Để hàng ngàn sinh mạng không mất đi vô nghĩa

Báo TBKTSG
Tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tử vong, hy sinh trong dịch bệnh Covid-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đến buổi lễ vòng hoa tưởng niệm người đã khuất. (Theo Báo Dân Trí)

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với TPHCM tổ chức, sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 19-11. Sự kiện này sẽ càng có ý nghĩa hơn nếu những bài học trong phòng chống dịch ở thành phố được rút ra một cách thẳng thắn, nghiêm túc cho cả nước để sau này sẽ không còn có bệnh nhân nào bị mất mạng oan uổng nữa và người thân của các nạn nhân cũng thấy phần nào được an ủi khi sự mất mát của gia đình họ đã ít nhiều giúp cứu được nhiều tính mạng khác sau này.

Sở Y tế TPHCM đã tự rút ra được 10 bài học trong công tác phòng chống dịch ở địa phương. Có một số bài học đáng phải chú ý vì nó phải trả bằng nước mắt và sinh mạng của hàng ngàn người, nên hy vọng sẽ không còn địa phương nào lặp lại những sai lầm và phải trả giá như vậy nữa.

Bài học đắt giá đầu tiên chính là “việc cách ly F0 để ngăn chặn sự lây lan là cần thiết, nhưng… chỉ cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà”. Vì sao cách ly tập trung chỉ nên là lựa chọn thứ hai nếu người bệnh không có điều kiện để cách ly tại nhà thì có lẽ tất cả các y, bác sĩ từng tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân ở các khu thu dung và bệnh viện dã chiến đều hiểu rõ. Đó không chỉ là gây nên tình trạng quá tải cả về nhân lực và thiết bị ở các khu điều trị, mà còn liên quan đến tâm lý hoảng loạn khi phải tách ra khỏi người thân khiến cho bệnh tình dễ trở nặng và khó điều trị hơn…

Kế đến, “cho dù cách ly tại nhà hay cách ly tập trung phải gắn liền với chăm sóc, điều trị và cung ứng gói thuốc, gói an sinh…”. Có một câu hỏi đặt ra, giả sử ngay từ đầu tất cả các F0 nhẹ đều được cung cấp gói thuốc và hướng dẫn đầy đủ thì tỷ lệ tử vong ở Việt Nam có vượt xa mức trung bình của thế giới như vậy không? Và vì sao Bộ Y tế không kịp thời hướng dẫn phác đồ điều trị cho nhóm bệnh này dù đã có gần một năm rưỡi kinh nghiệm chống chọi với dịch; và dù đã chủ động đưa ra các kịch bản bùng phát dịch lớn, nhưng vì sao vẫn không chuẩn bị thuốc điều trị, đến nỗi Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên sau này phải thốt lên “Lúc đó chưa có thuốc điều trị… tập trung xong ngồi đó ngó, ai khỏe vượt qua, ai mệt thì đi nằm bệnh viện…”.

Thả hoa đăng trên Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (Ảnh Báo Dân Trí)

Một bài học khác là Việt Nam gần như loại hệ thống y tế tư nhân qua một bên khi không cho các bệnh viện tư được mở dịch vụ điều trị bệnh nhân Covid có thu phí, khiến cho hệ thống y tế công càng trở nên quá tải hơn. Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu bệnh nhân đã mất mạng oan uổng khi không được điều trị đúng mức, trong khi họ có đủ khả năng để trả chi phí cho bệnh viện tư nhân nhưng lại không thể tiếp cận vì lý do này.

Trong công tác điều hành, kinh nghiệm đắt giá nhất có lẽ là ở sự chủ quan, không đánh giá đúng về năng lực thực của hệ thống y tế công nên mới bị “vỡ trận”. Thêm vào đó, giai đoạn đầu ngành y tế cũng quá “si mê” với xét nghiệm PCR nên đã phủ nhận vai trò của test nhanh.

Chắc chắn vẫn còn nhiều kinh nghiệm khác cần được rút ra, nhưng một cách tổng quát thì cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 phải là cuộc chiến của toàn dân. Vì vậy, thay vì Nhà nước “bao lo” hết thì hãy hướng dẫn kỹ càng để người dân biết tự lo cho mình trước. Điều Nhà nước cần làm nhất chính là lo sao cho có đủ thuốc men, vaccine, các thiết bị và vật tư y tế cần thiết.

Nguồn:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Để hàng ngàn…
https://thesaigontimes.vn/de-hang-ngan-sinh-mang-khong-mat-di-vo-nghia/
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *