người Mỹ đang sống một mình. Nếu so sánh với các vùng khác của xứ sở cờ hoa này, tỷ lệ người sống một mình ở các thành phố hiện đại lớn hơn rất nhiều.

Năm 2017, Anh nhận báo cáo cho thấy khoảng 9 triệu người dân nước này luôn cảm thấy cô đơn. Trong khi đó, khoảng 200.000 người cao tuổi ở Anh đã không có một cuộc trò chuyện với bạn bè hoặc người thân trong hơn một tháng.

Cũng năm 2017, Vivek H. Murthy – Bác sĩ phẫu thuật, nguyên Tổng Y sĩ Mỹ (SGU) – đã tuyên bố một đại dịch mang tên “Đại dịch cô đơn”.

Năm 2018, sau báo cáo năm 2017, nguyên Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May đã chỉ định một bộ chuyên về vấn đề cô đơn. Người đương nhiệm là Bộ trưởng Tracey Crouch, bà sẽ giám sát những nỗ lực của chính phủ để giải quyết “vấn đề thực tế đáng buồn của cuộc sống hiện đại”.

“Cô đơn có thể hủy hoại một người. Nó được chứng minh là có tác hại cho sức khỏe nhiều hơn so với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.” – Mark Robinson, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Age UK Barnet (Anh), nói.

Smithsonian Magazine dẫn lời nhận định của giới khoa học cho thấy, cô đơn không chỉ là một cảm giác của một người, nó còn có tác động tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần và cảm xúc của người đó. Sự cô đơn kéo dài có thể dẫn đến các bệnh có hại cho sức khỏe như cao huyết áp, bệnh tim, viêm mãn tính và thậm chí mất trí nhớ. Nó tấn công tất cả mọi người bất kể tuổi tác, giới tính hay tình huống trong cuộc sống.

Để chẩn đoán tình trạng này, các bác sĩ tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ) đã đưa ra Thang đo Cô đơn, với các mức độ:

Tôi không thấy hạnh phúc khi làm nhiều thứ một mình.

Tôi không có ai để nói chuyện.

Tôi không thể chịu đựng được một mình.

Tôi có cảm giác không ai thực sự hiểu tôi.

Tôi không còn gần gũi với bất cứ ai.

Tôi không có ai để bầu bạn, làm tri kỷ

Tôi cảm thấy bị cô lập với những người khác.

Các nhà thần kinh học xác định sự cô đơn là một trạng thái của sự cảnh giác cao độ quá mức (Hypervigilance) – đây chính là trạng thái của tinh tinh đực sau khi mất bạn đời. Trạng thái này có nguồn gốc cách đây 52 triệu năm trước, trong giai đoạn giữa tổ tiên linh trưởng của loài người với giai đoạn săn bắn hái lượm trong quá khứ.

Phần lớn các nghiên cứu trong lĩnh vực này do Nhà thần kinh học xã hội John Cacioppo – Giám đốc Trung tâm Khoa học thần kinh Nhận thức và Xã hội tại Đại học Chicago (Mỹ) thực hiện.

Dành 21 năm nghiên cứu về lĩnh vực này, John Cacioppo được mệnh danh là “Tiến sĩ Cô đơn”. Trả lời phỏng vấn trên The Guardian (Anh) năm 2016 (2 năm trước khi ông qua đời), John Cacioppo nói: Cô đơn giống như một tảng băng trôi, nó lớn hơn và có tác động sâu sắc hơn những gì ta có thể thấy. Cảm giác cô đơn kéo dài (kinh niên) làm tăng 20% tỷ lệ tử vong sớm ở một người, một tác động tương tự béo phì, dù béo phì có thể không khiến cho một người đau khổ như cô đơn.

 

Trong cuốn sách “Together: The Healing Power of Human Connection in a Sometimes Lonely World” (2020) của nguyên Tổng Y sĩ Mỹ Vivek H. Murthy (tạm dịch: Kết nối: Sức mạnh hàn gắn con người trong một thế giới cô đơn), tác giả giải thích lý thuyết tiến hóa về sự cô đơn mà Nhà thần kinh học xã hội Mỹ John Cacioppo có công tìm ra nguồn gốc của cô đơn như sau:

Tập tính của linh trưởng là sống theo bầy đàn. Nếu bị tách khỏi đàn, linh trưởng lập tức cảm nhận sự nguy hiểm mơ hồ. Điều này đặc biệt đúng với con người. Khi một người đột nhiên ở một mình hoặc ở với người lạ, trạng thái cảnh giác cao độ quá mức (Hypervigilance) sẽ xuất hiện, giống như cơ thể rung lên hồi chuông báo động cho trường hợp khẩn cấp.

Càng qua nhiều thiên niên kỷ, Hypervigilance dần được đưa vào hệ thần kinh của chúng ta để phù hợp với nỗi lo lắng liên quan đến sự cô đơn mà một người cảm nhận. Khi đó, chúng ta sẽ thở gấp, tim đập nhanh, huyết áp tăng và khó ngủ. Bản năng khiến chúng ta có những hành động phòng thủ, thậm chí ngoài tầm kiểm soát. Điều này vô hình chung khiến họ xa lánh hoặc xua đuổi ngay cả với những người đang muốn ở bên để giúp đỡ mà không biết rằng, đó là lúc CON NGƯỜI CẦN CON NGƯỜI NHẤT.

 

Dù sao đi nữa, con người vẫn cần con người nhất. Ảnh minh họa: Internet

‘Tảng băng trôi’ của nỗi cô đơn là gì? Vivek H. Murthy lập luận, cô đơn nằm sau hàng loạt vấn đề gồm: Lo lắng, lãnh đạm, bạo lực, sang chấn tâm lý, phạm tội, tự tử, trầm cảm.

Cảm giác cô đơn đôi khi còn giống với cảm giác “vô gia cư”. Vô gia cư ở đây không bàn đến chuyện có hay không có một ngôi nhà hiện hữu, bởi, bạn hãy nhớ lại mà xem: Nhà có thể là ở bất cứ đâu, quan trọng là khi đó ta đang ở bên cạnh ai.

Bạn có thể cảm thấy như đang ở nhà khi tụ tập với bạn bè thân thiết, hay thấy thoải mái như ở nhà với đồng nghiệp khi ở nơi làm việc yêu thích, hay ở bất cứ nơi đâu trên thế giới khi cùng người yêu đi du lịch.

“Nhà” ở đây là cảm giác của sự sum vầy, tròn vẹn. Còn cô đơn, chính là cảm giác không có nơi đâu là nhà, dù cho bạn có đang ở trong chính ngôi nhà của mình. Đó là cảm giác “vô gia cư” đau khổ nhất của một người khi nhận thấy mình đơn độc thực sự trên thế gian.

“Tôi đã gặp những người cô đơn, họ cảm thấy “vô gia cư” ngay tại chính ngôi nhà của mình. Có lẽ, thứ họ thiếu là một mái ấm, hội đủ tình yêu, sự quan tâm và cần nhau giữa những con người trong ngôi nhà đó.” – Vivek H. Murthy viết trong cuốn sách của ông.

Đây là một bản cáo trạng cho cuộc sống hiện đại của con người chúng ta.

Trong cuốn sách “A Biography of Loneliness: The History of an Emotion” (tạm dịch: Tiểu sử nỗi cô đơn: Lịch sử của cảm xúc) của mình, nhà sử học Anh Fay Bound Alberti định nghĩa: “Cô đơn là một cảm giác, nhận thức về sự ghẻ lạnh hoặc tách biệt xã hội khỏi những người có ý nghĩa khác”.

Fay Bound Alberti phản đối ý tưởng cho rằng cô đơn là vấn đề xuyên thời đại. Bà lập luận, tình trạng này thực sự không tồn tại trước thế kỷ 19, ít nhất là không ở dạng mãn tính.

Cách đây rất lâu, những người góa phụ, người nghèo khổ, bệnh tật đầy mình… có thể họ không cô đơn bởi họ có thể còn có người khác ở bên. Cô đơn thực sự là khi tồn tại mà không được sống cùng những người thân quen khác. Tất nhiên, bậc quân vương có thể thấy cô đơn nhưng đó là vị trí của một người đứng trên cao tất thảy. Nhưng đối với những thường dân khác, trong cuộc sống hàng ngày của họ phải có ‘mạng lưới’ các mối quan hệ thể hiện sự ràng buộc, yêu thương, tương trợ lẫn nhau.

Từ “cô đơn” rất hiếm khi xuất hiện bằng tiếng Anh trước năm 1800. Robinson Crusoe chỉ có một mình, nhưng không bao giờ thấy cô đơn.

Còn cô đơn thời hiện đại dần phát triển cùng với chủ nghĩa cá nhân và quyền riêng tư gia tăng.

Trước thế kỷ 20, chỉ có 1% dân số thế giới sống một mình. Con số đó bắt đầu tăng lên vào khoảng năm 1910 do quá trình đô thị hóa, tỷ lệ sinh giảm và quá trình thay thế gia đình truyền thống, nhiều thế hệ bằng gia đình hạt nhân.

Trong suốt nửa thế kỷ qua, con người bắt đầu “trỗi dậy” mong muốn sống một mình. Từ năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, số lượng lớn người dân ở mọi lứa tuổi, ở mọi nơi đã bắt đầu quen và ổn định với cuộc sống một mình.

Bắt đầu từ những năm 1990, tỷ lệ hộ gia đình độc thân tăng với tốc độ cao hơn nhiều, do tỷ lệ ly hôn cao, tỷ lệ sinh vẫn giảm và tuổi thọ kéo dài hơn tất cả. (Sau khi gia đình hạt nhân trỗi dậy, người già bắt đầu sống một mình, phụ nữ sống ly hôn với chồng).

Đây không phải là một hiện tượng đặc biệt của Mỹ. Sống một mình phổ biến hơn ở nhiều nơi khác trên thế giới, bao gồm Scandinavia, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Úc và Canada, và nó đang gia tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil trong những năm gần đây.

Và rồi, sự giam cầm dần lan rộng khắp toàn cầu như “Đại dịch cô đơn” mà nguyên Tổng Y sĩ Mỹ Vivek H. Murthy đã nói.

Quay trở lại với câu chuyện về tinh tinh đực. Nếu như phải sống cô độc một mình, bạn có bứt tóc không? Có lao vào song sắt rồi đau đớn gục đầu xuống nền nhà buốt lạnh không? Có mất kiểm soát và khóc than hay không?

Câu trả lời, để bạn tự ngẫm, nhé!

Bài viết sử dụng nguồn: The New Yorker, Smithsonian Magazine, The Guardian

NGUỒN:  Theo Báo Soha.vn

Link bài: “Đại dịch cô đơn”….

(https://soha.vn/nghich-ly-thoi-hien-dai-dai-dich-co-don-va-thang-do-noi-dau-nao-ai-thau-20200405103412202.htm)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *