Trần Quí Thanh
—–
Hiện nay, TPHCM đang rơi vào tình trạng tắt nghẽn giao thông thường trực, nền kinh tế bị ảnh hưởng, xã hội bị tác động tiêu cực, người dân bị tăng áp lực cuộc sống bởi kẹt xe, ngập nước.
Thực tế này ai cũng thấy và “bị” trải nghiệm, nhưng nguyên nhân thì không phải ai cũng thấy. Các chuyên gia bàn quá nhiều về đề tài này, đưa ra rất nhiều nguyên nhân, riêng tui thấy chỉ có 3 nguyên nhân chính.
Một là nguyên nhân khách quan. TPHCM là một địa phương có tỉ lệ tăng dân số cơ học cao nhất nước, cho nên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp nhu cầu thực tiễn.
Thứ hai, đất đai có giới hạn, muốn giải quyết nhu cầu đi lại của một thành phố đông dân, phải khai thác không gian bên trên và dưới mặt đất. Muốn khai thác được hệ thống này, cần một khoản đầu tư tài chính rất lớn. Chúng ta không có đường trên cao hay subway thì không thể cứu được mặt đường quá tải hiện tại.
Có tiền để đầu tư chưa đủ, mà phải có năng lực quản lý dự án, đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội và tuyến metro Suối Tiên – Bến Thành của TPHCM là hai dự án điển hình về quản lý kém.
Thứ ba là không kiểm soát được xe cá nhân.TPHCM có 8,1 triệu xe cá nhân (8 triệu xe máy, 756.000 ô tô), lượng xe máy tăng tới 6%/năm, ô tô tăng 11%/năm. Các chuyên gia phân tích, trong 5 năm tới, thời gian ùn tắc dài hơn và không chỉ vào giờ cao điểm. Lúc đó, số tiền thiệt hại vì ùn tắc sẽ cao hơn con số 2 tỉ USD mỗi năm như ước tính hiện nay.
Khi đã chỉ ra 3 nguyên nhân trên thì cần đưa ra giải pháp để giải cứu nạn kẹt xe tại TPHCM.
Về áp lực tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn là một quy luật của tất cả các quốc gia, cho nên giả pháp thuộc tầm quốc gia, không còn là việc riêng của TPHCM. Phát triển kinh tế ở các địa phương khác để thu hút lao động, hạn chế tập trung về TPHCM và Hà Nội. Ví dụ như các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Chu Lai giải quyết được hàng vạn lao động từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc.
Đầu tư hạ tầng giao thông kết hợp với phương tiện vận tải công cộng là việc dứt khoát phải làm, có hệ thống này mới tổ chức giao thông khoa học, hiện đại. Không có tiền để làm cùng một lúc thì làm dần, làm dứt điểm từng dự án, đưa vào khai thác càng sớm càng tốt, đừng để kéo dài, đội vốn như tuyến metro Suối Tiên – Bến Thành. Không có metro, không có subway thì không thể cứu nạn kẹt xe. Singapore, Hongkong, Seoul giảm được áp lực giao thông mặt đất vì họ có hệ thống vận tải trên cao và dưới đất.
Việc thứ hai này liên quan đến việc thứ ba, bởi vì khi có phương tiện giao thông công cộng thì người dân mới bỏ phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy. Không có phương tiện giao thông công cộng thì không thể đưa ra các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân.
Sài Gòn 15/07/2020
TQT