Đề xuất giải pháp “bình thường mới” đối với doanh nghiệp

TS. Dương Trọng Hải/ Báo DNSG

—–

Dù cho có vaccine và phương pháp điều trị hiệu quả, virus SARS-CoV-2 vẫn là nguy cơ với nhân loại. Do đó, doanh nghiệp (DN) hoạt động trở lại nhưng không thể như trước đại dịch, bởi vừa phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh. 

Đại dịch Covid-19 đã gây ra thảm họa cho loài người, làm thay đổi lối sống, sinh hoạt, hành vi tiêu dùng. Đặc biệt, nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, gián đoạn, có thể dẫn tới một cuộc đại khủng hoảng kinh tế mới.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác phải mở cửa để cứu nền kinh tế, đó là tín hiệu đáng mừng nhưng đặt ra cho DN nhiều thách thức. Vì thế, điều đầu tiên là DN phải đảm bảo an toàn cho người lao động, cũng là bảo vệ DN. Nếu để xảy ra ca nhiễm nCoV trong nhà máy, xí nghiệp là có thể dẫn tới đóng cửa kéo dài, đơn hàng bị hủy hay đình trệ, dẫn tới dòng tiền cạn kiệt và DN lại lâm vào khủng hoảng.

Đại dịch cũng đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng, buộc DN phải chuyển đổi mô hình kinh doanh để phù hợp với “bình thường mới”.

Hỗ trợ DN hoạt động trong “bình thường mới”

Trước hết xin đề cập đến “điểm chứng nhận sức khỏe”. Đó là nơi cung cấp chứng nhận sức khỏe như đo nhiệt độ, kết quả xét nghiệm nCoV, xác nhận tiêm vaccine… Các điểm này có thể là tiệm thuốc tây (test và xác định kết quả test nhanh), trạm y tế phường, bệnh viện, phòng lab (cung cấp dịch vụ xét nghiệm, các điểm tiêm chủng).

Những điểm này có ứng dụng (app) để xác nhận tình trạng sức khỏe của cá nhân thông qua mã QR Code và chịu trách nhiệm đối với xác nhận đó. Mỗi cá nhân cũng có thể là “điểm chứng nhận sức khỏe” cho chính mình bằng cách thực hiện triệt để giải pháp 5K. Thông tin sức khỏe sẽ được lưu vào sổ nhật ký cá nhân, được bảo vệ bởi kỹ thuật mã hóa và Blockchain.

Sổ nhật ký cá nhân cho phép người dùng chia sẻ với các điểm kiểm tra an toàn để xác định được tham gia hoạt động bình thường ở trường học, công ty, sân bay, điểm du lịch… Như vậy, cá nhân tham gia giao thông sẽ được cảnh báo vùng nguy hiểm với Covid-19 và được điều hướng qua vùng an toàn, xác định được mức độ an toàn của cá nhân để đảm bảo an toàn cho mọi người, cho tổ chức và xã hội.

Chuyển đổi mô hình kinh doanh

Cùng với số hóa xã hội, do tác động của đại dịch Covid-19, một phần cuộc sống, sinh  hoạt của loài người đã chuyển lên kênh online như thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến, họp hành, hội thảo… trực tuyến. Vì thế, mô hình kinh doanh cũng đã và đang thay đổi từ kinh doanh truyền thống qua kinh doanh số. Trong đó, một bộ phận khách hàng đang chuyển dịch từ dạng vật lý, trực tiếp sang mạng lưới khách hàng ở dạng ảo. 

Mỗi khách hàng có không gian mạng với rất nhiều mối quan hệ, điểm tiếp xúc và khả năng tác động hay ảnh hưởng tới cộng đồng ngày một lớn, hình thành hiệu ứng mạng. Qua chuyển đổi số, khách hàng được “cá nhân hóa” từng phân khúc. Trải nghiệm khách hàng ngày nay hầu như thông qua mạng xã hội, đến từ mạng xã hội. Khi đã trở thành khách hàng, họ lại chia sẻ tình cảm, quan điểm về thương hiệu, sản phẩm trên mạng xã hội, chính vì thế khả năng ảnh hưởng tới mạng lưới khách hàng là rất lớn.

Giá trị mang lại cho khách hàng cũng đã chuyển dịch từ lợi ích, tính năng sản phẩm sang giá trị chia sẻ, sự phù hợp với cá nhân hóa, loại bỏ các rào cản để khách hàng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ, tối ưu chi phí và sự ảnh hưởng cộng đồng.

Kinh tế quan hệ ở xã hội vật lý một phần đã chuyển dịch sang quan hệ xã hội số hóa. Không gian vật lý đã chuyển sang không gian mạng, không gian ảo. Vì thế, thay vì thuyết phục khách hàng bằng các mối quan hệ hay tính năng sản phẩm, thì chuyển dịch sang truyền cảm hứng tới khách hàng và cộng đồng, tạo niềm tin và giá trị tín nhiệm được trao bởi cộng đồng.

