Để startup không phải tìm đường “xuất ngoại”

Vũ Dung/ Báo TBKTSG

Nguồn vốn đầu tư trong nước khan hiếm là một trong những lý do khiến các startup tìm đường “xuất ngoại”. Ảnh minh họa: Thành Hoa.

—–

Ít ai biết CoinHe.io, nền tảng giao dịch tài sản điện tử với số lượng tài sản giao dịch lớn thứ 4 tại Singapore, lại có sáng lập viên là người Việt Nam.

Đi tìm vốn và sự ổn định pháp lý

Kể về lý do không chọn Việt Nam mà sang Singapore đăng ký thành lập doanh nghiệp, ông Phan Đình Sơn, đồng sáng lập sàn giao dịch này, nói rằng Singapore có quy định pháp lý rõ ràng, môi trường kinh doanh thân thiện cho các startup.

“Tại Singapore, doanh nghiệp nhỏ hay lớn đều được đối xử bình đẳng. Họ luôn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, cho dù doanh nghiệp đó có thể phá hủy một ngành công nghiệp của họ”, ông Sơn nói. Là người từng du học tại Mỹ nhiều năm, ông Sơn biết rằng các công nghệ mới có thể trở thành “kẻ phá hủy” (disruptor), làm biến mất một ngành công nghiệp hiện tại. Ông Sơn hiện là thành viên trong hội đồng tư vấn pháp lý liên quan tới các công nghệ mới cho chính quyền Singapore.

Các quỹ mạo hiểm chủ yếu tập trung ở Singapore. Nếu muốn chuyển tiền đầu tư vào startup ở Việt Nam, các quỹ này phải mất ít nhất hai tháng để xin giấy phép đầu tư.

Không chỉ thiếu ổn định về mặt pháp lý, các startup trong lĩnh vực công nghệ mới như blockchain, AI, IoT vốn là những mảng rất mơ hồ, gần như rất khó nhận được tài trợ từ các quỹ đầu tư trong nước, đặc biệt là quỹ có tính chất nhà nước.

“Quỹ đầu tư nhà nước thường tránh lĩnh vực này vì khó báo cáo, khó định lượng, trong khi đây mới là lĩnh vực có hàm lượng chất xám, nếu thành công sẽ mang lại tác động lớn hơn nhiều so với các dự án khác”, ông Sơn nói.

Thừa nhận thực tế này, bà Thạch Lê Anh, người sáng lập Vietnam Silicon Valley thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cho hay nguồn vốn đầu tư trong nước khan hiếm là một trong những lý do khiến các startup tìm đường “xuất ngoại”. Các quỹ mạo hiểm chủ yếu tập trung ở Singapore. Nếu muốn chuyển tiền đầu tư vào startup ở Việt Nam, các quỹ này phải mất ít nhất hai tháng để xin giấy phép đầu tư. Hơn nữa, họ lại tiếp tục chịu rủi ro về sự khác biệt hệ thống pháp luật giữa Việt Nam và các nước phát triển khác.

Để giảm thiểu rủi ro, các quỹ này yêu cầu startup sang thành lập tại Singapore do luật pháp rõ ràng và tin cậy, không mất thời gian xin giấy phép đầu tư, không mất công giải thích luật với nhà đầu tư trong quỹ. Không chỉ CoinHe.io, nhiều startup thành công khác của Việt Nam cũng phải “khăn gói” sang Singapore như trường hợp Lozi, 689 Cloud, LoanVi…

Các startup, với nguồn lực hạn chế, cả về vốn và nhân sự, đã chọn giải pháp sang Singapore thành lập công ty mẹ để nhận vốn đầu tư, sau này sẽ mua lại công ty ở Việt Nam. Khi chưa mua lại công ty con, công ty mẹ chuyển tiền cho công ty con tại Việt Nam theo hợp đồng kinh tế và startup chấp nhận mất 10% thuế VAT. Đây là trường hợp đã xảy ra tại Ship60.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Csaba Bundik, người sáng lập và là CEO của Công ty Tư vấn CETA Consulting, cho hay môi trường kinh doanh thuận lợi và lợi nhuận hợp lý là hai yếu tố quan trọng nhất với hầu hết các quỹ đầu tư như quỹ của ông. Singapore đáp ứng được cả hai yếu tố này.

“Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang thay đổi rất nhanh. Hơn nữa, cùng với sự tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, startup trong nước đang trở nên hấp dẫn hơn dưới con mắt nhà đầu tư nước ngoài”, ông Csaba Bundik, người có gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam, nói. “Nhưng những yếu tố này mới chỉ ở dạng tiềm năng, còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là cấp cơ sở”.

