Nguồn ảnh: Tiếp Thị Thế Giới
Thưa bác,
Cháu đọc báo được biết tạp chí bán lẻ châu Á (Retail Asia Publishing) và Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor vừa công bố danh sách Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2017, trong đó xuất hiện nhiều tên tuổi lớn của Việt Nam. Là doanh nhân có nhiều kinh nghiệm trên thị trường bán lẻ, xin bác cho biết làm thế nào để thương hiệu Việt cạnh tranh được với các thương hiệu ngoại?
Rất mong được bác chỉ giáo.
Kính bác
Cháu Lựu mến,
Bác không biết cháu ở độ tuổi nào, có sản xuất kinh doanh không, nhưng khi cháu đặt vấn đề về thị trường bán lẻ, bác thấy thích thú để trao đổi với cháu liền.
Thị trường bán lẻ không còn là chuyện mấy cửa hàng tạp hóa mà là những thương hiệu lớn với chuỗi siêu thị hiện đại khắp năm châu. Thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập, thị trường bán lẻ sẽ không thiếu những ông chủ lớn tham gia, cho nên cạnh tranh không còn là đối thủ trong nước, mà là các gã khổng lồ đến từ các nền kinh tế to vật.
Khu vực bán lẻ của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13%/năm trong giai đoạn 2012-2016. Đây là tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng (Theo Tiếp Thị Thế Giới)
Và trong thị trường này, thâu tóm, sáp nhập là chuyện bình thường, đại gia bán lẻ đến từ Thái Lan mua lại Metro tại Việt Nam là một ví dụ.
Để cạnh tranh được trên thị trường bán lẻ, dứt khoát các doanh nghiệp phải tự nâng mình lên ngang tầm sức vóc của các doanh nghiệp nước ngoài, nếu chỉ lấy cầu thủ đá sân đất mà chơi sân cỏ thế giới thì có mà thua từng thúng bóng.
Tầm đó là gì? Là năng lực tài chính, là công nghệ quản lý, thiết kế mỹ thuật, mặt bằng, điểm bán hàng, kho bãi, logictis và cuối cùng là đội ngũ nhân viên trực tiếp hoạt động trong chuỗi cửa hàng. Yếu kém bất cứ khâu nào trong các khâu này đều nhận lãnh sự thất bại.
Theo kinh nghiệm của bác và có lẽ với nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác cũng vậy, tạm thời đúc kết những kinh nghiệm như sau về ngành nghề bán lẻ.
Ngon con mắt trước: Một siêu thị hay cửa hàng, trước hết là tạo sự hấp dẫn đối với khách hàng. Phải thiết kế mỹ thuật sang trọng, hiện đại từ mặt tiền của hàng, để lôi kéo, giữ chân, mời gọi khách hàng bước vào. Khi khách hàng đã vào trong, thì sự bày biện, sắp xếp hàng hóa sản phẩm làm sao cho thật bắt mắt, thuận lợi để khách hàng có thể quan sát, tiếp cận với hàng hóa sản phẩm. Bác lưu ý nhé, bày biện cũng phải đẹp, nếu để lộn xộn, ngổn ngang, xấu xí thì không tạo được sự tin cậy và cảm tình đối với khách hàng.
Khách hàng cần thay đổi: Với nhu cầu cuộc sống của con người hiện đại, dứt khoát mọi lĩnh vực đều cần có sự đổi mới, và tất nhiên kinh doanh bán lẻ không thể đứng yên. Sự đổi mới trước tiên chính là cửa hàng cửa hiệu, không thể để cũ kỹ một màu sơn, rách nát tấm biển hiệu, hư hỏng bóng điện hay đèn chiếu sáng. Bên trong cửa hàng, siêu thị cũng vậy, không thay đổi để tạo cảm giác mới mẻ, không thể thu hút được nhiều khách hàng.
Nghiên cứu, học tập từ các doanh nghiệp cùng ngành và đối thủ cạnh tranh: Chỉ nhắm con mắt lao đầu vào làm mà không biết cái hay, cái dở của thiện hạ, không biết người ta đi tới đâu thì mình cũng chết. Sự tiến bộ của nhân loại, ngoài sức sáng tạo còn là sự học tập, kế thừa của nhau. Thấy được cái hay đã đành, nhưng cái dở của thiên hạ cũng là bài học cho mình.
Con người: Cuối cùng là yếu tố con người, đội ngũ nhân viên bán hàng, phục vụ trực tiếp người tiêu dùng phải có nghiệp vụ cao và có kỹ năng ứng xử chuyên nghiệp. Những người này làm việc tốt, phục vụ tốt thì doanh nghiệp mới phát triển. Cho nên, hãy chú trọng chi trả lương và các chế độ ưu đãi cho họ. Một nụ cười của họ, một câu nói lịch sự của họ là tài sản vô giá của doanh nghiệp.
Vậy nhe cháu, chúc cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi:tranquithanh1953@gmail.com)