TS. Dương Trọng Hải đề xuất xây dựng hệ thống hỗ trợ hoạt động bình thường mới

Kinh doanh truyền thống với các chuỗi cung ứng nhiều cấp làm cho giá sản phẩm tăng lên so với giá trị thực khi đến tay người tiêu dùng, tình trạng ấy giảm hẳn khi chuyển sang thương mại điện tử, phân phối trực tiếp tới người dùng cuối. Các kênh tiếp thị cũng đã chuyển dịch lên nền tảng khách hàng, nền tảng mạng xã hội.

Thay vì sản xuất hàng loạt thì nay sản xuất theo nhu cầu, sản xuất tất cả để bán thì sản xuất một phần phục vụ dịch vụ cho thuê. Sản phẩm chuyển dịch dần qua nền tảng với dịch vụ số. Chính vì sự chuyển dịch như vậy, nhiều mô hình lợi nhuận mới ra đời. Những mô hình này có đặc điểm tăng trải nghiệm khách hàng, kinh tế chia sẻ và có khả năng lặp lại. 

Sự chuyển dịch từ kinh doanh truyền thống qua kinh doanh số dẫn tới cấu trúc chi phí có sự chuyển dịch lớn. Cấu trúc chi phí chuyển dịch từ thâm dụng vốn hữu hình qua thâm dụng vốn vô hình. Từ chi phí cận biên tài sản hữu hình rất cao qua chi phí cận biên tài sản số gần như bằng không hoặc không đáng kể. Từ chi phí doanh thu rất cao đến chi phí doanh thu rất thấp, dẫn tới lợi nhuận biên gộp có thể trên 75%. Chi phí cận biên để có thêm người dùng, đối tác là không đáng kể. 

Tài nguyên hữu hình dần chuyển dịch sang tài nguyên vô hình như dữ liệu, nền tảng, sở hữu trí tuệ. Chính vì thế, từ tài sản giảm theo thời gian đã chuyển dịch qua tài sản tăng theo thời gian. Các nền tảng ngày một tăng dữ liệu, ngày một thông minh và thu hút nhiều người dùng hơn, giá trị ngày một tăng và tăng theo cấp số nhân.

Tài nguyên hữu hình dần được hình thành ở ngoài mạng lưới khách hàng. Như Uber sử dụng xe của tài xế thay vì phải mua xe để cung cấp dịch vụ, hay Airbnb sử dụng khách sạn, phòng nhàn rỗi ở bên ngoài để cung cấp dịch vụ cho du khách thay vì xây khách sạn. 

Kinh doanh truyền thống với các chuỗi cung ứng nhiều cấp làm cho giá sản phẩm tăng lên so với giá trị thực khi đến tay người tiêu dùng, tình trạng ấy giảm hẳn khi chuyển sang thương mại điện tử, phân phối trực tiếp tới người dùng cuối.

Quy trình thủ công chuyển dịch qua tự động hóa (automation), thông minh hóa (artificial intelligence) rồi tự vận hành (autonomous). Như một cửa hàng online giờ có thể tự động từ khâu tìm kiếm khách hàng, đến chăm sóc khách hàng, gia tăng khách hàng. Các nhà máy có thể vắng bóng con người ở rất nhiều khâu bởi tự động hóa. 

Cạnh tranh từ đối đầu chuyển qua cạnh tranh cộng tác. Cạnh tranh bởi cách tạo giá trị cho cộng đồng, cho đối tác, kể cả đối thủ. Cạnh tranh bởi chia sẻ, tối ưu tài sản nhàn rỗi ở ngoài mạng lưới khách hàng, đối tác và đối thủ.

Năng lực cốt lõi là từ văn hóa, từ các giá trị, tài sản vô hình như thuật toán, dữ liệu, hệ sinh thái. 

Cũng như khách hàng, đối tác là một thành phần trong hệ sinh thái của DN và chuyển dịch qua mối quan hệ xã hội số hóa.

Với những chuyển đổi chung về mô hình kinh doanh trong thời đại số, thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19 được trình bày  trên, DN có thể vận dụng để tiến hành chuyển đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp.

Như vậy, tôi đã phân tích hai vấn đề mà DN có thể tham khảo thực hiện để phát triển bền vững trong hậu đại dịch, tức xây dựng cách hoạt động bình thường mới và xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh.  

NGUỒN:  Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn

Link bài: Đề xuất…

https://doanhnhansaigon.vn/thoi-su-trong-nuoc/de-xuat-giai-phap-binh-thuong-moi-doi-voi-doanh-nghiep-1107130.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *