Lê Kiên/ Báo Tuổi Trẻ
—–
“30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về” – đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến nêu tỉ lệ và chất vấn như thế với Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 6-2015.
Thời điểm đó, Phó thủ tướng không xác nhận tỉ lệ này, nhưng ông hứa sẽ “tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đánh giá kịp thời để đưa cán bộ không đủ tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy”.
Vào đầu nhiệm kỳ mới (2016 – 2021), mục tiêu “giảm 10% biên chế” được đặt ra. Các nghị quyết của trung ương và Quốc hội đã đề cập mục tiêu và nhiều giải pháp nhằm tinh giản biên chế, cơ cấu lại tổ chức, bộ máy.
Sau gần một nhiệm kỳ, kết quả vừa được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là ấn tượng: “Tính đến năm 2020, biên chế do Chính phủ quản lý đã giảm được 334.548 người”, mặc dù “so với yêu cầu thì trong năm 2021 còn phải tiếp tục giảm 20.076 người”.
Ai cũng hiểu rằng nhiệm vụ tái cơ cấu, cải cách bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị luôn là việc khó vì “đụng” đến con người, đến quan hệ, lợi ích, đặc biệt là trong khi cơ chế kiểm soát và đánh giá còn nhiều tồn tại, hạn chế như ở nước ta.
Vì vậy, việc cắt giảm số lượng biên chế của bộ máy thuộc Chính phủ quản lý trong một nhiệm kỳ như vừa nêu là một thành tích đáng nể.
Đương nhiên, còn những vấn đề đáng nói trong quá trình thực hiện, đó là có tình trạng “cắt cơ học”, rồi động viên công chức nghỉ hưu sớm và không tuyển thêm người, có tư tưởng duy ý chí trong thực hiện nên “nơi thiếu vẫn thiếu, nơi thừa vẫn thừa”…
Tồn tại lớn nhất trong quá trình tinh giản biên chế, bộ máy có lẽ là việc xây dựng các đề án vị trí việc làm đối với từng cơ quan, đơn vị tiến độ còn rất ì ạch, lúng túng. Do đó, việc đánh giá năng lực, trình độ, mức độ hoàn thành công việc của từng cán bộ, công chức vẫn chưa được lượng hóa rõ ràng và khó thực hiện.
Câu hỏi lớn nhất cần được đặt ra là: sau khi giảm đáng kể số lượng biên chế thì bộ máy đã “tinh” chưa và đặc biệt là sau thời gian đẩy mạnh chống tham nhũng, đội ngũ “sạch” đến mức nào?
Mặc dù cơ chế tuyển chọn, đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, công chức không ngừng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhưng các tồn tại, hạn chế đã được đề cập cho thấy bộ máy vẫn chưa “tinh”.
Các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng hằng năm đều đánh giá tình trạng tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng vặt còn phức tạp, chứng tỏ mục tiêu làm “sạch” bộ máy vẫn là một thách thức rất lớn.
Các tồn tại nêu trên chỉ được khắc phục khi quá trình minh bạch hóa và kiểm soát hoạt động của bộ máy nhà nước được nâng cao.
Các đề án vị trí việc làm phải đảm bảo chuẩn mực, trong đó lượng hóa được công việc của mỗi vị trí công chức cùng với thang bảng đánh giá rõ ràng, gắn với quá trình giám sát, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ.
Mong muốn “người tài ở chân trời góc bể cũng phải tìm” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu từ đầu nhiệm kỳ cũng chỉ có thể trở thành hiện thực khi cơ chế tiền lương được cải cách căn bản đồng thời với đổi mới mạnh mẽ hơn cơ chế tuyển chọn người cho bộ máy.
Sự phát triển mau lẹ của trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng công nghệ thông tin đang mang đến cơ hội mới để hoàn thiện chính phủ điện tử và tiếp tục cắt giảm số lượng biên chế trong giai đoạn tới.
NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Để bộ máy…
https://tuoitre.vn/de-bo-may-