Phan Tuyết (Giáo viên)/ Báo VTC News
—–
Áp lực từ dư luận, sự đe dọa của phụ huynh khiến thầy cô đôi khi thấy trò hư không dám răn, thấy trò hỗn hào phải giả câm giả điếc dạy cho hết tiết rồi bước ra.
Nếu như trước kia, nghề giáo luôn được xem là nghề sang trọng, cao quý thì ngày nay, ý nghĩa ấy đang dần mất đi khi nghề giáo đang bị bủa vây tứ phía, có thể xếp ngang nghề y về mức độ nguy hiểm và áp lực. Đó là áp lực đến từ ngành, từ dư luận xã hội, từ phụ huynh…
Chưa bao giờ giáo viên chúng tôi phải đối phó, đương đầu với nhiều khó khăn như vậy. Những điều tốt đẹp luôn được nhận sau vì nhiều nơi “giành phần”, những điều chưa tốt luôn trực tiếp đổ lên đầu thầy cô mặc dù nguyên nhân sâu xa lại không bắt nguồn từ đó.
Nói áp lực bủa vây thầy cô tứ phía chẳng sai. Ở trường, ngoài việc dạy, thầy cô còn phải chịu trách nhiệm về chất lượng học tập, đạo đức và sự phát triển nhân cách của các em.
Trăm dâu đổ đầu tằm. Học sinh học yếu, kém, người ta đổ tại thầy cô không biết dạy. Học sinh hư đánh nhau, vô lễ với người lớn, nói tục chửi thề… là tại thầy cô giáo dục chưa nghiêm. Trong khi đó, giáo viên lại chẳng có quyền gì trong tay. Dạy học sinh nhưng không được phép cho các em lưu ban. Thôi thì đủ kiểu để ban giám hiệu trách móc, nào là “thầy cô chưa cố gắng, chưa sử dụng biện pháp giúp đỡ kịp thời, phương pháp dạy chưa hiệu quả…” mặc dù họ thừa biết với những em đó, chính họ cũng chẳng thể thay đổi được gì.
Học sinh bị đẩy lên lớp vì thành tích của trường, vì các danh hiệu thi đua mà trường sẽ nhận… Rồi giáo viên lớp trên lại nhận “sản phẩm lỗi” từ lớp dưới. Và họ lại nỗ lực, lại cố gắng một cách vô ích, bởi gốc lung lay thì làm sao cây bền vững? Bi kịch cứ lặp lại như thế hết lớp này qua lớp khác.
Nhưng giáo viên lớp dưới bàn giao học sinh của mình cho lớp trên xong đâu đã hết trách nhiệm. Họ còn phải sống trong phập phồng lo sợ vì biết đâu lên cấp 2, nhà trường lại trả về học lại từ lớp 1 như một trường ở tỉnh Sóc Trăng từng làm, 5 giáo viên dạy em đó từ lớp 1 đến lớp 5 phải ra trước công luận để trả lời.
Lúc đó thì đừng mong gì ban giám hiệu đứng ra “đỡ đòn” cho nhé! Vẫn cái điệp khúc “vì chúng tôi tin tưởng giáo viên nên không kiểm tra mới để xảy ra tình trạng buồn như thế”. Và đương nhiên, họ chỉ nhận khuyết điểm vô trách nhiệm, kỷ luật khiển trách là cao. Còn giáo viên lại chẳng biết giải trình sao bởi bằng chứng rõ ràng là em ấy không biết đọc mà lại được lên lớp.
Học sinh chưa ngoan, nói tục, chửi thề, hay đánh nhau đến lủng đầu mẻ trán, tất cả tại thầy cô giáo dục chưa nghiêm. Trong khi đó, giáo viên mới chỉ buộc các em viết bản kiểm điểm, mời phụ huynh đã bị tố là giáo dục hà khắc. Như vậy giáo viên làm gì có quyền la nạt các em, đừng nói gì đến phạt. Sức ép dư luận đã khiến học sinh và phụ huynh ngày càng ngộ nhận rằng chỉ các em là đối tượng cần được bảo vệ, giáo viên không có quyền trừng phạt, khi có chuyện xảy ra thì giáo viên luôn sai.
Đã có không ít thầy cô bị phụ huynh xông vào trường đánh dã man, chửi rủa, mạt sát một cách thậm tệ. Từ đó, nhiều giáo viên hình thành tâm lý đối phó, cảnh giác, giữ an toàn cho mình mà không dám nghiêm khắc dạy dỗ học sinh, trẻ hư hỏng ra sao cũng không dám lên tiếng.
Nhiều cha mẹ xem con như ông hoàng, bà chúa. Họ cưng chiều con hết mực, muốn gì được đó. Thế nên, các em không chịu vào khuôn phép của nhà trường cũng là điều dễ hiểu. Dạy những đứa trẻ đó, giáo viên vô cùng áp lực. Không răn dạy, đưa các em vào nội quy, để “mackeno” thì có tội với lương tâm. Nhưng nghiêm khắc với trẻ thì dễ hứng tai bay vạ gió bất cứ lúc nào. Không ít giáo viên có tâm tư “một ngày trôi qua thấy bình yên là mừng, chưa biết ngày mai thế nào”.
Đau xót chi bằng cảnh là thầy cô mà đôi khi thấy trò hư không dám răn, thấy trò hỗn hào phải giả câm giả điếc để dạy cho hết tiết rồi bước ra.
Từng có học sinh chỉ mặt thầy cô nói rằng “may cho thầy vì bố tôi đi vắng, không thì sẽ chẳng tha cho thầy đâu”. Hay có phụ huynh còn lớn tiếng chỉ mặt cả hiệu phó rằng “cô có còn muốn ngồi cái ghế đó nữa không, chỉ một cuộc điện thoại của tôi là cô mất chức”…
Chưa bao giờ thầy cô cảm thấy bất an như bây giờ. Phụ huynh có thể hùng hổ xông vào lớp chỉ mặt, tạt tai, mắng thầy cô xối xả, gọi là con này thằng nọ, “mày dám đụng đến con ông bà hả”, “mày có đẻ ra nó không mà có quyền làm như thế?”… trước bao cặp mắt ngây thơ trong trẻo của đám học trò hoặc cái nhìn hả hê đầy thách thức của đám học sinh lớn hỗn láo. Có người chống lưng, không ít em chẳng còn coi giáo viên ra gì cả. Thích thì học, buồn thì cúp tiết, nghỉ học vô lý do, ngồi trong lớp quậy phá không cho bạn học…
Dư luận vốn khắt khe với nghề giáo. Họ đòi hỏi thầy cô quá nhiều nên bất cứ sơ suất nào cũng không được cảm thông mà luôn bị xã hội công kích. Nhiều người đã phải thốt lên đầy tâm trạng: “Thương thay nghề giáo! Bao giờ chúng tôi mới được cởi trói đây?”.
NGUỒN: Theo báo VTC News
Link bài: Đau xót…
https://vtc.vn/dau-xot-chi-