Đào tạo tiến sĩ thứ thiệt rất khó, sử dụng hiệu quả còn khó hơn

Lê Thanh Phong/ Báo Lao Động

Một buổi lễ nhận bằng tiến sĩ. Ảnh: LĐO

Đề án 89 về “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030” rất được dư luận quan tâm. Bởi lẽ, trước đó đã có hai đề án tương tự, cũng đào tạo tiến sĩ, nhưng không thành công.

Mới đây, Bộ Tài chính công bố dự thảo hướng dẫn cấp cho giảng viên làm nghiên cứu tiến sĩ ở nước ngoài là 25.000 USD/năm, mức sinh hoạt chi phí cao nhất là 1.300 USD/tháng.

Chuyện tiền nong là phải rõ ràng, cho nên Bộ Tài chính đưa ra định mức khung để quản lý, chuyện đủ thiếu còn có thêm bù dắp của cá nhân. Bởi vì có nhiều ngành, nhiều trường có mức học phí rất cao, ngân sách không lo hết được.

Tui xin không bàn về đề án 89 sẽ có hiệu quả như thế nào, chỉ hy vọng ngành giáo dục rút kinh nghiệm của hai đề án 322 và 911 để triển khai đề án đạt được mục đích của ngành và của đất nước.

Đạt được mục đích là cử người đi nghiên cứu tiến sĩ phải là người có chân tài thực học, để không lãng phí thời gian và tiền bạc. Việt Nam có đội ngũ tiến sĩ đông nhưng không có nhiều tinh hoa, là vì thiếu cái thực và lắm cái hư danh. Đã đến lúc đào tạo nhân tài và loại trừ những thứ không thực chất.

Khi đã có nguồn nhân lực tạm gọi là nhân tài thì phải sử dụng đúng người đúng việc. Người có thực học thì phải được trọng dụng, để khai thác được trí tuệ, học vấn, chuyên môn của họ tối đa, giúp ích cho xã hội.

Nếu tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài về cũng xếp hàng theo kiểu trước sau, sống lâu lên lão làng, không dám mạnh dạn giao trong trách, thì cũng là sự lãng phí.

Làm xong tiến sĩ  ở các trường đại học không có nghĩa là kết thúc, mà phải luôn tiếp cận với kiến thức mới, công nghệ mới. Vậy thì, phải tạo ra môi trường, điều kiện và không gian khoa học để các nhà khoa học nghiên cứu.

Trần Quí Thanh

—–

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án 89, theo đó mức học phí tối đa được cấp cho giảng viên làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ngoài là 25.000 USD/năm. Mức chi sinh hoạt phí cao nhất là 1.300 USD/tháng.

Liên quan đến nội dung trên, có nhiều ý kiến trái chiều, Bộ Tài chính cần lắng nghe để xem xét, điều chỉnh. Hỗ trợ kinh phí để người có năng lực đi học nước ngoài là cần thiết, nhưng học hiệu quả không, học về rồi có được trọng dụng hay không?

Thực tế cho thấy, có nhiều địa phương đã triển khai thực hiện các đề án “bao cấp” này và ai cũng thấy rõ là hiệu quả không cao.

Nhà nước chi ra một khoản tiền lớn để đào tạo nhân tài, nhưng chưa chắc đã có nhân tài sau khi đào tạo. Nhiều người bỏ học nửa chừng, học xong bỏ đi làm nơi khác không về phục vụ cơ quan cũ. Kiện cáo ra tòa để thu hồi tiền đầu tư cũng là sự tốn kém và lãng phí. Còn có trường hợp “nhân tài” về ngồi chơi xơi nước, không bố trí đúng người đúng việc.

Liên quan đến đào tạo nhân tài trong lĩnh vực giáo dục, cũng từng có hai đề án 322 và 911, nhưng nói thẳng là không hiệu quả.

Ví dụ, Đề án 322 “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”, dự định diễn ra trong 5 năm (2000 – 2005) nhưng sau đó kéo dài 10 năm với tổng kinh phí hơn 2.500 tỉ đồng. Kết quả là, số tiến sĩ tốt nghiệp chỉ chiếm 50% số gửi đi học. Còn học xong về nước có phục vụ như cam kết hay không chưa tính tới.

Trở lại với đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030” (Đề án 89), cần tính lại cách làm để đạt được mục đích và tiết kiệm ngân sách, không nên đi theo cách cũ.

Đó là cách tuyển chọn cán bộ có năng lực thực sự, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, để hoàn thành được chương trình đào tạo với tỉ lệ cao.

Đó là có hợp đồng pháp lý ràng buộc chặt chẽ, để hạn chế tối đa các trường hợp bỏ học, hoặc học xong bỏ việc.

Người có thực học về nước phải được trọng dụng, có môi trường cho họ phát huy sở học và tiếp tục nghiên cứu.

Ngoài việc cử giảng viên đi đào tạo tiến sĩ, rất cần có cơ chế tuyển dụng tiến sĩ trực tiếp. Người có bằng tiến sĩ ở các trường đại học có thứ hạng cao ở nước ngoài, có thể được tuyển dụng giảng dạy ở trường đại học trong nước. 

Đất nước 100 triệu dân, nhân tài trong xã hội không thiếu, tại sao không tuyển trực tiếp như vậy cho nhanh và hiệu quả, có nguồn nhân lực ngay lập tức, không cần kéo dài thời gian đi học.

Cách làm này không tốn kinh phí đào tạo, nhưng phải có sự đãi ngộ tương xứng mới giữ được chân người giỏi. Lương ba đồng ba cọc thì không thể có được tiến sĩ thứ thiệt, chỉ là tiến sĩ “giấy” hay tiến sĩ lò ấp. 

NGUỒN:  Theo Báo Lao Động

Link bài: Đào tạo…

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dao-tao-tien-si-thu-thiet-rat-kho-su-dung-hieu-qua-con-kho-hon-978275.ldo

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *