ĐBSCL có biến mất vào năm 2100 ?

Kỳ Quang Vinh */TBKTSG


Biến đổi khí hậu toàn cầu đang và sẽ là vấn nạn lớn nhất cho nhân loại nói chung và ĐBSCL nói riêng. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

……………..
 
Câu hỏi nghe dễ sợ! Mà sợ thật chứ không phải chuyện chơi: “…theo nghiên cứu của dự án “Rise and Fall” của ĐBSCL thì đất lún tại đồng bằng là 10-30 mi li mét/năm. Như vậy, nước biển dâng và đất lún sẽ làm ĐBSCL chìm nhanh xuống đáy biển và đó phải là vấn đề mà tất cả chúng ta, cả nước thậm chí là thế giới, cần quan tâm giải quyết ngay từ bây giờ nếu không muốn chậm trễ.” Cứ hình dung xem, nếu ĐBSCL  mất đi, miền Nam nước nhà còn gì nữa đây?

Trần Quí Thanh

 
……………………
 
(TBKTSG): Lịch sử quản lý và trị thủy trong quá khứ cho thấy chúng ta không nên và không thể đối phó với những thách thức về quản lý nguồn nước một mình, đơn độc.
 
ĐBSCL trong tiến trình lịch sử địa lý

Từ 10.000 năm trước, khí hậu bắt đầu thay đổi, trái đất nóng dần lên, băng tan, nước biển dâng, từ từ ngập sâu vào đất liền. Đỉnh điểm của đợt tăng nhiệt độ trái đất này là khoảng 6.000-8.000 năm trước đây. Lúc đó nhiệt độ trung bình của trái đất cao hơn nhiệt độ chuẩn (tức nhiệt độ trung bình của trái đất trong khoảng 10.000 năm trước) khoảng 1 độ C. Đường bờ biển nằm sâu trong đất liền so với hiện nay, bắt đầu từ Hà Tiên chạy thẳng qua Phnôm Pênh. Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm sâu dưới mực nước biển.

Cho đến 5.000 năm trước, trái đất đi vào chu kỳ băng hà mới. Nhiệt độ trái đất thấp dần, nước đóng băng nhiều hơn làm nước biển cũng lùi dần. Đồng thời, có một biến động địa chất làm cho sông Mêkông trước đây chảy theo sông Hồng ra biển, nay hướng về phương Nam hình thành Biển Hồ và chảy ra biển Đông. Phù sa của Mêkông kết hợp hiện tượng biển lùi bắt đầu tạo ra ĐBSCL. Đến khoảng cuối thế kỷ 17, nhiệt độ trung bình của trái đất thấp hơn nhiệt độ chuẩn khoảng 0,6 độ C (năm 1670). Tạo điều kiện cho ĐBSCL nổi trên mặt biển gần giống như ngày nay.

Nhưng với sự phát triển của loài người, mà chủ yếu là việc dùng các loại “năng lượng hóa thạch”(1), con người đã làm tăng nồng độ khí nhà kính trong không khí và hậu quả là làm cho nhiệt độ trái đất ấm dần lên.

Đó là hiện tượng mà chúng ta gọi là “biến đổi khí hậu”.

Biến đổi khí hậu hiện nay là hiện tượng nhiệt độ trung bình của trái đất tăng. Nhiệt độ tăng sẽ làm băng tan, nhiệt độ nước tăng và cuối cùng là làm mực nước biển dâng.

Có thể nói, vùng ĐBSCL được hình thành từ nhiều yếu tố nhưng trong đó có hai yếu tố ảnh hưởng chính.

Đó là nhiệt độ tăng hay giảm của trái đất với hậu quả là biển tiến hay lùi. Và sự bồi đắp của sông Cửu Long với hàng trăm triệu tấn phù sa. Rất không may là hai yếu tố hình thành ĐBSCL bây giờ lại chuyển biến theo hướng ngược lại, làm ĐBSCL bị chìm ngập trở lại.

Vấn đề của ĐBSCL hiện nay

Thật đáng tiếc khi Trung Quốc và Lào đã quyết định đánh đổi lợi ích sinh thái dài hạn của cả lưu vực sông Mêkông và của cả nhân loại với lợi ích thủy điện ngắn hạn và cục bộ của họ. Với quyết định xây thủy điện thì hàng trăm triệu tấn phù sa của sông Mêkông hàng năm không còn chảy về bồi đắp ĐBSCL trong tương lai.