Số lượng và quy mô quỹ mạo hiểm ở Việt Nam rất thấp, chỉ tương đương với một quận của Berlin, Đức. Hơn nữa, để tìm hiểu về nhân thân một startup tại Đức chỉ mất hai ngày, trong khi tại Việt Nam, ông Csaba Bundik nói ông mất hàng tháng trời do không có cơ sở dữ liệu. Điều này đôi khi khiến nhà đầu tư nản chí.

Ngoài ra, theo CEO của CETA Consulting, những lĩnh vực công nghệ cao như block chain, AI, big data… cần hệ sinh thái và người tiêu dùng, nếu hai yếu tố này không có ở Việt Nam, các startup sẽ phải chuyển sang nơi khác để nhận được vốn đầu tư.

Nhà nước nên bỏ vốn mồi?

Việc tìm ra giải pháp nhằm giữ chân startup, giữ lợi nhuận và việc làm tại thị trường trong nước là vô cùng quan trọng, trong đó, phải giải quyết được hai yếu tố là vốn và hành lang pháp luật.

Thị trường vốn cho startup của Việt Nam còn khá sơ khai, chưa tạo điều kiện cho những “mầm cây” này có thể ra hoa, kết trái. Bà Thạch Lê Anh cho rằng thị trường vốn mạo hiểm trong nước còn thiếu sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước. Trong đó, các nhà đầu tư cá nhân, có vốn tích lũy tương đối, thường đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, có báo cáo tài chính công khai, thay vì đầu tư vào startup mà chín phần thua, một phần thắng.

Trong khi đó, nguồn vốn đến từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn lại không mang tính thị trường. Những doanh nghiệp này lập các vườn ươm, quỹ đầu tư mạo hiểm của riêng mình chủ yếu nhằm mục đích hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm. Tuy nhiên, ở các nước có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, hoạt động đầu tư đã trở thành một ngành công nghiệp.

“Như vậy, cả nguồn vốn từ doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân đều chưa trở thành nhân tố chủ động phát triển thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước”, nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley nói.

Trong khi đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã hoạt động tại Việt Nam chưa thể phát huy tác dụng do khó kêu gọi nguồn vốn trong nước. Không có vốn đối ứng, các quỹ đầu tư gặp trở ngại trong việc kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài.

Gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn trong nước, các startup Việt Nam phải đổ ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội. Nhưng, tại các quốc gia “hội tụ” các quỹ đầu tư, tỷ lệ cạnh tranh giữa các startup cũng cao hơn nhiều do họ bị đặt lên bàn cân so sánh với các startup trong khu vực.

Để giải quyết bài toán vốn, kinh nghiệm cho thấy, chính phủ các nước phải chung nguồn vốn “mạo hiểm” với các nhà đầu tư. Tại Singapore, quốc gia này đã đầu tư đối ứng tới 3 triệu đô la Mỹ cho mỗi quỹ được thành lập. Tất cả các quỹ tên tuổi tại đây như JFDI, IMJ fund… đều có sự tham gia vốn của chính phủ.

Đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ, chính phủ nước này đầu tư 70% kinh phí ban đầu, tối đa 250.000 đô la Singapore và tỷ lệ 1:1 cho các khoản đầu tư tư nhân tiếp theo với số tiền lên tới 2 triệu đô la Singapore. Đối với các công ty mới khởi nghiệp được phân loại là công nghệ cao và phức tạp, Chính phủ đầu tư 70% kinh phí ban đầu, tối đa 500.000 đô la Singapore và cung cấp tỷ lệ 1:1 tương tự với số tiền lên tới 4 triệu đô la Singapore.

Vì vậy, Singapore dù không có thị trường để startup khai thác nhưng lại là quốc gia có nhiều startup lớn nhất trong khu vực và được coi là thung lũng Silicon của châu Á. Từ đó, bà Thạch Lê Anh đề xuất Chính phủ sớm ban hành luật đầu tư mạo hiểm và thí điểm đầu tư vốn mồi vào các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước giống như Singapore để kêu gọi đầu tư từ nước ngoài và các công ty khởi nghiệp công nghệ trong nước.

Việc thay đổi chính sách là cần thiết để hỗ trợ startup và tránh tình trạng chảy máu chất xám. Song, những đề xuất được đưa ra khó có thể thực hiện trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp và ít có tiền lệ đầu tư vào lĩnh vực rủi ro như startup.

Sau nhiều năm vật lộn tại Singapore, ông chủ của sàn CoinHe.io cho rằng việc nhận vốn đầu tư cũng như việc bán mình: “Nếu không nhận tiền thì chết, mà nhận tiền làm không khéo coi như đi làm thuê. Nếu Nhà nước thành lập được các thung lũng Silicon ở ba miền cả nước, nơi các startup hội tụ, các nhà đầu tư sẽ dễ tìm được đối tác trong khi các startup có thể liên kết để không bị ép giá”. 

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Để startup….

(https://www.thesaigontimes.vn/292808/de-startup-khong-phai-tim-duong-xuat-ngoai-.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *