Để đuổi kịp Thái Lan 15 năm tới


Nguồn: Internet

 
Theo dõi chất vấn tại diễn đàn Quốc hội hôm qua, tui quan tâm tới trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về phát triển du lịch của Việt Nam.

Còn nhớ, tại diễn đàn Quốc hội của nhiệm kỳ trước, cũng câu hỏi bao giờ du lịch Việt Nam phát triển như du lịch Thái Lan, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh có nói để dành cho người kế tiếp, và tất nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phải trả “món nợ” này.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 10 triệu lượt. Trong khi đó, Thái Lan đón 32 triệu lượt khách quốc tế, Malaysia đón 26 triệu lượt, 16 triệu khách đến Singapore, Indonesia có 12 triệu, Philippines dưới 6 triệu, Campuchia 5 triệu, Lào khoảng 4 triệu. Như vậy, về lượng khách, khoảng cách giữa Việt Nam với Thái Lan hiện rất xa, chỉ bằng 1/3 nhưng nếu so với Singapore thì chỉ kém 6 triệu lượt.
 
Để đuổi kịp các nước lân cận, du lịch Việt Nam phải phát triển rất nhanh với tốc độ cao. Nếu như những năm tới Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng 20%, còn Thái Lan tăng khoảng 7% như hiện nay thì hai điểm đến sẽ gặp nhau (tức ngang bằng về lượng khách) sau 15 năm nữa.
 


Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh báo Dân trí

 
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói :"Nguồn nhân lực là một trong những nguyên nhân hạn chế cạnh tranh của du lịch Việt Nam". Ông Thiện cho biết, thống kê gần nhất vào vào năm 2015 cho thấy, có 750.000 người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, 2,2 triệu lao động gián tiếp liên quan đến du lịch. Tại các địa phương, nguồn nhân lực đang thiếu hụt rất lớn, không đáp ứng được cả yêu cầu về số lượng lẫn chất lượng.
 
Người lao động phục vụ ngành du lịch thiếu về số lượng và chất lượng, địa phương nào cũng vậy, nhưng trên thực tế, sinh viên lại theo học các ngành khác. Hiện nay cả nước dư thừa 225.000 cử nhân, thạc  sĩ dư thừa không biết làm gì, tui nghĩ đây là điều hết sức vô lý. Khoan nói tới khả năng dự báo để tổ chức tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của các ngành kinh tế, mà có thể bồi dưỡng nghiệp vụ, để nguồn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp bổ sung vào ngành du lịch. Điều này có thể làm được, không cứ cứng nhắc phải học du lịch ra mới làm được trong ngành du lịch. Và trên thực tế, trong hoạt động kinh doanh du lịch cần nhiều ngành nghề khác, không chỉ là hướng dẫn viên hay nhân viên phục vụ nhà  hàng, khách sạn.
 
Về khả năng cạnh tranh tổng thể, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phân tích, hai điểm đến Việt Nam và Thái Lan tương đương về khả năng phát triển du lịch; ngang bằng về tiềm năng như di sản văn hóa, tự nhiên nhưng Việt Nam kém hơn về hạ tầng dịch vụ và mức độ ưu tiên, còn Thái Lan lại kém hơn về an ninh.
 
Tui đồng ý Việt Nam hơn Thái Lan và nhiều nước khác về mặt an ninh, nhưng an toàn lại là chuyện khác. Tai nạn giao thông Việt Nam quá cao, cướp giật xảy ra nhiều, chưa kể nạn buôn bán cắt cổ, lừa đảo, trấn lột, đó là những thứ làm mất sức cạnh tranh của Việt Nam so với Thái Lan, nhưng những tồn tại đó không thuộc trách nhiệm riêng của ngành Văn hóa.
 
Để bắt kịp Thái Lan trong 15 năm tới, ngoài nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, phải có hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, phải dẹp cho được loạn trộm cắp, buôn bán chặt chém du khách.
 
Và một điều vô cùng quan trọng khác: Sạch sẽ.
 
15 năm tới du lịch Việt có đuổi kịp Thái Lan không? Được hay không đều ở trong tầm tay chúng ta, quyết làm và có cách làm thì được, ngược lại thì không. Chỉ riêng chuyện sạch sẽ không thôi, đừng tưởng dễ à nha.
 
Link bài: Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã “trả nợ” câu hỏi của người tiền nhiệm

 
 
 
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *