Chào bác Dr.Thanh!
Cháu thật sự bất ngờ một doanh nhân lại có blog hoành tráng thế này. Đúng là bác làm gì cũng khác biệt. Trong blog này một đôi lần bác nói phải tạo ra sự khác biệt (cháu không nhớ bài nào). Vâng ạ, ai cũng muốn tạo ra sự khác biệt nhưng tạo ra thế nào thì ít ai làm được. Cháu muốn bác nói rõ hơn để có sự khác biệt cần phải làm thế nào, kèm thêm ví dụ được không ạ? Cảm ơn bác!
Cháu Đông Á thân mến.
Bác có ngay ví dụ từ một câu chuyện cực ngắn hình như của nước Anh thì phải: Một anh mù ngồi ăn xin góc đường với biển đề: "Tôi bị mù". Anh vẫn được người ta cho tiền nhưng không nhiều lắm. Một anh chàng qua đường, thay vì cho anh mù tiền, anh ta bảo với anh mù: “Cái biển của anh vừa cũ vừa thừa, người ta sẽ không cảm tình với anh". Và rồi anh ta viết vào biển của anh mù thêm mấy chữ: "Tôi bị mù, còn ngoài kia là mùa xuân". Từ đó số tiền anh mù nhận được gấp nhiều lần trước đó.
Sự khác biệt không có gì ghê gớm, nó là vậy đó cháu. Bác thường nói với các con bác: "Nếu như cứ bắt chước theo cách làm cũ, thiếu sáng tạo thì không bao giờ thành công, cùng lắm chỉ đủ đong gạo". Tìm ra cái mới, cái khác biệt đương nhiên không phải dễ, nhưng cũng phải quá khó để những bạn trẻ thông minh và nhiệt huyết như cháu phải bó tay.
Bác thêm một dẫn chứng nữa. Ziad Ahmed, một học sinh 18 tuổi người Mỹ gốc Bangladesh, vừa được Trường đại học Stanford danh tiếng của Mỹ nhận vào học nhờ một mẫu đơn ấn tượng. Học sinh này chỉ viết một câu : "Người da màu đáng sống" và lặp lại 100 lần.
Ziad Ahmed chỉ viết 1 câu, được 3 trường đại học danh tiếng của Mỹ chào đón
Phần lớn sinh viên nộp đơn vào học ở các trường đại học Mỹ, họ sẽ viết dài dòng, trình bày đủ lý do, hoàn cảnh, ca ngợi trường, nêu mộng ước bản thân, vẽ vời đủ thứ hoa lá cành. Các giáo sư tuyển dụng đọc riết cũng nhàm, gặp cậu sinh viên chỉ viết đúng một câu, khiến họ chú ý.
Câu ngắn là một chuyện, mà ý nghĩa của nó là chuyện khác, đó là nói lên khát vọng không phân biệt chủng tộc trên thế giới này. Một thanh niên 18 tuổi đã biết nghĩ đến đến vấn đề lớn lao của nhân loại, tất sẽ làm được việc lớn. Chính vì vậy cậu đã thuyết phục mọi người.
Trong thư gửi cho Ahmed, Trường Stanford viết: “Bất kỳ ai nhận lá đơn ấy cũng được truyền cảm hứng nhờ sự đam mê, thành tích và trái tim của bạn. Đơn giản là bạn rất phù hợp với Stanford. Bạn sẽ đem đến những điều độc đáo và phi thường cho trường chúng tôi”.
Bác giới thiệu cháu dẫn chứng này để biết sự khác biệt là thế nào. Còn như muốn có sự khác biệt cháu hãy nhớ đừng bao giờ bắt chước ai, đừng bị áp đặt bởi điều gì, hãy khai phóng tâm hồn, độc lập suy nghĩ và không ngừng sáng tạo. Chỉ có vậy sự khác biệt mới đến với cháu.
Chúc cháu vui khoẻ, may mắn và thành đạt.
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)