Để yên tâm phòng chống dịch hơn

Danh Đức/ Báo TBKTSG

Trong tất cả các đường nhập cảnh vào Việt Nam, đường bộ khó kiểm soát nhất. Hãy xem con số dưới đây.

Trong năm 2020, có khoảng 14.000 người Việt Nam xuất nhập cảnh bất hợp pháp. Trung bình mỗi ngày, có hàng trăm người xuất nhập cảnh bất hợp pháp.

Đi đường hàng không thì khó có thể nhập cảnh bất hợp pháp, nhưng đường bộ thì quá nhiều cửa.

Thêm nữa, đường sông, đường biển, cũng có nhiều cách để nhập cảnh bất hợp pháp. Cụ thể là mới đây, có 6 người nhập cảnh vào Hà Tiên bằng đường biển.

Vừa qua, có nhiều người nhập cảnh bất hợp pháp vào Việt Nam, và đã khởi tố vụ án. Tuy nhiên, không ai biết được còn bao nhiêu người nhập cảnh trái phép nhưng không phát hiện, bắt giữ. chúng ta cần phải cảnh giác, vì đây là mối đe dọa lớn về lây lan dịch bệnh.

Ngày 22.12.2020, sân bay Cần Thơ nhận chuyến bay từ Anh, có 305 hành khách. Trong đó BN 1435 nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 biến thể VOC 202012/01 – là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây. Đồng thời chủng gây bệnh cho BN1435 cũng có đột biến D614G vốn là chủng được cho làm lây lan nhanh.

BN 1435 đi đường hàng không nên kiểm soát được, cách ly và điều trị. Giả sử có người bị nhiễm virus này, nhập cảnh bất hợp pháp, không kiểm soát được, thì chuyện gì sẽ xảy ra chắc ai cũng biết.

Các lực lượng chức năng canh phòng cẩn mật để phát hiện, xử lý những người hợp nhập cảnh vào Việt Nam trái phép. Tuy nhiên, “chống dịch như chống giặc”, mà đối với loại giặc này, cần huy động “chiến tranh nhân dân”. Đó là toàn dân cùng canh phòng, phát hiện trường hợp nào nhập cảnh trái phép là báo ngay cho chính quyền.

Phải hiểu rằng, đây là trách nhiệm rất lớn, bảo vệ sự an toàn cho chính mình và cho toàn xã hội.

Trần Quí Thanh

—–

Năm “Covid thứ nhì” bắt đầu bằng những tin tức không vui chút nào. Tỷ như, sáu người vượt biên bằng đường biển vào Hà Tiên. Đáng lưu ý ở chi tiết: “Sau khi đóng phí 1.400 đô la Mỹ, bốn phụ nữ người Việt Nam, từ 23-36 tuổi, được hai thanh niên dùng vỏ lãi chở từ Campuchia về Hà Tiên” (VnExpress 3-1-2021). Rõ ràng, đây là một vụ đưa người xâm nhập trái phép có tổ chức.

Vụ sáu người vượt biên này nhanh chóng bị bắt giữ nhờ lực lượng biên phòng Hà Tiên cần mẫn là đương nhiên, song cũng phải thấy rằng, với tuyến biên giới trên bộ chỉ hơn 14 ki lô mét và 26 ki lô mét bờ biển với Campuchia, nên việc tuần tra có phần thuận lợi hơn các nơi khác vốn có nhiều “đường mòn, lối mở” dọc tuyến biên giới, mà như Tuổi Trẻ ngày 3-1 đưa tin: “Chỉ trong hai ngày, lực lượng bộ đội biên phòng phát hiện 438 người Việt nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở”.

Trước đó, cũng trên báo Tuổi Trẻ, “3 ngày, 343 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, số đông từ Trung Quốc về”. Những tin trên cùng với tin về một phụ nữ từ Anh về nước bằng đường chính thức bị nhiễm virus corona biến thể mới có khả năng lây lan cao hơn rõ ràng đe dọa không chỉ tâm lý người dân mà còn là sự an nguy của xã hội.

Các tin trên khiến nhớ lại tin về vụ vượt biên của “bệnh nhân 1440” mà nay vẫn chưa tìm ra những người tham gia cuối cùng. Trước đó nữa là vụ tiếp viên hàng không vi phạm quy định cách ly dẫn đến làm lây lan nhiều người, đến nỗi dư luận bức xúc: tù nhân trốn trại thì giám thị trại giam bị kỷ luật liền, mà sao những giám thị khu cách ly lại chưa thấy bị gì? Có khác biệt gì giữa hành vi trốn trại giam và trốn cách ly để không cùng chịu một sự truy cứu trách nhiệm “để sổng”?

Tất nhiên, việc điều tra, truy tố cần thời gian và đúng thủ tục, nhất là đúng quy trình, song với tai họa lây nhiễm có khả năng hàng loạt, như đã thấy tại các nước khác, thiết nghĩ cần có một quy trình khác hơn, nghiêm khắc hơn. Trong quy trình đó, không chỉ truy tố kẻ vi phạm quy định cách ly hay nhập cảnh bất hợp pháp như nói trên, mà còn cả những cán bộ giám sát cách ly lại buông lỏng cách ly; điều tra, truy tố những kẻ cầm đầu đường dây nhập cảnh lậu chớ không chỉ với tài xế hay tài công chở người nhập cảnh lậu…

Răn đe, trừng phạt không thể chỉ mỗi một vế, mà cả hai vế. Nó cũng giống như vụ cấp bằng giả ở trường Đại học Đông Đô, không chỉ xử lý “chủ lò” sản xuất bằng giả, mà cần xử lý cả những khách hàng tìm mua, biết rõ mua cái gì, giá trị ra sao, rồi đem đi sử dụng không chỉ một lần mà những mấy lần, mỗi lần khai lý lịch đều biết rõ đang khai man.

Người La Mã, thủy tổ của luật La Mã vốn là kinh điển cho luật học các nước, có câu Dura Lex Sed Lex, luật pháp nghiêm khắc, nhưng luật là luật! Xét từ nguyên mà nói, danh từ “règle” trong tiếng Pháp dùng để gọi “luật lệ”, nghĩa đen là “cây thước”. Cây thước thì phải thẳng, phải cứng chớ không thể nào cong, mềm tùy hứng!

Trở lại với “năm Covid thứ nhì” này, cho tới nay việc phòng chống dịch của Việt Nam được xem như “tấm gương cho thế giới”, nhưng sẽ là tai họa nếu cứ cao hứng tập trung đông người, để rồi tự làm giảm tính cảnh giác phòng bệnh của người dân. Vẫn biết cuộc sống phải có những sự vui, song tùy hoàn cảnh mà nên “vui có chừng”. 

 

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Để yên tâm….

https://www.thesaigontimes.vn/312448/de-yen-tam-phong-chong-dich-hon.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *