Nguyễn Thị Hậu/ Báo Tuổi Trẻ
—–
Xem những hình ảnh, clip từng đoàn người từ Sài Gòn và các tỉnh phía Nam về quê thật khó kìm nén cảm xúc. Với tui, nói thiệt là rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ, nói ra không thể hết được.
Một vùng đất trù phú, hào hiệp, bao dung với biết bao phận người, giờ không thể ôm ấp được nữa, rồi người cũng đành phải rời xa.
Không trách được bà con bỏ về quê, bởi vì đó là lựa chọn cuối cùng của họ. Họ không thể ở lại để sống dựa vào lòng trắc ẩn của người khác, không thể lây lất qua ngày bằng hộp cơm từ thiện. Họ muốn làm việc, tay làm hàm nhai, nhưng mọi cánh cửa quanh họ đều đóng kín.
Họ về với quê hương nhưng không phải đi về phía hy vọng mà đi về phía nương tựa.
Ngày họ từ làng quê ra đi là đi tìm tương lai, nhưng chưa xây được tương lai thì phải trở về, chỉ có gia đình mới ủi an và che chở. Có lẽ ai cũng thế thôi.
Cho nên, hãy tạo điều kiện cho họ trở lại để tiếp tục dưỡng nuôi niềm hy vọng, mất hy vọng là mất tất cả.
Tạo điều kiện bằng cách nhanh chóng mở các cánh cửa khu công nghiệp, nhà máy để phục hồi sản xuất, thu hút công nhân.
Tạo điều kiện là cho phép mở tất cả quán ăn, nhà hàng, các dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đời sống của người dân thường ngày. Những dịch vụ này sử dụng hàng vạn lao động tự do, tiếp tục cấm cửa là hàng vạn người thất nghiệp.
Sài Gòn và các tỉnh phía Nam đã tiêm vaccine bao phủ khá rộng, tạo được nhiều vùng xanh, hãy mạnh dạn mở cửa cho bà con làm ăn, lao động sản xuất.
Mở cửa nền kinh tế thì không chỉ ngăn dòng người ra về, mà còn mời gọi người từ phương xa quay trở lại.
Tui có niềm tin rằng, nếu nhà máy, khu công nghiệp và các ngành nghề tái hoạt hoạt động, thu hút lao động với thu nhập cạnh tranh thì bà con sẽ sớm trở về.
Mở cửa để bắt đầu cho một kế hoạch phục hồi sản xuất và ổn định xã hội. Để thiếu hụt lao động là đứt gãy sản xuất, đứt gãy sản xuất thì không thể phục hồi kinh tế và ổn định xã hội.
Trần Quí Thanh
—–
Cơn dịch bệnh thế kỷ chưa qua mà TP.HCM đã có nguy cơ không còn là “vùng đất lành” nữa.
Khi TP.HCM tạm “tự do” sau bốn tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt thì xảy ra một thực trạng chưa từng có: hàng chục ngàn người dân phải “phá rào” để trở về quê hương ở miền Tây. Những đoàn người từng rời quê đến TP.HCM chất phác, cần cù làm ăn nay vội vã rời nơi này.
Trong khi trước đó, trong những ngày đại dịch COVID-19 vô cùng nguy hiểm, người dân ở TP.HCM nơi nào cũng có những việc làm hỗ trợ, đùm bọc lẫn nhau, động viên nhau cùng cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Đã có những đợt rời thành phố nhưng đầu tháng 10 này xem ra là đợt lớn nhất. Những đoàn người ra đi đó có lẽ ai cũng đều hy vọng khi thành phố bình yên họ sẽ sớm trở lại.
Từ những bước chân khai khẩn của lưu dân hàng trăm năm trước đến nay, Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng luôn được coi là một vùng “đất lành chim đậu”. Đất lành là do có những điều kiện cần và đủ để con người yên tâm sinh sống.
Ở thời xa xưa điều kiện đó là thiên nhiên không quá khắc nghiệt, là “người đi trước rước người đi sau”. Nhưng trong thời buổi dịch giã hiện nay, vai trò và nhiệm vụ an sinh của Nhà nước là điều kiện đầu tiên, thứ đến là trách nhiệm của các doanh nghiệp, công ty… trong việc nhanh chóng hoạt động trở lại, bảo đảm đời sống của người lao động.
Chính phủ và TP.HCM đã nỗ lực triển khai 3 gói hỗ trợ cùng nhiều cách giúp đỡ khác cho người lao động trong thời gian dịch bệnh, nhưng dịch kéo dài quá, các gói hỗ trợ chưa đủ để có thể đảm bảo đời sống người dân trong nhiều tháng trời khi vật giá leo thang. Đây là một trong những lý do chính khiến nhiều đoàn người từng đợt rời về quê.
Và hơn nữa là cho đến lúc này nhiều người chưa thấy sớm có việc làm trở lại. Để có thể tạm thời mở ra trạng thái bình thường mới như hiện nay, chính quyền không chỉ căn cứ vào tình hình dịch bệnh đã khả quan hơn, mà còn cần chuẩn bị các chính sách ứng phó với điều kiện làm việc và sinh hoạt mới của người dân, đặc biệt với hoạt động kinh tế. Các công ty, doanh nghiệp đã có những điều kiện gì để có thể hoạt động và chuẩn bị những gì để đón nhận, giải quyết khó khăn cho người lao động quay lại làm việc? Khi có được những điều kiện cơ bản của cuộc sống, của việc làm thì người lao động sẽ cân nhắc việc ở lại hay về quê.
Nếu ngay sau những ngày “bị nhốt” trong khó khăn, chỉ cần việc làm thiết thực của chính quyền là hỗ trợ ngay cho người thất nghiệp, người nghèo một khoản tiền có thể đủ trả tiền thuê nhà trọ, đủ cho ăn uống, điện nước một cách tiết kiệm trong 1, 2 tháng tới, người lao động được doanh nghiệp cho biết thời gian sớm nhất bắt đầu công việc trở lại, các giải pháp khác của chính quyền căn cơ khả thi hơn… thì dù là “ánh sáng cuối đường hầm” cũng giúp hàng vạn người lao động dễ dàng hơn trong việc lựa chọn ở lại thành phố.
Chống dịch và bảo toàn đời sống xã hội trong và sau dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhưng nhiệm vụ này với một đô thị lớn như TP.HCM với cư dân tứ xứ hội tụ thì cần phải có sự chung tay, liên kết của cả vùng. Trên phạm vi rộng hơn, Chính phủ và chính quyền các tỉnh cũng có trách nhiệm và việc làm thiết thực cùng TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An hỗ trợ cho người lao động, cho doanh nghiệp để có thể bảo toàn sức lao động, bảo toàn nền kinh tế, đặc biệt là tránh dòng người đổ về quê có thể tạo ra những vùng đỏ lây lan dịch bệnh trở lại.
Đất chỉ lành khi những đàn chim đến đây xây được tổ ấm và an toàn vượt qua dông bão. Dông bão COVID-19 mới tạm yên bước đầu nhưng đất lành bị thử thách. Cùng với sự sòng phẳng của quan hệ làm ăn còn cần sự trân trọng, “đền ơn đáp nghĩa” những người đã “đến đây thì ở lại đây” một cách thiết thực và đủ đầy. Người dân cần thấy mình trong chính sách của chính quyền sau dịch, căn cơ và lâu dài hơn thì mới có thể duy trì tổ ấm trên vùng đất lành chờ ngày hồi sinh sau dịch.
NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Để...
https://tuoitre.vn/de-dat-lanh-chim-dau-20211005090038655.htm