Để đất nước thành bãi phế liệu là có tội với con cháu

Trần Quí Thanh

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan thông báo tình hình, diễn biến trong công tác phòng chống nhập lậu phế thải. (Ảnh và chú thích báo Nhân Dân)

—–

Một mối hiểm nguy đang đe dọa môi trường của Việt Nam, đó là các loại rác phế liệu nhập ồ ạt, biến đất nước này thành bãi rác.

Số liệu của Tổng Cục Hải quan cho thấy, sáu tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập về hơn 4 triệu tấn phế liệu các loại. Hiện tồn tại hơn 4.000 container hầu hết đã quá 90 ngày và chờ tái xuất. Trong đó, Hải Phòng tồn 6.700 container, TPHCM tồn 14.600 container, Vũng Tàu tồn hơn 6.500 container…

Một số doanh nghiệp vì hám lợi, đã tha tất cả những gì có thể xem là bán được về nước. Đơn giản là các nước sợ mất tiền xử lý các loại phế liệu này, nên tống ra khỏi nước họ cho nhanh. Còn mình mang về, bán được gì thì bán. Đem một đồng về cho nhà mình mà phá cả thiên hạ thì vẫn nhắm mắt làm.

Các loại phế liệu nhập về Việt Nam phần lớn là thứ “khó tiêu”, đó là phế liệu sắt thép, phế liệu nhựa. Những thứ này thải ra môi trường coi như thiên thu mới bị hủy. Khi các thứ này bị thải ra môi trường, cả chúng ta sống hôm nay và ngày mai, con cháu cùng lãnh đủ.

Nhưng trách nhiệm của chúng ta với con cháu là chính chúng ta đã để cho các loại phế liệu này vào Việt Nam.

Nước mình đang là nước nhiều rác, những con tàu của, ụ nổi của Vinashin như những đống phế liệu trôi trên biển. Rồi nhiều tỉnh thành như Hà Tĩnh, Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Quốc, rác sinh hoạt chất hàng núi không xử lý được. Nay thêm các loại rác phế liệu, vậy thì nước mình sẽ ra sao?

Cần phải có biện pháp mạnh ngăn chặn tình trạng nhập rác phế liệu, phải xem đây là hành vi hủy hoại môi trường đất nước, chỉ cảnh báo hay xử phạt không thể ngăn chặn được.

Những trường hợp có căn cứ giả mạo giấy tờ, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì khởi tố hình sự, pháp luật không nghiêm không giữ được kỷ cương.

Thế giới đang quay quắt với vấn đề môi trường, nước biển dâng, biến đổi khí hậu, trái đất nóng dần lên, các loại ô nhiễm khác như không khí, ô nhiễm nước sinh hoạt và ô nhiễm âm thanh đang là nỗi ám ảnh của nhân loại. Các nước văn minh tìm mọi cách để tống khứ những thứ có tác hại đến môi trường ra khỏi nước họ, trong đó có rác thải công nghiệp, phế liệu. Còn Việt Nam lại xem đó là thứ nhập về để khai thác kiếm tiền.

Nông cạn như vậy thì làm sao thoát khỏi được đói nghèo và lạc hậu.

 

Sài Gòn ngày 01/08/2018

TQT

Bài đọc thêm, link: Việt Nam “ hứng” hơn 4 triệu tấn phế thải

(http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/moi-truong/item/37166502-viet-nam-“-hung”-hon-4-trieu-tan-phe-thai.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *