Phạm Thành Nhân/ Báo Phụ nữ Tp HCM
—–
Mấy hôm nay đọc báo, buồn vì những thông tin bạo lực dồn dập. Chỉ vì nghi ngờ bọn trẻ ăn trộm, người lớn lại có thể đánh đập tàn nhẫn.
Ngay cả khi bắt được tận tay đứa trẻ hay ai đó trộm cắp, tui tin chắc rằng, không bao giờ bạo lực có thể làm cho con người tốt hơn.
Chuyện này gợi nhớ lại nhân vật Jean Valjean trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo, chỉ ăn cắp một chiếc bánh mì mà bị tuyên án 5 năm tù. Và vì những lần trốn tù không thành mà án kéo dài đến 19 năm. Ổ bánh mì đắt giá nhất trên đời.
Nhà tù chỉ nuôi thêm lòng thù hận cho Jean Valjean, nhưng lòng từ bi của Giám mục Myriel lại dập tắt ngọn lửa hận thù trong ông.
Chỉ có sự quan tâm chăm sóc, lòng từ tâm, sự độ lượng, tình yêu thương mới cảm hoá được con người.
Lẽ tất nhiên, ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý theo pháp luật.
Trần Quí Thanh
—–
“Mắt đền mắt, răng đền răng”. Những bài học đạo đức, nhân ái sẽ thành vô nghĩa khi trẻ em lớn lên trong bạo lực, được nuôi dưỡng bằng bạo lực.
Sáng 1/4, do mâu thuẫn cá nhân, Q.K. – 15 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã dùng dao đâm gục em N.V.H.D. học lớp 8 cùng trường.
Đêm 31/3, hai đứa trẻ 14 tuổi leo rào vào Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TPHCM), bị bảo vệ phát hiện, bị lực lượng bảo vệ dân phố truy bắt, đưa vào phòng giám thị, bị đấm, đá, lên gối, giật chỏ.
Trước đó, sáng 27/3, một đoạn clip ghi lại cảnh nam sinh N.V.Q. (lớp 11, trú tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An) bị lột trần, trói tay, trùm đầu, đào hố “chôn sống”.
Chưa đầy một tuần, những hành xử bạo lực đã xảy ra khắp nơi, từ gia đình vào học đường và cả trong lực lượng chấp pháp. Học sinh dùng nón bảo hiểm và cả dao; bảo vệ dân phố tung những đòn đối phó với 2 đứa trẻ mà trong võ thuật, nhiều bộ môn đã cấm thi đấu. Người thân trong gia đình “chôn” con em như một biện pháp mạnh trừng phạt trẻ hư. Tất cả cho thấy sự bất lực của người lớn trong việc dạy dỗ trẻ nhỏ.
Cần biết rằng trẻ em học từ hành vi của người lớn nhiều hơn qua những lời dạy hoa mỹ, giáo điều khô khan. Khoa học cũng chứng minh, những đứa trẻ lớn lên trong môi trường bạo lực sẽ có khuynh hướng hành xử bạo lực.
Khi hình ảnh một nam sinh bị “chôn sống” lan ra, chúng ta đã dạy cho những đứa trẻ cách hành động ghê rợn. Khi một CSGT, một bảo vệ dân phố tung cú đá, trẻ em sẽ thấy việc đấm đá người khác là bình thường – người lớn làm được, chúng làm được. Khi những người lớn trong căn phòng giám thị đêm 31/3 không ngăn chặn bạo lực, trẻ em sẽ học cách đứng ngoài cuộc và… quay clip. Sự vô cảm đã được trao truyền như thế vào tương lai.
Ngày ông Nguyễn Hùng Trương (ông Khai Trí) qua đời, một nhà thơ tiếng tăm trên thi đàn Việt kể lại câu chuyện mình, thuở còn học sinh, từng đến hiệu sách Khai Trí và… ăn cắp sách, vì không có tiền mua. Kẻ cắp bị phát hiện, nhưng thay vì bị giao cho cảnh sát hay bị đánh, cậu học trò nhỏ được ông tặng luôn quyển sách, sau khi dạy cho cậu bài học về sự trung thực, lối sống thẳng ngay. Nhiều năm sau, khi đã thành danh, nhà thơ quay lại tìm ông Khai Trí, nhắc chuyện xưa, tri ân ông như một người thầy.
Ngày 17/3, Dick Hoyt qua đời ở tuổi 80. Ông được xem là một trong những người cha vĩ đại nhất thế giới, không phải vì đã làm điều gì cao siêu mà vì ông đã dành gần như cả cuộc đời mình cho đứa con trai bệnh tật. Rick Hoyt, con trai ông, bị chứng bại não và liệt tứ chi. Thay vì đưa con vào cơ sở chăm sóc đặc biệt, Dick Hoyt đã quyết định nuôi con, để con ông được ở cùng cha mẹ, như những đứa trẻ khác. Rick, dù bệnh, lại ước mơ được chạy marathon để gây quỹ giúp những đứa trẻ có hoàn cảnh giống mình. Vậy là, từ năm 1980, Dick Hoyt đã đẩy xe lăn cho con tham gia hơn 1.000 cuộc đua lớn nhỏ. Khi được hỏi về những khó khăn khi đồng hành cùng đứa con tật nguyền, Dick phản đối: “Không đúng, Rick đã cho tôi cơ hội được sống như một người cha. Tôi chỉ thấy rằng mình đã có một đứa con tuyệt vời”.
Từ chuyện nhà thơ ăn cắp sách đến chuyện Dick Hoyt, có thể thấy tình thương, lòng nhân ái hoàn toàn có thể uốn nắn một đứa trẻ, thậm chí có thể tạo ra phép mầu.
Trồng người như trồng cây. Ta chăm bón ra sao, uốn nắn thế nào, cây sẽ lớn lên như vậy. Đừng chỉ nhìn thấy những cú đấm, đá hôm nay. Hãy nghĩ về tương lai, khi những đứa trẻ ấy lớn lên. Bạn mong muốn con em mình sẽ sống trong môi trường thế nào, ở thời điểm 10 năm sau?
NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài: Dạy trẻ…
https://www.phunuonline.com.