Nhưng thủy điện chưa phải là vấn đề lớn nhất của ĐBSCL. Biến đổi khí hậu toàn cầu đang và sẽ là vấn nạn lớn nhất cho nhân loại nói chung và ĐBSCL nói riêng. Theo thỏa thuận Paris năm 2015 về ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, các nước trên thế giới sẽ cố gắng giữ nhiệt độ trung bình của trái đất vào năm 2100 (còn hơn 80 năm nữa) không tăng so nhiệt độ chuẩn quá 2 độ C. Điều này thật là khó khăn trong bối cảnh thế giới thải ra hàng năm gần 30 tỉ tấn “khí nhà kính”(2), trong khi khí quyển chỉ còn khả năng tiếp nhận tổng cộng khoảng 1.000 tỉ tấn khí nhà kính để nhiệt độ trung bình không vượt ngưỡng 2 độ C, tức là chỉ còn khoảng 30 năm nữa.

Trở lại với lịch sử, khi nhiệt độ trung bình của trái đất cao hơn nhiệt độ chuẩn chỉ 1 độ C, thì ĐBSCL bị nhấn chìm xuống biển. Vậy khi nhiệt độ trung bình cao hơn nhiệt độ chuẩn 2 độ C, thì ĐBSCL chỉ có thể nổi lên trên mực biển bằng phép màu, hoặc là bằng tất cả sức lực của hơn 17 triệu dân cư cùng với sự quyết tâm của cả nước và quốc tế!

Thực tế tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu theo các nghiên cứu quốc tế như sau:

Theo “Báo cáo đánh giá biến đổi khí hậu” mới nhất (AR5) vào năm 2014 của Ủy ban Quốc tế về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hiệp quốc, mưa trên lưu vực sông Mêkông sẽ không tăng thậm chí còn giảm từ đây đến năm 2100.

Cuối năm 2016, Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia (NOAA) của Mỹ cũng theo báo cáo đó dự báo: Đến năm 2100, mực nước biển trung bình toàn cầu tăng thấp nhất là 0,3 mét (gấp 3 lần dự báo trước đó) và tăng cao nhất là 2,5 mét (cao hơn dự báo trước đó 0,5 mét). Và một nghiên cứu mới đây của NASA (Cơ quan Hàng không và Không gian của Mỹ), thế giới đang bắt đầu đi vào giai đoạn thiếu nước vì nguồn nước ngọt mặt đất không được bổ sung.

Tại ĐBSCL, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi mực nước biển dâng 1 mét thì sẽ có gần 40% diện tích đất bị ngập nước. Mô hình nước biển dâng mới nhất của bộ này cho thấy, đến năm 2100, mực nước biển của ĐBSCL sẽ dâng từ 55-75 cen ti mét và phải cộng thêm độ lún đất, độ dâng của thủy triều và sóng biển dâng trong trường hợp có bão. Tổng cộng nước biển có thể dâng hơn 2,5 mét, khả năng toàn bộ ĐBSCL bị ngập sẽ chỉ là vấn đề thời gian.

Các số liệu đo đạc thực tế tại chỗ cho thấy như sau: Mỗi năm trước đây đồng bằng nhận 160 triệu tấn phù sa, bình quân bồi đắp cho ĐBSCL 1-2 mi li mét/năm. Mực nước biển dâng trung bình của biển Đông là 3,5 mi li mét, tối thiểu là ±0,7 mi li mét/năm. Nhưng theo nghiên cứu của dự án “Rise and Fall” của ĐBSCL thì đất lún tại đồng bằng là 10-30 mi li mét/năm. Như vậy, nước biển dâng và đất lún sẽ làm ĐBSCL chìm nhanh xuống đáy biển và đó phải là vấn đề mà tất cả chúng ta, cả nước thậm chí là thế giới, cần quan tâm giải quyết ngay từ bây giờ nếu không muốn chậm trễ.

“Chương trình đồng bằng thích ứng”
( Xem tiếp>>>)
 
Link bài: ĐBSCL có biến mất vào năm 2100?
 
…………………….
Chú thích:
(*) Nguyên Chánh văn phòng Công tác biến đổi khí hậu (CCCO) thành phố Cần Thơ, Việt Nam.
 
(1) “Năng lượng hóa thạch” = tên gọi chung của dầu mỏ, than đá và khí mỏ.
 
(2) “Khí nhà kính” = là các loại khí CO2, CH4, N2O, khí nhân tạo như CFC, HCFC, SF6
 
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *